Tác giả: Lê Phước Thành Đạt
I) Short contact therapy là gì?
II) Thành phần có thể áp dụng SCT
1) Cách thành phần thuộc nhóm Retinoids
2) Salicylic Acid
3) Benzoyl Peroxide
III) Một số sản phẩm gợi ý
IV) Reference
Hãy tưởng tượng, bạn có một làn da mụn nhạy cảm. Để nhanh hết mụn, bạn muốn sử dụng các hoạt chất trị mụn như Salicylic Acid (BHA), Benzoyl Peroxide (BP) hay Retinoids, nhưng bạn lại sợ các hoạt chất này gây kích ứng cho da và bạn không biết làm thế nào? Nếu bạn gặp tình trạng như vậy, hãy thử một cách dùng gọi là Short contact therapy (tạm dịch: Liệu pháp tiếp xúc ngắn) đối với các thành phần này.
Vậy Short contact therapy là gì?
Short contact therapy (SCT) (Liệu pháp tiếp xúc ngắn) không có định nghĩa cụ thể, bạn có thể hiểu là một phương pháp sử dụng một sản phẩm, một thành phần có khả năng gây kích ứng (ví dụ như Retinoids). Bạn thoa sản phẩm lên mặt và sau đó rửa đi như sữa rửa mặt hay mặt nạ rửa (không bao gồm các loại như peel)
Chắc hẳn bạn nghĩ rằng nếu như rửa đi như vậy thì thành phần đó sẽ không có tác dụng trên da? Thực tế không hẳn vậy, sau đi tìm hiểu thông tin, mình đã lọc ra một số hoạt chất có khả năng gây kích ứng cho da có thể áp dụng liệu pháp này mà vẫn hiệu quả. Vậy các hoạt chất đó là gì? Hãy cùng tìm hiểu ở bên dưới nào:
Như đã giới thiệu qua các bài viết trước (Thảm khảo chuỗi 3 bài viết 1, 2, 3), Retinoids là một trong những thần dược của làn da do mức độ hiệu quả của nó trong việc trị mụn, hỗ trợ cải thiện các dấu hiệu lão hóa… Tuy vậy, việc sử dụng Retinoids là khá phức tạp và cần nghiên cứu kỹ, và một trong những nguyên nhân là do mức độ kích ứng của Retinoids khi mới sử dụng, đặc biệt là Tretinoin và Tazarotene. Khi bắt đầu sử dụng, da sẽ trải qua một giai đoạn gọi là Retinization. Lúc này, Retinoic Acid sẽ liên kết với các thụ thể trong da và bắt đầu gia tăng tốc độ của chu trình thay tế bào của da. Lúc này, da bạn có thể có các triệu chứng như bong tróc da, khô da, đỏ da, rát và ngứa – irritant contact dermatitis (viêm da tiếp xúc kích thích) [1, 2, 3, 4]. Và điều này rất phổ biến – đến 85% bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc kích thích (đa phần là mức độ nhẹ chỉ 20% là trung binh và nặng) khi điều trị với retinoids dạng bôi [3].
Do đó, phương pháp SCT được đưa ra để giải quyết vấn đề trên và chủ yếu được nghiên cứu với 2 phái sinh là Tretinoin và Tazarotene.
– Nghiên cứu của Veraldi S và cộng sự (2012) [3] đã kiểm tra phương pháp SCT này bằng thí nghiệm với 74 bệnh nhân bị mụn từ nhẹ – vừa để giảm bớt sự kích ứng của Tretinoin. Các bệnh nhân được chữa trị với Tretinoin 0.05% và được hướng dẫn thoa lên mặt mỗi ngày 1 lần trong 30 phút và sau đó rửa lại với nước. Thời gian kéo dài của việc trị liệu này là từ 8 – 32 tuần (trong đó, đa phần các bệnh nhân kết thúc ở tuần 12). Kết quả, có 41 bệnh nhân (55,4%) thấy được sử thay đổi rõ rệt trong tình trạng mụn. Đa phần không gặp kích ứng, có 13 bệnh nhân (17,6%) bị kích ứng nhẹ và 4 bệnh nhân kích ứng nặng (5,4%) và phải ngưng liệu trình. Số liệu này so sánh với số liệu của kem bôi Tretinoin thông thường thì khá khả quan đấy các bạn! Tác giả rút ra việc sử dụng 0.05% tretinoin hàng ngày trong 30 phút cho thấy kết quả tương đương với việc sử dụng Tretinoin và lưu lại trên da cả đêm, và ít kích ứng xảy ra hơn (chỉ có 20%) khi so sánh với tỷ lệ kích ứng thông thường là khoảng 80%.
– Bên cạnh đó, nghiên cứu của Bershad và cộng sự (2002) [4] cũng cho thấy kết quả khả quan với liệu pháp này khi thử nghiệm với gel Tazarotene 0,1% với mẫu là 81 người trong 12 tuần. Người tham gia được hướng dẫn có thể thay đổi thời gian lưu lại của sản phẩm trên da, từ 30 giây đến 5 phút tùy theo khả năng chịu đựng của da.
Routine của người tham gia: Sau khi rửa mặt với sữa rửa mặt dạng lỏng, thoa sản phẩm lên, đợi từ 30s đến 5p sau đó rửa đi bằng nước ấm. Ban đầu người tham gia được hướng dẫn là bắt đầu với thời gian 2p. Khi dung nạp tốt, tăng lên 1 phút nhưng tối đa không quá 5 phút. Nếu có triệu chứng kích ứng, giảm xuống 30 giây. Trong thường hợp đó, sau 3 ngày nếu không có kích ứng thì người tham gia phải tăng lên 30 giây lại. Khi nghiên cứu kết thúc, nhóm các người tham gia sử dụng Tazarotene giảm đáng kể mụn sưng viêm và cả mụn không viêm so với nhóm dùng giả dược (gel dưỡng bình thường, không có Tazarotene để so sánh). Và điều đáng chú ý là có sự giảm đáng kể về độ kích ứng nói chung khi áp dụng liệu pháp này.
Sau nghiên cứu này, Susan Bershad có nộp đơn đăng ký bản quyền cho liệu pháp này vào năm 2000 [19,20], tuy nhiên hiện tại bản quyền này đã hết hạn vào năm 2018. Susan Bershad có gợi ý cách sử dụng liệu pháp này cho các phái sinh nhóm Retinoids để trị mụn và cải thiện dấu hiệu lão hóa như sau:
+ Đối với mụn [19]: thời gian apply lên mặt là 2 – 5 phút, sau đó rửa đi bằng nước ấm với tần suất một tuần ít nhất 3 lần. Hoạt chất có thể sử dụng liệu pháp này là các phái sinh như Tretinoin, Tazarotene, Adapalene, Retinol(*) với các nồng độ từ 0,01 => 0,1
+ Đối với các dấu hiệu lão hóa [20]: khoảng từ 1 – 3 phút, sau đó rửa đi bằng nước ấm với tần suất một tuần ít nhất 3 lần. Hoạt chất có thể sử dụng liệu pháp này là các phái sinh như Tretinoin, Tazarotene, Adapalene, Retinol(*) với các nồng độ từ 0,01 => 0,1
(*)UPDATE NGÀY 21/08/2020
(Update thêm Retinol trong phương pháp SCT được cấp bằng sáng chế của Susan Bershad: Sau khi lược khảo lại thông tin trong bằng sáng chế của Susan Bershad thì định nghĩa về Retinoids của bà có bao gồm luôn cả Retinol trong đó.
Do retinol yếu hơn tretinoin nên các bạn có thể lưu lại trên da lâu hơn rồi mới rửa trôi đi bằng nước ấm, ví dụ:
+ Mụn: 4 – 5p
+ Chống lão hóa: 3p
Ngoài ra, bạn có thể sử dụng từ 1 – 2 lần/ ngày và nên lập lại ít nhất 3 ngày/ tuần nhé)
Từ những thông tin trên, mình gợi ý theo ý kiến cá nhân là bạn có thể áp dụng vào chu trình (routine) dưỡng da của bạn khi mới bắt đầu sử dụng Retinoids, cụ thể là Tretinoin trong 4 tuần đầu:
Sau đó, bạn có thể duy trì hoặc tăng liều lượng lên hoặc nồng độ lên theo nhu cầu. Tuy nhiên, nên lưu ý là với mỗi lần thay đổi tần suất hay liều lượng, bạn nên cho da làm quen trong một khoảng thời gian (để an toàn, bạn nên cố định routine cũ trong 1 – 2 tháng trước khi thay đổi).
Một thành phần thứ 2 được xem là hiệu quả khi sử dụng theo liệu pháp Tiếp xúc ngắn là Salicylic acid, và thực tế là có khá nhiều sản phẩm dạng sữa rửa mặt có chứa Salicylic acid trên thị trường. Mặc dù vậy, không có quá nhiều nghiên cứu về hiệu quả của sửa rửa mặt được thực hiện tốt [5,6].
Ngoài ra, tương tự với Retinoids, Salicylic Acid cũng có khả năng gây ra kích ứng cho da, mặc dù tỷ lệ thấp hơn. Salicylic có khả năng gây kích ứng lớp biểu bì [7] ở độ pH 3 đến 4 – độ pH mà nó hoạt động hiệu quả nhất [8]. Tuy vậy, không có nghĩa là phải xảy ra kích ứng thì BHA mới hoạt động hiệu quả (thực tế, 2% Salicylic Acid ở pH trung tính cũng có hiệu quả tẩy tế bào chết) [9].
Bây giờ, hãy cùng điểm qua một số nghiên cứu về Liệu pháp tiếp xúc ngắn (SCT) đối với BHA nhé:
– Đầu tiên là một nghiên cứu đăng trên Tạp chí của Học viện Da liễu Hoa Kỳ (2013) [10]. Trong nghiên cứu này, tác giả thí nghiệm với 30 người tham gia có độ tuổi từ 12 – 30 và bị mụn nhẹ đến vừa. Họ được cho sử dụng sữa rửa mặt chứa 2% Salicylic acid để hỗ trợ trị mụn trong 8 tuần. Kết quả cho thấy sản phẩm được dung nạp tốt và mang lại kết quả khả quan – số lượng tổn thương do mụn đã giảm đáng kể trong suốt thời gian sử dụng sản phẩm
– Ngoài ra, nghiên cứu Shalita AR trên tạp chí Clinical Therapeutics vào năm 1989 [11] cũng cho chúng ta thêm thông tin về độ hữu ích của Salicylic dạng rửa. Nghiên cứu được thực hiện 4 tuần để so sánh hiệu quả của sữa rửa mặt trị mụn chứa 2% Salicylic acid với sữa rửa mặt chứa 10% Benzoyl Peroxide trên 30 bệnh nhân. Kết quả đã chứng minh rằng chỉ những bệnh nhân được điều trị bằng salicylic acid mới có sự giảm đáng kể về nhân mụn. Bệnh nhân được điều trị bằng chất tẩy rửa axit salicylic trong hai tuần đầu tiên cho thấy sự cải thiện đáng kể trong mụn trứng cá.
Tuy vậy, nhìn chung thì các nghiên cứu còn ít và với mẫu không quá lớn. Bên cạnh đó các nghiên cứu này cũng chưa đề cập đến các khả năng khác của BHA như tẩy tế bào chết cho da, hỗ trợ kiểm soát dầu nhờn sẽ ảnh hưởng như thế nào nếu bạn sử dụng BHA dạng rửa thay cho dạng lưu lại trên da.
Thành phần tiếp theo có khả năng có hiệu quả khi sử dụng liệu pháp SCT là Benzoyl peroxide. Như các bạn cũng biết, Benzoyl peroxide (BP) được sử dụng trong trị mụn do khả năng tiêu diệt khuẩn P.acnes và thường dụng như một dạng chấm mụn hơn thoa toàn mặt do khả năng kích ứng khá cao. Nếu như bạn chấm mụn mà lỡ dùng nhiều Benzoyl peroxide hay để lại trên da quá lâu thì cũng sẽ thường gặp tình trạng châm chích và đỏ da khu vực xung quanh mụn. Do đó, để hạn chế vấn đề này, nhiều người sử dụng Benzoyl peroxide dạng rửa mặt, bao gồm cả các bác sĩ da liễu khi kê đơn cho bệnh nhân [14]. Tuy vậy, chưa có nhiều bài viết về hiệu quả của chúng nên hôm nay chúng ta hãy cùng tìm hiểu nào!
– Theo nghiên cứu của Shalita và cộng sự (2003) [12], Benzoyl Peroxide dạng rửa khi kết hợp với Tretinoin sẽ hiệu quả hơn so với chỉ sử dụng Tretinoin. Ông đã nghiên cứu tác dụng của sự kết hợp sữa rửa mặt chứa Benzoyl Peroxide 6% với tretinoin 0,1% dạng gel và tretinoin 0,1% sử dụng một mình trên 87 bệnh nhân có độ tuổi từ 12 – 30 trong 12 tuần. Trong 2 nhóm, nhóm sử dụng kết hợp Benzoyl Peroxide và Tretinoin đạt được hiệu quả cao hơn trong việc giảm các tổn thương viêm từ mụn. Ngoài ra, đáng chú ý là không có ghi nhận sự gia tăng kích ứng đáng kể của cách kết hợp này khi so với chỉ sử dụng Tretinoin.
Bên cạnh đó, ở nghiên cứu khác sử dụng Benzac – sữa rửa mặt chứa BP 5%, cũng cho thấy hiệu quả giảm lượng khuẩn P.acnes khi bệnh nhân chỉ sử dụng sản phẩm này để trị mụn, khoảng 46% sau hai tuần sử dụng (tổng số mẫu là 75) [13,14].
– Bên cạnh đó, nghiên cứu của Leyden và cộng sự (2008) [13] cũng chứng minh rằng Benzoyl Peroxide 6% dạng sữa rửa mặt có khả năng làm giảm P.acnes trong da các bệnh nhân có loại vi khuẩn này đã kháng lại các loại thuốc trị mụn kháng sinh ví dụ như Erythromycin and Tetracycline.
– Ngoài ra, BP cũng được áp dụng để điều trị mụn trên cơ thể, như mụn ở lưng hay ngực [18] khi để ở trên cơ thể trong 5 phút [17]
– Tuy vậy, cũng có một số nghiên cứu chỉ ra rằng hiệu quả của Benzoyl peroxide wash là không đáng kể, như nghiên cứu [11]. Tuy nhiên ở nghiên cứu này, độ dài nghiên cứu khá thấp (4 tuần), trong khi ở nghiên cứu [14], với độ dài 12 tuần, BP có cho kết quả tạm ổn khi giảm 39% số mụn viêm so với con số 10% của giả dược.
Từ thông tin trên, có thể nhận thấy rằng có một số lượng đáng kể nghiên cứu về dạng rửa của Benzoyl peroxide và đánh giá là có khả năng tốt trong việc giảm P.acne và hỗ trợ điều trị mụn. Và cách dùng thông thường là: dùng sản phẩm sữa rửa mặt chứa Benzoyl Peroxide trong 20 giây cho phép BP hoạt động, sau đó rửa lại với nước trong 10 giây [15].
———————————————————-
**Ngoài 3 hoạt chất trên, một số hoạt chất khác như AHA thì không có quá nhiều nghiên cứu về AHA dạng rửa trôi hay tiếp xúc ngắn, có thể do đặc tính hòa tan với nước của AHA; Niacinamide cũng không có nhiều nghiên cứu nói về lợi ích của Niacinamide trong dạng sữa rửa mặt, tuy vậy niacinamide dễ đáp ứng khi sử dụng và phổ biến ở nhiều dạng như serum hay kem dưỡng nên bạn có thể dễ dàng tìm kiếm và sử dụng niacinamide ở các dạng đó.
Nhìn chung, trong số các active ingredients có hiệu quả chữa trị mụn nhưng có khả năng gây kích ứng cho da, 3 loại hoạt chất là nhóm Retinoids, Salycilic acid và Benzoyl peroxide là được nghiên cứu có thể sử dụng ở dạng rửa trôi để giảm bớt khả năng kích ứng.
Tuy nhiên, các nghiên cứu đa phần chưa cung cấp thông tin rằng:
+ Các hiệu quả khác của các hoạt chất này như: khả năng cải thiện lão hóa, kiểm soát dầu nhờn….. Có khác biệt gì so với dạng leave-on hay không?
+ Và nếu sử dụng trong lâu dài thì có khác biệt gì rõ rệt hay không?
Do đó, liệu pháp này nhìn chung có thể hiệu quả cho các bạn mới sử dụng các hoạt chất này để cho da “làm quen”. Sau khoảng 1 – 2 tháng hoặc khi da bạn khỏe hơn, các bạn có thể đổi qua dạng leave-on để có thể tận dụng được các lợi ích mà các hoạt chất này mang lại nhé!
a) Sản phẩm nhóm Retinoids:
1) Obagi Tretinoin 0.025, 0.05
2) Retacnyl Tretinoin Cream 0.025%, 0.05
b) Sữa rửa mặt Salicylic acid (BHA):
1) The Inkey List Salicylic Acid Cleanser
2) Zapzyt Acne Wash Cleanser
c) Sữa rửa mặt Benzoyl Peroxide:
1) Differin Daily Deep Cleanser
2) Acne Foaming Cream Cleanser
—————————
[1] Mukherjee, S., Date, A., Patravale, V., Korting, H. C., Roeder, A., & Weindl, G. (2006). Retinoids in the treatment of skin aging: an overview of clinical efficacy and safety. Clinical interventions in aging, 1(4), 327–348. https://doi.org/10.2147/ciia.2006.1.4.327
[2] Bershad S, Singer GK, Parente JE, et al. (2002). Successful Treatment of Acne Vulgaris Using a New Method: Results of a Randomized Vehicle-Controlled Trial of Short-Contact Therapy With 0.1% Tazarotene Gel. Arch Dermatol;138(4):481–489. doi:10.1001/archderm.138.4.481
[3] Veraldi, S., Barbareschi, M., Benardon, S., & Schianchi, R. (2013). Short contact therapy of acne with tretinoin. The Journal of dermatological treatment, 24(5), 374–376. https://doi.org/10.3109/09546634.2012.751085
[4] Draelos et al (2006). Facilitating Facial Retinization Through Barrier Improvement, Cutis. 78:275-281
[5] Stringer, T., Nagler, A., Orlow, Seth., Vikash, Sindhu. (2018). Clinical evidence for washing and cleansers in acne vulgaris: A systematic review. Journal of Dermatological Treatment. 29. 1-21. 10.1080/09546634.2018.1442552.
[6] Magin, P., Pond, D., Smith, W., Watson, A. (2005). A systematic review of the evidence for ‘myths and misconceptions’ in acne management: diet, face-washing and sunlight, Family Practice; 22(1): 62–70,
[7] Davies, M., Marks, R. (1976), Studies on the effect of salicylic acid on normal skin. British Journal of Dermatology, 95: 187-192. doi:10.1111/j.1365-2133.1976.tb00825.x
[8] Rhein, L., Chaudhuri, B., Jivani, N., Fares, H. and Davis, A. (2004), Targeted delivery of salicylic acid from acne treatment products into and through skin: role of solution and ingredient properties and relationships to irritation. International Journal of Cosmetic Science, 26: 218-219. doi:10.1111/j.0142-5463.2004.00223_5.x
[9] S.J. Bashir, F. Dreher, A.L. Chew, H. Zhai, C. Levin, R. Stern, H.I. Maibach. (2005). Cutaneous bioassay of salicylic acid as a keratolytic. International Journal of Pharmaceutics; 292(1-2): 187-194
[10] Woodruff, Ja & Appa, Yohini. (2013). A double-blind, placebo-controlled evaluation of a 2% salicylic acid cleanser for improvement of acne vulgaris. AB12-AB12.
[11] Shalita, A. et al (1989) Comparison of a salicylic acid cleanser and a benzoyl peroxide wash in the treatment of acne vulgaris. Clinical Therapeutics; 11(2):264-267.
[12] Shalita, A., Rafal, E., Anderson, D., Yavel, R., Landow, S., Lee, WL. (2003). Compared Efficacy and Safety of Tretinoin 0.1% Microsphere Gel Alone and in Combination With Benzoyl Peroxide 6% Cleanser for the Treatment of Acne Vulgaris. Cutis; 72:167-172.
[13] Del Rosso, JQ. (2003) Keeping it clean. Skin & Aging; 11: 80-85.
[14] Mills, O.H., Jr., Elyse Rafal, F., Hino, P., Tuley, M., Baker, M., Dupre, S., Dolak, T. and Czernielewski, J. (1996), Evaluating the efficacy of benzoyl peroxide wash. Clinical Pharmacology & Therapeutics, 59: 167-167. doi:10.1038/sj.clpt.1996.167
[15] Del Rosso J. Q. (2008). Benzoyl peroxide cleansers for the treatment of acne vulgaris: status report on available data. Cutis, 82(5), 336–342.
[16] Leyden, J. J., Wortzman, M., & Baldwin, E. K. (2008). Antibiotic-resistant Propionibacterium acnes suppressed by a benzoyl peroxide cleanser 6%. Cutis, 82(6), 417–421.
[17] Bikowski J. (2010). A review of the safety and efficacy of benzoyl peroxide (5.3%) emollient foam in the management of truncal acne vulgaris. The Journal of clinical and aesthetic dermatology, 3(11), 26–29.
[18] Gold M. (2006). Survey results of compliance, preference, and satisfaction in patients prescribed benzoyl peroxide 8% wash and benzoyl peroxide 9% cleanser for the treatment of acne vulgaris. Poster presented at: American Academy of Dermatology 64th Annual Meeting; San Francisco, CA;
[19] https://patents.google.com/patent/US6096765A/en
[20] https://patents.google.com/patent/US6083963A/en