Kiến Thức Tổng Quát, Da dầu

Sinh Lý Da Dầu – Phần 1

Tác Giả: Nguyễn Thái Nghị

Sự tiết dầu nhờn đóng một vai trò quan trọng trong việc giữ ẩm da thông qua sản xuất glycerol – một thành phần cần thiết cho sự nguyên vẹn của hàng rào bảo vệ da. Hơn nữa, chất nhờn còn cung cấp lipid cho bề mặt của da, ngăn ngừa hiện tượng mất nước qua thượng bì (TEWL). Tuy nhiên, nếu sự tăng tiết dầu nhờn quá mức sẽ gây ra thừa dầu và khiến da nhờn hơn [1].

Da dầu là một trong những than phiền thường gặp nhất, đặc biệt ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Da dầu là một tác nhân góp phần gây nên mụn trứng cá và rất ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ. Những người da dầu trung bình hoặc dầu nhiều thường than phiền về việc phải rửa mặt quá nhiều lần trong ngày nhưng da thường bóng nhờn chỉ vài giờ sau đó. Họ thường có lỗ chân lông to và rất khó khăn trong việc tìm được một loại kem chống nắng phù hợp với làn da của mình. Trên lâm sàng, biểu hiện của da dầu là hiện tượng bóng nhiều vùng chữ T (gồm phần trán, mũi và cằm) và hai bên má [2].

Hình ảnh da dầu (Nguồn: Internet)

Số lượng tuyến bã nhờn thường duy trì ổn định suốt đời. Tuy nhiên, kích thước của nó thì tăng dần theo tuổi. Tuyến bã nhờn thường khác nhau về kích thước và ở khắp cơ thể trừ lòng bàn tay, lòng bàn chân, số lượng tuyến nhờn tập trung nhiều nhất ở mặt và đầu nhưng chỉ có một ít được tìm thấy ở môi. Tuyến bã nhờn nằm ở lớp trung bì, thường đi chung với nang lông tạo thành đơn vị nang lông tuyến nhờn, nhưng một số ít cũng xuất hiện ở những vùng không có nang lông như mí mắt, bộ phận sinh dục…[3]

Vai trò chính xác của chất nhờn vẫn chưa được hiểu hết hoàn toàn. Những nghiên cứu gần đây cho thấy vai trò của chất nhờn phức tạp hơn nhiều so với hiểu biết của chúng ta. Chất nhờn không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc giữ ẩm da, ngăn hiện tượng mất nước qua lớp thượng bì, nó còn chống lại stress do có chứa vitamin E – một chất chống oxy hoá mạnh và CoQ10 [4]. Hơn nữa, chất nhờn còn có khả năng ức chế hoạt động của vi khuẩn do có chứa IgG (một kháng thể trong hệ thống miễn dịch) có thể ngăn ngừa nhiễm trùng. Một số vai trò khác có thể kể đến như: điều hoà quá trình sinh tổng hợp steroid (thông qua việc sử dụng cholesterol làm chất nền), kiểm soát có chọn lọc các hoạt động của hormone ở da, bảo vệ tế bào sừng khỏi tia UVs…[5] [6]

Tuy nhiên, sự tiết nhờn quá mức sẽ làm bít tắc lỗ chân lông, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn như Propionibacterium acnes phát triển và gây mụn trứng cá. Đồng thời, chất nhờn cũng góp phần tham gia vào sự hình thành nhân mụn [3].

Số lượng tuyến bã nhờn có thể thay đổi từ 400-900/cm² ở trên mặt đến <100/cm² ở các vị trí khác trên cơ thể, thậm chí ở vùng cẳng tay còn <50/cm² [7].

Sự tổng hợp và trao đổi của các thành phần lipid của tế bào bã nhờn diễn ra hơn một tuần. Hiện tượng này ở người trẻ sẽ nhanh hơn người già. Tuyến bã nhờn bao gồm hai loại tế bào: tế bào bã nhờn và các tế bào gai của ống biểu mô. Tế bào bã nhờn phải trải qua ba giai đoạn để đạt kích thước tối đa: giai đoạn chưa biệt hoá, giai đoạn biệt hoá và giai đoạn trưởng thành. Các tế bào bã nhờn tăng kích thước do tích tụ lipid và có thể tăng 100-150 lần. Các thành phần của chất bã nhờn bao gồm: cholesterol, cholesterol ester, acid béo (fatty acid), diglyceride, triglyceride và hai thành phần đặc biệt wax esters và squalene mà không vị trí nào khác trong cơ thể sản xuất được, kể cả các tế bào sừng của lớp thượng bì [8].

Để xác định mức độ bóng nhờn của da, ta có thể sử dụng các phương pháp định lượng chất nhờn trên da. Tuy nhiên, không phải tất cả các lipid trên bề mặt da đều là chất bã nhờn. Các lipid trên bề mặt da bao gồm hai loại: các thành phần của lớp thượng bì được sản xuất bởi các tế bào sừng trưởng thành (bao gồm: 25% cholesterol, 50% ceramides, 15% acid béo tự do và một lượng nhỏ cholesterol esters và cholesterol sulfate) và các thành phần của chất bã nhờn (57.5% triglyceride và các sản phẩm thuỷ phân của nó, 26% wax esters, 12% squalene, 3% cholesterol esters và 1.5% cholesterol). Đồng thời, các lipid trên bề mặt da không phân bố đồng đều ở các nơi trên cơ thể, tỉ lệ của các lipid thượng bì so với lipid của chất nhờn ở các vùng cũng hoàn toàn khác nhau. Những vị trí của cơ thể có nhiều chất nhờn bao gồm: trán, da đầu, phần trên của thân, ngực. Nồng độ chất nhờn trên da có thể rất cao từ 100-500 pg/cm² hoặc thấp khoảng 25-40 pg/cm². Nồng độ chất nhờn tiết ra phụ thuộc vào số lượng và kích thước của tuyến bã nhờn. Kích thước của tuyến bã nhờn càng lớn, nồng độ lipid tiết ra càng nhiều. Ở những vùng có nhiều tuyến nhờn, ví dụ như vùng trán, nồng độ lipid dao động từ 150-300 pg/cm² nhưng trong đó nồng độ lipid do tế bào sừng thượng bì đóng góp chỉ có 25-40 pg/cm²  hay 3-6%. Tuy nhiên, khi tuyến nhờn chưa phát triển (giai đoạn tiền dậy thì) hoặc ở những vị trí thiếu tuyến nhờn (ví dụ như lòng bàn tay, lòng bàn chân) thì chất nhờn bề mặt chủ yếu là lipid của lớp thượng bì [9] [10].

Sự hiện diện của chất nhờn trên da có thể đo được một cách khách quan bằng những phương pháp không xâm lấn như: những miếng giấy thấm hút nhờn (giấy thấm dầu), đánh giá bằng cách đo độ sáng, đất sét bentonite hay những dải băng nhạy cảm lipid. Ngoài ra, tác giả Baumann, L. S. đã mô tả có hai cách để định lượng nồng độ chất nhờn: nồng độ thông thường và tỉ lệ bài tiết chất nhờn [11]. Tuy nhiên, hai cách này chỉ đo được nồng độ chứ không phân tích được các thành phần của chất nhờn.

Bên cạnh những phương pháp khách quan, còn có những bảng câu hỏi cho bệnh nhân tự trả lời được xây dựng để đánh giá tình trạng da nhờn của bệnh nhân. Đầu tiên là bảng câu hỏi “Oily skin self-assessment (OSSAS) đánh giá mức độ nghiêm trọng của da nhờn thông qua 3 câu hỏi cảm nhận thị giác, xúc giác, và cảm giác. Thứ hai là bảng câu hỏi “Oily Skin Impact Scale” (OSIS) đánh giá mức độ ảnh hưởng của da nhờn thông qua 2 câu hỏi về sự phiền toái của da nhờn và sự tự tin của bản thân. Tuy nhiên, cần chú ý mức độ tin cậy của những bảng câu hỏi này sẽ bị tác động bởi những yếu tố môi trường như độ ẩm, các mùa trong năm hoặc điều kiện sinh học như thay đổi hormone và quan trọng nhất là cảm nhận chủ quan của bệnh nhân. Một bảng câu hỏi tương đối chính xác nhất là “Oily Skin Self Image Questionnaire” (OSSIQ) bao gồm 18 câu hỏi để đánh giá nhận thức cũng như hành vi và những hậu quả cảm xúc liên quan đến da nhờn [12] [13].

Từ sự phát triển về thước đo của tác giả Baumann, L. S. đã cung cấp một bảng câu hỏi dễ quản lý để xác định chính xác độ nhờn của da mà không trải qua các cuộc kiểm tra phức tạp nào khác. “Đứng trên vai của người khổng lồ” – 1m88skin cũng đã phát triển bộ câu hỏi trắc nghiệm giúp đánh giá tình trạng da thông qua nghiên cứu đấy. Với giao diện dễ dùng và ngôn ngữ hoàn toàn dễ hiểu, bạn có thể truy cập tại link bên dưới và trải nghiệm hoàn toàn miễn phí.

Link phân tích da: http://lovelyskin.vn/bai-trac-nghiem-loai-da/ 

Trong phần tiếp theo, các yếu tố ảnh hưởng đến da nhờn sẽ được phân tích, mọi người nhớ đón đọc nhé.  

[1] Algiert‐Zielińska, B., Batory, M., Skubalski, J., & Rotsztejn, H. (2017). Evaluation of the relation between lipid coat, transepidermal water loss, and skin pH. International journal of dermatology, 56(11), 1192-1197.
[2] Arbuckle, R., Atkinson, M. J., Clark, M., Abetz, L., Lohs, J., Kuhagen, I., … & Copley-Merriman, K. (2008). Patient experiences with oily skin: The qualitative development of content for two new patient reported outcome questionnaires. Health and quality of life outcomes, 6(1), 1-15.
[3] Strauss, J. S., Pochi, P. E., & Downing, D. T. (1975). Skin lipids and acne. Annual review of medicine, 26(1), 27-32.
[4] Packer, L., Weber, S. U., & Thiele, J. J. (1999). Sebaceous gland secretion is a major physiologic route of vitamin E delivery to skin. Journal of Investigative Dermatology, 113(6), 1006-1010.
[5] Makrantonaki, E., Ganceviciene, R., & Zouboulis, C. C. (2011). An update on the role of the sebaceous gland in the pathogenesis of acne. Dermato-endocrinology, 3(1), 41-49.
[6] Kolarsick, P. A., Kolarsick, M. A., & Goodwin, C. (2011). Anatomy and physiology of the skin. Journal of the Dermatology Nurses’ Association, 3(4), 203-213.
[7] Nicolaides, N. (1974). Skin lipids: their biochemical uniqueness. Science, 186(4158), 19-26.
[8] Niemann, C. (2009). Differentiation of the sebaceous gland. Dermato-endocrinology, 1(2), 64-67.
[9] Proksch, E., Holleran, W. M., Menon, G. K., Elias, P. M., & Feingold, K. R. (1993). Barrier function regulates epidermal lipid and DNA synthesis. British Journal of Dermatology, 128(5), 473-482.
[10] Greene, R. S., Downing, D. T., Pochi, P. E., & Strauss, J. S. (1970). Anatomical variation in the amount and composition of human skin surface lipid. Journal of Investigative Dermatology, 54(3), 240-247
[11] Baumann, L. S., Penfield, R. D., Clarke, J. L., & Duque, D. K. (2014). A validated questionnaire for quantifying skin oiliness. Journal of Cosmetics, Dermatological Sciences and Applications, 2014.
[12] Arbuckle, R., Clark, M., Harness, J., Bonner, N., Scott, J., Draelos, Z., … & Copley-Merriman, K. (2009). Item reduction and psychometric validation of the oily skin self assessment scale (OSSAS) and the oily skin impact scale (OSIS). Value in Health, 12(5), 828-837.
[13] Segot-Chicq E, Compan-Zaouati D, Wolkenstein P, Consoli S, Rodary C, Delvigne V, Guillou V, Poli F: Development and validation of a questionnaire to evaluate how a cosmetic product for oily skin is able to improve well-being in women. J Eur Acad Dermatol Venereol 2007;21:1181–1186.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *