Da nhạy cảm, Xây dựng Routine

Skincare tip 2 – Làm gì khi da phản ứng lạ lúc dùng sản phẩm mới?

Tác giả: Lê Phước Thành Đạt

  1. Quá trình hình thành mụn và các yếu tố ảnh hưởng
  2. Một số phản ứng của da thường gặp
    1. Kích ứng da
    2. Dị ứng da
    3. Purging – đẩy mụn
    4. Các chất có khả năng gây purging
  3. Nên làm gì khi da đẩy mụn?
  4. Xử lý sao khi da bị kích ứng hay dị ứng?
    1. Cách xử lý
    2. Routine tham khảo
  5. Reference

 

 

h1|Quá trình hình thành mụn và các yếu tố ảnh hưởng

Như đã trình bày trong các bài viết trước trên blog thì cơ chế sinh bệnh mụn bao gồm rất nhiều yếu tố liên quan, trong đó đa phần đều đồng ý có 4 yếu tố chính là [1,2,3]: Tăng sản xuất bã nhờn, Thay đổi của quá trình sừng hóa, tăng sừng hóa của nang lông, Các chất trung gian gây viêm và Vi khuẩn Cutibacterium acnes (C.acnes) (trước đây là Propionibacterium acnes – P.acnes) xâm chiếm nang lông.

 

Các sự kiện sinh lý bệnh được mô tả cơ bản, ngắn gọn như sau [3]: Tổn thương bắt đầu khi các tế bào sừng lót trong nang lông bong ra tạo ra một microcomedone (khó thấy bằng mắt thường). Ở tuổi dậy thì, bã nhờn tăng lên tạo ra một môi trường thuận lợi cho C.acnes sinh sôi nảy nở. Khi C.acnes tăng sinh, các chất trung gian gây viêm và hóa chất được tạo ra và từ đó thúc đẩy quá trình viêm

 

Tuy vậy, trình tự chính xác của các yếu tố này và cách chúng và các yếu tố khác tương tác vẫn chưa rõ ràng [2] và vai trò chính xác của vi khuẩn ví dụ như C.acnes (P.acnes) vẫn gây ra một số hiểu lầm. Theo nghiên cứu [4] thì ở trong da người khỏe mạnh và trong da người bị mụn đều có P. acnes, trong khi đó chỉ ở da người mụn mới có tụ khuẩn cầu, tạo nên nghi vấn về vai trò của nó trong mụn. Tuy nhiên, theo nghiên cứu literature review mới vào năm 2018 về vai trò của C.acnes (tên mới của P.acnes) trong mụn [5] thì sự tăng sinh của P. acnes không phải là nguyên nhân gây ra mụn trứng cá vì những bệnh nhân bị mụn trứng cá không có nhiều P. acnes trong nang hơn những người bình thường. Thay vào đó, việc mất đi tính đa dạng của hệ vi sinh vật trên da cùng với hoạt động của một số chủng con của C.acnes cộng với sự kích hoạt khả năng miễn dịch bẩm sinh có thể dẫn đến tình trạng mụn.

 

 

h1|Một số phản ứng của da thường gặp

Khi sử dụng một sản phẩm mới lên da, bạn có thể trải qua một số các phản ứng trên da khác nhau, tuy nhiên các phản ứng này khá khó phân biệt. Một số phản ứng phổ biến mà chúng ta thường thấy là: Kích ứng da (Irritation), Dị ứng da (Allergy) và Đẩy mụn (Purging). Mình cũng đã có phân biệt trong bài này nhưng có lẽ chưa rõ ràng lắm nên một số bạn còn thắc mắc, do đó hôm nay mình sẽ cố gắng mô tả rõ hơn để giúp các bạn hiểu được sự khác biệt của chúng.

 

 

h2|Kích ứng da

Tình trạng kích ứng da (hay còn gọi là Viêm da tiếp xúc kích ứng/ kích thích – Irritant contact dermatitis) được gây ra bởi sự kích thích miễn dịch không điều hòa (non–immune-modulated irritation) bởi một chất gây kích ứng, dẫn đến các sự thay đổi trong khu vực bị kích thích đó. Các triệu chứng có thể xảy ra ngay lập tức và có thể tồn tại nếu chất kích thích không được nhận ra [6]. Viêm da tiếp xúc kích thích có thể diễn ra khi lần đầu bạn tiếp xúc với chất gây kích ứng, không yêu cầu tiếp xúc trước đó. Nó có thể trông giống như nhiều thứ, ví dụ như mụn, thâm quần mắt, da tay khô hoặc khô da quanh vùng miệng. Nếu kích ứng đủ mạnh, nó có thể phá vỡ hàng rào bảo vệ da [7] và gây ra phát ban khá nghiêm trọng

 

h2|Dị ứng da

TÌnh trạng dị ứng (hay còn gọi là Viêm da tiếp xúc dị ứng – Allergic contact dermatitis) là một phản ứng mẫn cảm chậm trễ (có nghĩa là không bộc phát ngay lúc tiếp xúc) trong đó một chất lạ tiếp xúc với da; làm cho da phát triển sự nhạy cảm đối với chất đó. Khi tái tiếp xúc với chất lạ đó sẽ gây ra bệnh [6]. Thông thường, sau khi tiếp xúc với dị nguyên khoảng 24 đến 48h thì xuất hiện phản ứng dị ứng. Một số dị nguyên hay gặp [O2]: Nickel sulfate, Neomycin sulfat và Hương liệu.

 

Đối với Viêm da tiếp xúc dị ứng, thông thường, bạn sẽ không bị phát ban ngay lần đầu tiên khi da chạm vào thứ gì đó mà bạn bị dị ứng. Nhưng cái chạm đó làm mẫn cảm làn da của bạn và bạn có thể có phản ứng dị ứng vào lần tới khi bạn tiếp xúc chất đó. Nếu bạn bị phát ban dị ứng, rất có thể bạn đã chạm vào kích hoạt đó trước đó và chỉ không biết điều đó. [9]. Do đó, viêm da tiếp xúc dị ứng thậm chí có thể xảy ra với các sản phẩm mà bạn đã sử dụng trong nhiều năm (cũng có thể do sản phẩm thay đổi công thức). Điều này có thể xảy ra bởi vì sự nhạy cảm có thể phát triển dần khi bạn sử dụng sản phẩm đó liên tục và bamp! một ngày nào đó bạn bị viêm da tiếp xúc dị ứng :(( [8].

 

h2|Purging - đẩy mụn

Theo bác sĩ da liễu Dr. Deanne Mraz Robinson, thuật ngữ purging dùng để chỉ phản ứng đối với một hoạt chất làm tăng tốc độ thay đổi tế bào da (skin cell turnover). Khi tốc độ thay đổi tế bào da tăng lên, da bắt đầu làm bong các tế bào da chết nhanh hơn bình thường [O3]. Bác sĩ Dr.Dray cũng có cách định nghĩa tương tự, đó là giai đoạn khi mụn của bạn tệ hơn trong thời gian ngắn sau khi bạn dùng các chất có thể tăng tốc độ thay đổi tế bào da, ví dụ như: Retinoids, AHA, BHA, Benzoyl peroxide. Khi các thành phần này tẩy tế bào chết, chúng sẽ loại bỏ lớp tế bào chết trên cùng của da, cho phép lớp tế bào da khỏe mạnh hơn ở bên dưới xuất hiện nhưng cùng lúc đó, chúng cũng có thể làm tệ hơn tình trạng của mụn trong thời gian ngắn. Mụn không xảy ra vì thành phần đó gây ra mụn, tình trạng này xảy ra bởi vì thành phần này thúc đẩy nhanh sự phát triển của các microcomedone vốn đã có sẵn trên da của bạn, bạn chỉ không nhìn thấy nó thôi [O1,O3]. Bác sĩ Dr.Dray cũng nói rằng, khi retinoids và các chất tẩy tế bào chết hóa học làm tăng tốc độ thay đổi tế bào da, nó cũng khiến da mất nước, dẫn đến khô và kích ứng nhiều hơn và cũng gây ra phản ứng viêm, do đó tình trạng mụn của bạn có thể tạm thời trông “nặng” hơn [O1]

 

Purging thường chỉ xuất hiện ở vị trí bạn hay nổi mụn và thường chỉ xuất hiện với các sản phẩm tăng tốc độ thay đổi tế bào da như Acids, Retinoids và các loại Peel [O3] và chỉ diễn ra trong thời gian ngắn [O1]. Cho nên, nếu các bạn sử dụng các sản phẩm không có các thành phần đó và tình trạng mụn năng hơn trong thời gian dài, khả năng cao là bạn đã bị kích ứng da và nên ngưng ngay lập tức sản phẩm bạn nghi ngờ gây ra kích ứng (ví dụ, sản phẩm mới đưa vào routine) hoặc nếu tốt nhất là nên ngưng tất cả sản phẩm skincare.

 

Vì sao? Bởi vì khi da bạn bị kích ứng, hàng rào bảo vệ da đã bị ảnh hưởng khá nặng [7]. Do đó, nếu bạn tiếp tục sử dụng routine cũ mà routine cũ có các chất như Acids hay Retinoids thì sẽ càng làm tình trạng kích ứng trầm trọng hơn, mặc dù trước đó bạn sử dụng các hoạt chất này không sao.

 

Ngược lại, nếu bạn đang ở trong giai đoạn purging, thì hãy tiếp tục sử dụng các hoạt chất đó nhé. Giai đoạn purging sẽ sớm trôi qua và da bạn “trộm vía” sẽ đẹp hơn rất nhiều.

 

Để phân biệt Purging với triệu chứng nổi mụn thông thường do các nguyên nhân khác (break out), minh sẽ dẫn lại hình ở bài cũ:

 

Hình 1. Phân biệt Purging và Breakout

 

h2|Các chất có khả năng gây purging

Vậy cụ thể các chất nào có thể gây ra tình trạng đẩy mụn? Biết được các chất này sẽ giúp các bạn dễ xác định liệu các bạn có đang đẩy mụn hay đang kích ứng/ dị ứng với một sản phẩm nào đó. Nếu sản phẩm bạn sử dụng không có các hoạt chất này nhưng bạn cứ nổi mụn lên ở nhiều vùng da mà trước giờ bạn không nổi mụn thì khả năng cao là không phải purging đâu nhé!

 

Như đã nói ở trên, các chất có khả năng gây purging là các chất tăng tốc độ thay đổi tế bào da hay có khả năng tiêu sừng (keratolytic). Một số chất có khả năng này đã được liệt kê ở bảng sau:

 

Bảng 1. Một số chất có khả năng đẩy mụn

 

Một số chất không gây purging nhưng có thể gây kích ứng trong thời gian đầu sử dụng (hiếm gặp) và dễ bị nhầm lẫn là đẩy mụn, ví dụ vitamin C hay niacinamide

 

Bảng 2. Một số chất có khả năng gây kích ứng thường nhầm lẫn với đẩy mụn

 

Các chất này (Vitamin C, Niacinamide) hầu như không gây purging, do đó nếu gặp tình trạng mụn nổi nhiều hơn thì đa phần là do bạn bị kích ứng hoặc dị ứng với sản phẩm đó.

 

Mặc dù hai hoạt chất này khá lành tính, nhưng các bạn nên nhớ rằng trong sản phẩm chứa rất nhiều các thành phần khác chứ không chỉ các hoạt chất này, và có thể là các thành phần khác trong sản phẩm gây ra mụn chứ không hẳn là hoạt chất đó. Một ví dụ cụ thể là Niacinamide 10% của The Ordinary. Một số bạn xài không hợp và nghĩ rằng mình không hợp với Niacinamide, nhưng thực tế Niacinamide là một chất rất lành tính và khả năng cao là bạn bị kích ứng các thành phần khác trong sản phẩm đó hơn là Niacinamide (có khoảng 8,9 thành phần khác trong sản phẩm này). Do đó, nếu bạn nghĩ là bạn dị ứng với Niacinamide và không dùng Niacinamide nữa thì khá đáng tiếc do hoạt chất này có rất nhiều lợi ích

 

 

h1|Nên làm gì khi da đẩy mụn?

Hầu như không thể ngăn ngừa tình trạng purging diễn ra mà chỉ có thể khiến nó diễn ra nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên, hãy chịu khó kiên trì qua giai đoạn purging bởi vì sau giai đoạn đó da bạn sẽ đẹp lên hơn nhiều đấy!

 

Để hạn chế purging thì bạn có thể áp dụng một số cách sau, theo tham khảo từ [O1] và kinh nghiệm cá nhân:

 

+ Trước khi sử dụng các sản phẩm có khả năng gây purging, chu trình chăm sóc da cơ bản của bạn nên có các sản phẩm phục hồi da

 

+ Sử dụng với nồng độ thấp: Bạn nên bắt đầu ở nồng độ thấp để hạn chế việc purging diễn ra quá mạnh và có thể khiến tình trạng da tệ hơn và gây ra viêm da. Ví dụ, đối với tretinoin thì nên bắt đầu từ 0,025, AHA thì có thể bắt đầu từ 7, 8%.

 

+ Sử dụng với tần suất thấp: Khi bắt đầu sử dụng, đừng vội dùng sản phẩm đó hàng ngày. Bạn nên sử dụng 2 hoặc 3 lần/ tuần, sau đó khi bạn thấy tình trạng da vẫn ổn định thì tăng lên từ từ đến tần suất phù hợp với da của bạn. Nếu trong lúc đang dùng mà da bạn gặp tình trạng purging dữ dội quá thì có thể giảm tần suất lại.

 

+ Kiểm tra lại các sản phẩm đang dùng: Kiểm tra xem các sản phẩm đang dùng có chất gây kích ứng hay không vì trong giai đoạn purging thì skin barrier của bạn sẽ yếu hơn và nếu sản phẩm bạn đang dùng có chất kích ứng thì sẽ dễ làm tình trạng da tệ hơn và gây ra viêm da tiếp xúc kích thích

 

+ Không dùng chung quá nhiều sản phẩm mới: Khi muốn bắt đầu dùng thử các sản phẩm có khả năng purging thì bạn không nên dùng với các sản phẩm bạn mới mua quá nhiều bởi vì có khả năng bạn bị dị ứng với các sản phẩm đó và nếu dùng chung với sản phẩm có khả năng purging sẽ khiến tình trạng đó tồi tệ hơn và nếu bạn dùng quá nhiều sản phẩm thì cũng không biết là bạn bị kích ứng hay dị ứng với sản phẩm nào

 

h1|Xử lý sao khi da bị kích ứng hay dị ứng?

 

h2|Cách xử lý

– Quan trọng nhất là phải ngăn chặn tình trạng này bằng cách patch test các sản phẩm trước khi sử dụng nó trên toàn khuôn mặt của bạn (tham khảo)

 

– Cách xử lý tốt nhất là ngưng ngay các sản phẩm khiến bạn bị kích ứng hay dị ứng. Ngoài ra, các sản phẩm có khả năng gây kích ứng khác trong routine cũng nên tạm ngưng do lúc này da bạn đang nhạy cảm, các sản phẩm có khả năng gây nhạy cảm lúc trước bạn sử dụng tốt nhưng lúc này sẽ khiến tình trạng kích ứng và dị ứng của bạn nặng thêm. Tốt nhất là chỉ nên sử dụng các sản phẩm quan trọng như Sữa rửa mặt, kem dưỡng và kem chống nắng (dĩ nhiên phải bảo đảm 3 sản phẩm này không có chất dễ gây kích ứng)

 

– Nếu bạn không biết sản phẩm này khiến bạn bị kích ứng hay dị ứng (do có khả năng bạn bị dị ứng với các sản phẩm dùng từ lâu do nó là phản ứng chậm). Lúc này, bạn nên ngừng tất cả sản phẩm trong khoảng 1 – 2 tuần. Sau đó, hãy sử dụng lại tuần tự các sản phẩm mà bạn cảm thấy an tâm nhất (có thể là do sản phẩm đó trước giờ bạn ko bị kích ứng, hoặc thành phần lành tính). Chỉ nên sử dụng lại trước các sản phẩm quan trọng như Sữa rửa mặt, kem dưỡng và kem chống nắng (nếu bạn không chắc các sản phẩm này có gây kích ứng không thì có thể tạm ngưng, khi da ổn rồi thì sử dụng lại)

 

 

h2|Routine tham khảo

Nếu lỡ bị kích ứng hay dị ứng, hãy tham khảo các sản phẩm hồi phục dưới đây nhé. Các sản phẩm lành tính, phục hồi này cũng khá thích hợp để giúp bạn xây dựng chu trình chăm sóc da căn bản trước khi sử dụng các sản phẩm có khả năng purging:

 

– Sửa rửa mặt:

 

 

– Kem dưỡng:

 

 

– Kem chống nắng:

 

 

Lưu ý:

*Nhớ patch test cả các sản phẩm này luôn nhé các bạn

 

**Các bạn có thể bổ sung thêm thực phẩm chức năng hỗ trợ như L-cystine (giúp hỗ trợ điều trị sạm da, viêm da dị ứng. Là thực phẩm bổ sung nên bạn có thể tự mua sử dụng được, tuy nhiên nên tham khảo thêm ý kiến của người bán thuốc. Trong tương lai mình sẽ viết chi tiết hơn nhé)

 

**Nếu da kích ứng nặng như: mụn liti đầy mặt, da sạm đen và ngứa liên tục, bạn hãy chủ động đi khám tại bệnh viện da liễu nhé. Chỉ cần uống đúng thuốc thì khoảng 2 – 4 tuần sẽ hết hẳn (đối với mình).

—————————

 

h1|Reference

A) Research

[1] Zaenglein, A. L. (2018). Acne vulgaris. New England Journal of Medicine, 379(14), 1343-1352.

[2] Williams, H. C., Dellavalle, R. P., & Garner, S. (2012). Acne vulgaris. The Lancet, 379(9813), 361-372.

[3] Bhate, K., & Williams, H. C. (2013). Epidemiology of acne vulgaris. British Journal of Dermatology, 168(3), 474-485.

[4]. Bek-Thomsen, M., Lomholt, H. B., & Kilian, M. (2008). Acne is not associated with yet-uncultured bacteria. Journal of clinical microbiology, 46(10), 3355-3360.

[5] Dréno, B., Pécastaings, S., Corvec, S., Veraldi, S., Khammari, A., & Roques, C. (2018). Cutibacterium acnes (Propionibacterium acnes) and acne vulgaris: a brief look at the latest updates. Journal of the European Academy of Dermatology and Venereology, 32, 5-14.

[6] Usatine, R. P., Riojas, M. (2010). Diagnosis and Management of Contact Dermatitis. Am Fam Physician. 2010 Aug 1;82(3):249-255.

[7] Eberting, C.L. (2014). Irritant Contact Dermatitis: Mechanisms to Repair. Journal of clinical & experimental dermatology research, 5, 1-8.

[8] Khalil, S., Bardawil, T., Stephan, C., Darwiche, N., Abbas, O., Kibbi, A. G., … & Kurban, M. (2017). Retinoids: a journey from the molecular structures and mechanisms of action to clinical uses in dermatology and adverse effects. Journal of Dermatological Treatment, 28(8), 684-696.

[9] Draelos, Z. D., Ertel, K. D., & Berge, C. A. (2006). Facilitating facial retinization through barrier improvement. CUTIS-NEW YORK-, 78(4), 275.

[10] Sharad, J. (2013). Glycolic acid peel therapy–a current review. Clinical, cosmetic and investigational dermatology, 6, 281.

[11] Okano, Y., Abe, Y., Masaki, H., Santhanam, U., Ichihashi, M., & Funasaka, Y. (2003). Biological effects of glycolic acid on dermal matrix metabolism mediated by dermal fibroblasts and epidermal keratinocytes. Experimental dermatology, 12, 57-63.

[12] Bashir, S. J., Dreher, F., Chew, A. L., Zhai, H., Levin, C., Stern, R., & Maibach, H. I. (2005). Cutaneous bioassay of salicylic acid as a keratolytic. International journal of pharmaceutics, 292(1-2), 187-194.

[13] Hunt, M. J., & Barnetson, R. S. (1992). A comparative study of gluconolactone versus benzoyl peroxide in the treatment of acne. Australasian journal of dermatology, 33(3), 131-134.

[14] Iraji, F., Sadeghinia, A., Shahmoradi, Z., Siadat, A. H., & Jooya, A. (2007). Efficacy of topical azelaic acid gel in the treatment of mild-moderate acne vulgaris. Indian Journal of Dermatology, Venereology, and Leprology, 73(2), 94.

[15] Webster, G. (2000). Combination azelaic acid therapy for acne vulgaris. Journal of the american academy of dermatology, 43(2), S47-S50.

[16] Waller, J. M., Dreher, F., Behnam, S., Ford, C., Lee, C., Tiet, T., … & Maibach, H. I. (2006). ‘Keratolytic’properties of benzoyl peroxide and retinoic acid resemble salicylic acid in man. Skin Pharmacology and Physiology, 19(5), 283-289.

[17] Ravetti, S., Clemente, C., Brignone, S., Hergert, L., Allemandi, D., & Palma, S. (2019). Ascorbic acid in skin health. Cosmetics, 6(4), 58.

[18] Cosmetic Ingredient Review Expert Panel. (2005). Final report of the safety assessment of niacinamide and niacin. International journal of toxicology, 24, 1.

 

B) Others

[O1] Dr.Dray: https://www.youtube.com/watch?v=9gV8UnAQBpk

[O2] https://moh.gov.vn/web/phong-chong-benh-nghe-nghiep/thong-tin-hoat-dong/-/asset_publisher/xjpQsFUZRw4q/content/cac-benh-da-nghe-nghiep-thuong-g-1

[O3] https://www.healthline.com/health/beauty-skin-care/skin-purging

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *