Ở phần 1 chúng ta đã bàn luận chung về các tình trạng da phổ biến và đi vào phân tích cụ thể tình trạng mụn và lão hoá da. Trong phần này tình trạng giãn mao mạch và mất nước sẽ được làm rõ.
Đọc lại phần 1 tại: http://lovelyskin.vn/skin-conditions-cac-van-de-ve-da-phan-1/
Giãn mao mạch có thể nhận biết thông qua biểu hiện là một vết mẩn đỏ tạm thời hoặc mãn tính xuất hiện trên mặt. Nó xuất hiện dưới dạng các mạch máu nhỏ, giãn ra, uốn lượn, màu đỏ tươi trên má, xung quanh mũi và đôi khi ở cằm. Giãn mao mạch xuất hiện chủ yếu do thành mao mạch kém đàn hồi. Khi máu chảy đột ngột vì đỏ mặt hoặc các kích thích khác, các mao mạch sẽ giãn nở tạo chỗ cho lượng máu tăng lên. Khi lượng máu rút đi, các mao mạch sẽ co lại về kích thước bình thường. Nếu thành mao mạch không đủ đàn hồi, nó sẽ nở ra nhưng không co lại về hình dạng hoặc kích thước ban đầu. Kết quả là một mao mạch bị căng phồng sẽ giữ các tế bào máu trong cấu trúc của nó, do đó gây ra hiện tượng đỏ lan tỏa hoặc cục bộ.
Giãn mao mạch sẽ trầm trọng hơn nếu sử dụng nước quá lạnh hoặc quá nóng, rối loạn thần kinh, rối loạn tiêu hóa, tắm hơi, tập thể dục khiến mặt rất đỏ, uống rượu và chất lỏng quá nóng, ăn thức ăn cay, đặc biệt là tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá nhiều. Những người bị vấn đề về giãn mao mạch nếu đang sử dụng retinoids bôi tại chỗ nên tham khảo ý kiến bác sĩ, vì sản phẩm này cũng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh.
Cần cẩn thận để da không tiếp xúc với nước quá nóng hoặc quá lạnh. Kem dưỡng ẩm ban đêm hoặc kem dưỡng chứa các yếu tố phục hồi được khuyến khích sử dụng đối với làn da này. Các thành phần thực vật có lợi cho da có hiện tượng giãn mau mạch bao gồm các chiết xuất có khả năng giảm viêm như chiết xuất rau má, chiết xuất từ quả nhỏ, chiết xuất cam thảo…, vì khả năng làm dịu của nó.
Mất nước (thiếu độ ẩm trong hệ thống tế bào và các kênh gian bào) là một trong những tình trạng da phổ biến nhất. Mất nước là do tính thấm của hàng rào lipid bị tổn thương; các vết nứt trên da, lượng glycosaminoglycan giảm đi do lão hóa hoặc tổn thương da.
Tình trạng mất nước trở nên trầm trọng hơn nếu tiếp xúc quá nhiều nắng và gió cũng như không sử dụng kem chống nắng và hoặc kem dưỡng ẩm bảo vệ ban ngày có chứa chất chống oxy hóa. Các yếu tố khác như lạm dụng các sản phẩm chăm sóc da không phù hợp bao gồm sữa rửa mặt có chứa chất tẩy rửa mạnh, overtreatment, và cũng có thể là do không uống đủ nước. Da mất nước trông khô, có vảy, bong tróc và thường xuyên căng rát.
Mất nước là một trong những tình trạng da khó chẩn đoán nhất. Nó thường bị nhầm lẫn với khô da. Tình trạng mất nước và khô da có nhiều điểm tương đồng. Cả loại da khô và da dầu đều có thể bị mất nước. Da khô có thể bị mất nước vì da mỏng khó giữ được độ ẩm bên trong. Còn da dầu trở nên mất nước do sử dụng xà phòng mạnh và lạm dụng quá nhiều chất làm se (kiềm dầu). Khi da dầu bị mất nước, các lớp tế bào trên bề mặt sẽ cứng lại và cản trở việc tiết dầu. Lâu ngày dẫn đến dầu dưới lớp sừng bị cuốn theo. Điều này sẽ gây bất lợi cho những người bị mụn trứng cá vì nó có thể dẫn đến nhiễm trùng da. Để chấm dứt sự nhầm lẫn giữa mất nước và khô da, cách tốt nhất là chẩn đoán loại da trước tiên và sau đó là tình trạng da.
Sử dụng kem dưỡng ẩm chứa các thành phần giúp bảo vệ da khỏi bị mất độ ẩm cũng như phục hồi độ ẩm bên trong da là phương pháp hàng đầu để tránh da bị mất độ ẩm. Các thành phần dưỡng ẩm có thể giúp da giữ ẩm bên trong bằng cách giảm mất nước qua biểu bì, ví dụ như silicon, polymer và dầu tự nhiên hoặc các thành phần bổ sung độ ẩm cho da như glycerin, urea và hyaluronic acid. Việc sử dụng glycolic acid và lactic acid cũng có thể kích hoạt khả năng giữ nước của glycosaminoglycans.. Để khôi phục hoặc cải thiện chất nền ngoại bào của da (giúp giữ nước cho da tốt hơn), các thành phần như ceramides, cholesterol và acid béo là những thành phần cực kì hữu hiệu.
Còn tiếp…….
Để xác định loại da và tham khảo routine cho làn da của bạn, hãy truy cập tại đây nhé: