Uncategorized

Skin Type – Phân loại da

Tác giả: Lê Học Nhân

Các loại da (Skin Types) là biểu hiện kết hợp giữa gene (di truyền)khí hậu nơi chúng ta sống (môi trường). Sự kết hợp giữa di truyền và các thuộc tính môi trường này tạo ra ba loại cơ bản: da thường, da dầu và da khô. Những loại da này có thể xảy ra ở các mức độ khác nhau, từ hơi nhờn hoặc hơi khô, cho đến rất nhờn hoặc rất khô.

Ngoài ra, có thể bắt gặp sự kết hợp của các loại da này, thường được gọi là “da hỗn hợp”, phổ biến nhất là da thường đến da dầu và da thường đến da khô. Những tình trạng hoặc sự kết hợp này thường xảy ra ở “vùng chữ T” (gồm trán, mũi và cằm)

Hầu hết mọi người sẽ thuộc một trong ba loại này, nhưng luôn có ngoại lệ cho bất kỳ quy tắc nào. Mọi người thường xác định loại da của họ một cách trực tiếp. Ví dụ điển hình nhất là những người có biểu hiện hơi dầu ở vùng chữ T. Khi được hỏi, một số người sẽ nói rằng da của họ rất nhờn và họ đang sử dụng chất tẩy rửa mạnh để làm sạch dầu thừa. Chế độ làm sạch như vậy là quá mạnh đối với loại da này và thường thì người đó sẽ có làn da mẩn đỏ, bị kích ứng, thiếu nước do tổn thương lớp sừng. Vì vậy, điều quan trọng là phải đánh giá phù hợp làn da, và sử dụng các sản phẩm dựa trên những đánh giá khoa học.
Mọi người có thể tham khảo bài kiểm tra đánh giá được dựa theo những nghiên cứu khoa học rõ ràng tại: http://lovelyskin.vn/bai-trac-nghiem-loai-da/

Da thường là làn da có độ ẩm, độ săn chắc và khả năng phục hồi tốt, được tạo ra bởi lớp thượng bì và trung bì hoạt động bình thường thông qua việc ngậm nước tốt và được hỗ trợ đầy đủ bởi các mô mỡ (trong hạ bì). Da thường có hoạt động sinh học mạnh mẽ ở lớp đáy, tuần hoàn máu hoạt động tốt. Da thường trông mềm mại, ẩm, căng mọng, đồng thời có màu sắc trông khỏe khoắn. Lớp sừng trong mờ và trông mịn màng. Ví dụ tốt nhất về làn da bình thường là của trẻ em, từ khi sinh thường cho đến khi dậy thì.

Lão hóa do thời gian, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và các yếu tố ngoại cảnh khác như khí hậu khắc nghiệt, mất nước và chăm sóc da kém là yếu tố chính dẫn đến sự xuống cấp của làn da thường. Các yếu tố khác bao gồm chế độ ăn uống không đủ chất, thức ăn không có vitamin, enzyme và amino acid không cung cấp đủ cho sự sinh trưởng của tế bào. Chăm sóc da không đúng cách, như không làm sạch mặt hợp lý hoặc sữa rửa mặt chứa chất tẩy rửa mạnh. Trong chăm sóc da, điều cơ bản nhất là giữ cho da sạch sẽ. Rửa mặt hai lần một ngày (sáng và tối) với sản phẩm làm sạch thích hợp có thể làm giảm mụn trứng cá. Việc sử dụng xà phòng và lạm dụng tẩy tế bào chết cũng góp phần làm xấu đi làn da thường. Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và các yếu tố không được bảo vệ sẽ làm khô, mất nước và lão hóa da sớm.

Da bình thường cần đảm bảo yếu tố làm sạch phù hợp, cộng với sự bảo vệ khỏi quá trình oxy hóa gây ra bởi các gốc tự do và ánh nắng mặt trời. Việc sử dụng đồng thời kem dưỡng ẩm bảo vệ có chứa chất chống oxy hóa và kem chống nắng vào ban ngày để ngăn ngừa mất độ ẩm và tác hại của các gốc tự do, cùng với kem dưỡng ẩm vào ban đêm là điều cần thiết đối với làn da này.

Da dầu là một tình trạng phát triển do các tuyến bã nhờn (dầu) hoạt động quá mức tạo ra một lượng bã nhờn (dầu) dồi dào. Hoạt động này chủ yếu được kiểm soát bởi nội tiết tố androgen hoặc hormone testosterone. Da dầu có thể được nhận biết bởi vẻ ngoài sáng bóng, dày và săn chắc. Lỗ chân lông trông to, thường là do dầu, tế bào sừng và vi khuẩn bị mắc kẹt trong nang lông. Da dầu có xu hướng trông bẩn và có thể gặp vấn đề về mụn.

Khí hậu nóng ẩm có xu hướng làm tăng tiết tuyến dầu, khiến da tiết dầu nhiều hơn. Ngoài ra, các vấn đề về da dầu có thể trở nên trầm trọng hơn do lạm dụng các sản phẩm chăm sóc da không phù hợp. Có xu hướng làm khô da do sử dụng xà phòng mạnh, sử dụng quá nhiều chất làm se hoặc tẩy tế bào chết làm phá vỡ hàng rào bảo vệ da.

Da dầu có thể được phân thành hai loại phụ: da dầu (không thiếu nước) và da dầu mất nước (thiếu nước). Trong trường hợp đầu tiên, da có đủ độ ẩm thích hợp; trong khi nó vẫn trông nhờn và không khô. Đối với loại thứ hai, da thiếu độ ẩm. Tất cả các đặc điểm của da dầu đều có sẵn nhưng cá nhân có xu hướng về cảm giác bị “khô”. Thường những người có da nhờn có xu hướng sử dụng các thành phần làm khô, khử nước để cảm thấy “ít dầu hơn”. Kết quả cuối cùng là da có cảm giác bong tróc, thô ráp và có vảy. Suy nghĩ thông thường khi tình trạng này phát triển là “tự chẩn đoán” mình thuộc loại da khô và mua các sản phẩm chứa nhiều dầu. Khi da đã có đủ dầu, các sản phẩm này chỉ làm tình trạng nhờn thêm trầm trọng và gây ra mụn trứng cá, mụn đầu đen, v.v. Thông thường, những người có da nhờn không cần kem dưỡng ẩm vì họ cho rằng làm bí da. Chính vì thế mà gây nên tình trạng da dầu mất nước.

Chăm sóc da nhờn cần làm sạch kỹ lưỡng nhưng nhẹ nhàng. Gel hoặc kem dưỡng ẩm không chứa dầu sẽ giúp da duy trì độ ẩm và mềm mại hơn. Điều cần thiết là giữ cho da dầu sạch và đủ nước bằng cách làm sạch và dưỡng ẩm thích hợp. Các hoạt chất tẩy tế bào chết hoá học như alpha hydroxy acid (AHA) hoặc beta hydroxy acid (BHA) sẽ giúp da được thông thoáng hơn và giảm tình trạng mụn hiệu quả. Tin vui cho làn da này rằng: khi được chăm sóc đúng cách, đây là loại da có quá trình hình thành nếp nhăn chậm nhất.

Da khô phát triển chủ yếu do các tuyến bã nhờn hoạt động kém, các tế bào bề mặt bị bong tróc bất thường và nhạy cảm với môi trường (đặc biệt là mùa khô). Khi tất cả các hoạt động của cơ thể chậm lại theo thời gian, hoạt động của tuyến dầu và quá trình loại bỏ tế bào chết cũng chậm lại. Trên thực tế, nhiều phụ nữ có thể nhận thấy rằng da của họ đã chuyển từ nhờn sang khô sau khi mãn kinh. Da khô thiếu dầu sẽ làm giảm khả năng giữ ẩm, vì dầu trên bề mặt da hoạt động như một hàng rào tự nhiên chống lại sự mất độ ẩm. Do đó, da khô thường bị mất nước và thường cảm thấy có vảy, thô ráp và ngứa.

Da khô thường có đặc điểm là rất mịn, mỏng, với các lỗ chân lông gần như không nhìn thấy. Kết quả là da khô có thể có ít tế bào ở lớp sừng hơn da dầu. Da cũng có xu hướng dễ nhăn và thường có các nếp nhăn nhỏ trên bề mặt.

Các vấn đề về da khô trở nên trầm trọng hơn khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và nhiệt độ thấp. Chăm sóc da không đúng cách, đặc biệt là thiếu kem dưỡng ẩm càng làm trầm trọng thêm vấn đề này. Chăm sóc da khô nên bao gồm các sản phẩm bổ sung chất giữ ẩm hoặc dầu cho bề mặt da cũng như các sản phẩm bổ sung hoặc kích thích sản xuất chất giữ ẩm tự nhiên của da (thành phần liên kết nước). Các thành phần dưỡng ẩm như glycolic acid và lactic acid, glycerin, urê, ceramides và cholesterol giúp tăng cường khả năng giữ nước tự nhiên của da và duy trì độ ẩm cho da vô cùng hiệu quả. Những loại kem dưỡng ẩm đa chức năng như vậy rất cần thiết cho da khô và rất được khuyến khích sử dụng. Như đối với mọi loại da, việc sử dụng các sản phẩm có thành phần chống oxy hóa là điều cần thiết để trì hoãn tổn thương tế bào.

Nguồn tham khảo:
1. ​​Textbook of Cosmetic Dermatology, Chương 1: Skin physiology
2. Giáo trình da liễu học, Chương 2: Sinh lý da
3. Slide bài giảng bộ môn Cosmetics, Vietnam national International University

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *