Review thành phần

Retinoids – Thần dược cho sắc đẹp? – P3

Tác giả: Lê Phước Thành Đạt

PART 3: Một số “lời đồn” về Retinoids

a) Retinoids không nên sử dụng vào ban ngày vì bạn sẽ bị cháy nắng
b) Tretinoin nồng độ cao mới có hiệu quả
c) Chỉ được sử dụng Tretinoin khi da đã khô
d) Không nên dùng Retinoids cho vùng da quanh mắt
e) Retinoids làm mỏng da của bạn
f) Không thấy có bất kỳ phản ứng nào trên da có nghĩa là Retinoids không hoạt động
h) Bạn nên thoa Retinoids càng nhiều càng tốt

 

Chào các bạn, sau khi đọc hết phần 1 và phần 2 của Series thì chắc hẳn các bạn sẽ có kiến thức rõ ràng hơn về Retinoids nói chung và Tretinoin rồi đúng không nào. Ở phần cuối cùng này, minh sẽ phân tích một số lời đồn phổ biến về Retinoids để xem điều nào là đúng là điều nào chưa đúng nhé các bạn. Now, let’s starttttttt

 

a) Retinoids không nên sử dụng vào ban ngày vì bạn sẽ bị cháy nắng

“Bạn không nên sử dụng Retinoids vào ban ngày bởi vì nó sẽ tăng khả năng bị cháy nắng” – đây là một lời đồn đại khá phổ biến về Retinoids, tuy nhiên không thực sự đúng. Nguyên do chủ yếu mà Retinoids được sử dụng là buổi tối là bởi vì Retinoids không ổn định dưới ánh nắng (Độ bền với ánh sáng – photostability – thấp). Theo bài viết của Kryczyk-Poprawa, Kwiecien và Opoka, Retinoids thường được kê để sử dụng vào buổi tối chủ yếu là do độ bền dưới ánh sáng của retinoids thế hệ đầu tiên (Retinol, Tretinoin…) thấp nên hiệu quả bị giảm đáng kể. Ngoài ra, theo nghiên cứu của Mukherjee và cộng sự, 2006 thì tia UV sẽ làm giảm hiệu quả hoạt động của thụ thể Retinoids trong da dẫn đến làm giảm hiệu quả của Retinoids

Một lý do khác mà mọi người thường nghĩ rằng không nên dùng Retinoids vào buổi sáng là do Retinoids làm mỏng da và bắt nắng. Thực tế, lớp stratum corneum (lớp ngoài cùng của biểu bì) có thể mỏng lại trong giai đoạn Retinization, tuy nhiên Retinoids sẽ làm dày lớp biểu bì nói chung và cả hạ bì! (theo nghiên cứu của Griffiths và cộng sự, 1993). Bên cạnh đó, Dana Sachs, phó giáo sư da liễu tại Đại học Y Michigan, khi trả lời phỏng vấn của tạp chí Allure có nói rằng: Retinoids không làm cho làn da dễ bị cháy nắng. Các nghiên cứu lâm sàng chỉ ra rằng Retinoids không làm giảm MED – hay còn gọi là minimal erythemal dos – của da người, đó là lượng tia UV bạn có thể hấp thụ trước khi da bị bỏng.

 

Tóm lại, lý do chủ yếu vì sao bạn không nên sử dụng Retinoids vào buổi sáng là do hiệu quả của Retinoids sẽ bị giảm xuống (chủ yếu là Retinoids thế hệ 1). Bạn chỉ bị cháy nắng khi bạn không sử dụng kem chống nắng thôi!

 

b) Tretinoin nồng độ cao mới có hiệu quả

“Bạn nên xài Tretinoin nồng độ càng cao càng tốt!”. Nhiều bạn lầm tưởng rồi phải tăng nồng độ của Tretinoin lên 0.1 thì mới phát huy hiệu quả nhất công dụng của Tretinoin. Tuy vậy, như mình đã viết ở phần 2, tùy theo mục đích sử dụng mà bạn chọn nồng độ phù hợp.

 

– Nếu bạn sử dụng với mục đích chống lão hóa, thì theo nghiên cứu của Griffiths và cộng sự (1995) cho thấy rằng cả nồng độ 0.025 và 0.1 đều cải thiện đáng kể các dấu hiệu lão hóa về mặt lâm sàng, tuy nhiên không có khác biệt đáng kể giữa hai nồng độ. Tuy nhiên, tỷ lệ tác dụng phụ cao hơn đáng kể ở nhóm tretinoin 0.1%

– Ngược lại, đối với việc trị mụn, nồng độ tretinoin có ảnh hưởng khá lớn vì hiệu quả trị mụn của Retinoids dạng bôi tăng lên khi nồng độ tăng lên.

 

Do đó, tùy vào mục đích mà bạn chọn nồng độ sử dụng phù hợp. Tuy vậy, ví dụ với Tretinoin, bạn nên luôn bắt đầu bằng 0.025 sau đó khi làn da đã quen thì mới tăng dần lên 0.05, không nên nhảy vọt lên 0.05 và 0.1.

 

c) Chỉ được sử dụng Tretinoin khi da đã khô (E)

Dana Sachs, phó giáo sư da liễu tại Đại học Y Michigan, khi trả lời phỏng vấn của tạp chí Allure có nói rằng: Không có bằng chứng trong các tài liệu khoa học cô từng thấy cho thấy sự ẩm ướt làm tăng độ nhạy cảm của làn da, và việc áp dụng Retinoids cho làn da ẩm ướt cũng không phát huy tối đa hiệu quả của nó (hay còn gọi là Tret-on-wet, một cách sử dụng Tretinoin trên làn da ẩm ướt, phổ biến trong các group sử dụng Tretinoin ở phương Tây).

 

Một cách sử dụng Retinoids khác khá phổ biến là Buffering, nghĩa là sử dụng kem dưỡng hoặc serum (nói chung là sử dụng sản phẩm skincare khác trước Retinoids) trước để giúp cho việc thoa Retinoids (cụ thể là Tretinoin) dễ dàng hơn và giảm kích ứng. Theo nghiên cứu của Tanghetti và cộng sự (2008) , thì việc sử dụng Retinoids (Tazarotene) sau kem dưỡng không làm giảm hiệu quả của Retinoids mà lại còn giúp giảm kích ứng của Retinoids (trong nghiên cứu này, người tham gia được yêu cầu sử dụng Tazarotene 20 phút sau khi sử dụng kem dưỡng ẩm). Do đó, cả các bạn vừa bắt đầu sử dụng Tretinoin và người sử dụng Tretinoin lâu năm có thể xem xét phương pháp Buffering để làm giảm khả năng kích ứng khi sử dụng Tretinoin.

“Liệu pháp tiếp xúc ngắn” cũng có thể được xem xét. Liệu pháp này hướng dẫn bạn sử dụng Retinoids (cụ thể trong nghiên cứu là Tretinoin) tương tự như mặt nạ, chỉ lưu lại sản phẩm trong một khoảng thời gian ngắn trước khi rửa sạch. Theo nghiên cứu của Veraldi và cộng sự (2013) về liệu pháp này với mục đích chữa trị mụn, việc sử dụng 0.05% tretinoin hàng ngày trong 30 phút cho thấy kết quả tương đương với việc sử dụng Tretinoin và lưu lại trên da cả đêm, và ít kích ứng xảy ra hơn (chỉ có 20%) khi so sánh với tỷ lệ kích ứng thông thường là 80%.

 

d) Không nên dùng Retinoids cho vùng da quanh mắt

“Một số người cho rằng không nên sử dụng Retinoids cho vùng da quanh mắt do vùng da này mỏng và dễ bị kích ứng”. Đối với Tretinoin thì điều này có thể là đúng theo nghiên cứu của Mukherjee và cộng sự.

 

Tuy vậy, Retinol đã được sử dụng và chứng minh là có công hiệu giảm nhăn cho vùng da quanh mắt. Theo nghiên cứu của Kong và cộng sự (2015), khi sử dụng retinol 0.1% cho vùng da quanh mắt thì sau 4 tuầnđộ cải thiện của nếp nhăn là 27.93% (ảnh) và sau 12 tuần thì con số này là 38.74%. Mặc dù kết quả không quá ấn tượng ,nhưng do Retinoids nói chung sẽ hoạt động ngày càng hiệu quả hơn theo thời gian nên chỉ cần duy trì thì nếp nhăn quanh mắt của bạn có thể được cải thiện đây. Bạn có thể xem ảnh

 

Sử dụng Retinol 0.1% cho vùng da quanh mắt, sau 4 tuần và 12 tuần thì độ cải thiện của nếp nhăn là 27.93% và 38.74%

Hình 1, Tác dụng của Retinol 1% trên nếp nhăn ở mắt trong 4 tuần đầu. Nguồn: Kong và cộng sự, 2015. A comparative study of the effects of retinol and retinoic acid on histological, molecular, and clinical properties of human skin

 

Do vùng da quanh mắt khá nhạy cảm nên mình recommend các bạn sử dụng retinol dưới dạng cream để apply chính xác vào khu vực các bạn muốn điều trị, vì khi sử dụng dưới dạng serum thì sản phẩm có thể lan vào mắt. Về nồng độ, nếu da nhạy cảm, các bạn có thể bắt đầu từ nồng độ thấp sau đó mới tăng lên 1% retinol để đạt được hiệu quả tốt nhất. Bạn có thể xem qua sản phẩm gợi ý sau đây:

 

Paula’s choice Clinical 1% Retinol Treatment

Paula’s choice Clinical 0.3% Retinol + 2% Bakuchiol Treatment

(Mình gợi ý 2 loại sản phẩm cho toàn mặt vì bạn biết đấy, thực tế kem mắt cũng không khác lắm với kem bôi toàn mặt, và sử dụng kem bôi toàn mặt tiết kiệm hơn rất nhiều. Ví dụ, sản phẩm Paula’s choice Clinical 1% Retinol Treatment có trial size giá khá mềm và dung tích cũng khá nhiều để sử dụng cho vùng da quanh mắt).

 

e) Retinoids làm mỏng da của bạn

Đây cũng là một lời đồn phổ biến về Retinoids. Như đã đề cặp ở trên, lớp stratum corneum (lớp ngoài cùng của biểu bì) có thể mỏng lại trong giai đoạn Retinization, nhưng đây chính là lớp da mà nên được tẩy đi bởi các sản phẩm tẩy tế bào chết để phục hồi độ bóng của làn da. Khi stratum corneum được tẩy đi, lớp da mịn màng ở bên dưới xuất hiện và tạo ra vẻ trẻ trung cho làn da mà chúng ta đều khao khát. Theo nghiên cứu của Griffiths và cộng sự (1993) thì bên cạnh đó, Retinoids sẽ làm dày lớp biểu bì nói chung và cả hạ bì bằng cách sản sinh ra collagen.

 

 

 

f) Không thấy có bất kỳ phản ứng nào trên da có nghĩa là Retinoids không hoạt động

Câu hỏi này cùng với thắc mắc “Nếu không có phản ứng nào trên da thì Tretinoin có đang hoạt động hay không” cũng là câu hỏi chung của nhiều người. Thực tế, nếu không có bất kỳ phản ứng kích ứng nào vào thời kỳ đầu sử dụng Retinoids (Retinization) không thể chứng minh là Retinoids không hoạt động trên da.

 

Kích thích do tretinoin gây ra là một phản ứng loại chậm, thường không xảy ra cho đến 3 đến 4 ngày sau khi bắt đầu điều trị.

 

Griffiths và cộng sự (1995) đã nghiên cứu 99 bệnh nhân tham gia thử nghiệm ngẫu nhiên có kiểm soát trong 48 tuần để xác định mối tương quan giữa kích ứng và hiệu quả và tìm thấy rằng không có mối liên hệ giữa mức độ hiệu quả và mức độ kích ứng khi sử dụng Tretinoin.

Cung trong nghiên cứu đó, 1/3 bệnh nhân sử dụng tretinoin 0.025% không có dấu hiệu kích ứng tại bất kỳ thời điểm nào trong nghiên cứu, tuy nhiên có một vài bệnh nhân có kích ứng tương đương với bệnh nhân sử dụng nồng độ 0.1%.

Nếu đúng là sự kích ứng có ảnh hưởng đến sự cải thiện các nếp nhăn, thì chúng ta đã quan sát thấy sự vượt trội đáng kể ở nhóm sử dụng nồng độ 0,1% hơn nhóm 0.025% vì độ kích thích cao hơn đáng kể, tuy nhiên điều đó không xảy ra.

 

Điểm mấu chốt: Đừng lo lắng nếu bạn không gặp kích ứng từ tretinoin khi bắt đầu điều trị – điều đó không có nghĩa là nó không hoạt động. Một số lý do cho việc này có thể là

– Bạn có sử dụng kem dưỡng ẩm và các sản phẩm dưỡng da trước đó, từ đó làm giảm kích ứng của Retinoids (Buffering)

– Da bạn đang trong tình trạng tốt, hàng rào bảo vệ da tốt, do đó khi sử dụng Retinoids thì kích ứng sẽ không hoặc biểu hiện ít và bạn không thấy bằng mắt thường được.

 

h) Bạn nên thoa Retinoids càng nhiều càng tốt

Thực tế thì việc sử dụng nhiều Retinoids trong mỗi lần thoa sẽ không mang lại hiệu quả nhanh hơn mà còn có khả năng gây kích ứng da nặng hơn. Trong các nghiên cứu mình tham khảo, đa phần người tham gia nghiên cứu đều được hướng dẫn bôi Tretinoin với liều lượng khoảng một hạt đậu cho cả khuôn mặt. Còn đối với trải nghiệm cá nhân của mình thì mình đã có lần bị kích ứng Tretinoin mạnh do sử dụng quá liều Tretinoin :(( sau đó mình rút kinh nghiệm thoa vừa đủ kem thì kích ứng bớt đi và da mình đáp ứng tốt hơn. Do đó, đừng vì muốn Tretinoin hoạt động nhanh mà sử dụng liều lượng quá nhiều trong mỗi lần thoa nhé bạn.

 

III) Reference (E)

——–

Part 3:

21) Kryczyk-Poprawa, Kwiecien và Opoka, 2019. Photostability of Topical Agents Applied to the Skin: A Review

22) Griffiths và cộng sự, 1993. Restoration of Collagen Formation in Photodamaged Human Skin by Tretinoin (Retinoic Acid). The New England Journal of Medicine

23) Griffiths CEM, Kang S, Ellis CN và cộng sự. Two concentrations of topical tretinoin (retinoic acid) cause similar improvement of photoaging but different degrees of irritation. Arch Dermatol. 1995;131:1037–44.

24. Kong và cộng sự, 2015. A comparative study of the effects of retinol and retinoic acid on histological, molecular, and clinical properties of human skin

25) Tanghetti và cộng sự, 2008. Moisturizer use enhances facial tolerability of Tazarotene 0.1% cream without compromising efficacy in patients with acne vulgaris

26) https://www.allure.com/gallery/biggest-retinol-cream-myths#:~:text=%22This%20is%20one%20of%20the,skin%20more%20prone%20to%20sunburn.

27) https://www.skincarephysicians.net/blog/skin-care/get-the-skinny-on-retinoids-a-win-win-anti-aging-option/#:~:text=When%20used%20over%20time%2C%20retinoids,out%20the%20outermost%20stratum%20corneum.&text=On%20the%20other%20hand%2C%20retinoids,thickness%20of%20the%20dermis%20diminishes

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *