Kiến Thức Tổng Quát

pH Da – Phần 1

Tác Giả: Nguyễn Thái Nghị

Da là cơ quan lớn nhất bao phủ toàn bộ bên ngoài cơ thể và chức năng chính là tạo thành một hàng rào bảo vệ giữa cơ thể con người và môi trường bên ngoài.

Bề ngoài cứng và khô là biểu thị đặc tính vật lý của da. Lớp trên cùng của da là một cấu trúc nhiều lớp được gọi là lớp sừng. Các lớp này sản sinh tế bào, phát triển và trải qua quá trình bong tróc dần dần. Hình thái và độ dày của lớp sừng là khác nhau ở các vị trí khác nhau trên cơ thể [1]. Da duy trì các đặc điểm lý hóa đặc trưng như cấu trúc, hydrat hóa, nhiệt độ, và độ pH bề mặt. Những thay đổi trong bất kỳ yếu tố nào trong số này đều ảnh hưởng đến sinh lý tổng thể của da. Tính chất acid của da được Heuss phát hiện vào năm 1892 [2] và sau đó được Schade và Marchonini xác nhận và nhấn mạnh tính acid là đặc điểm bảo vệ da hay còn gọi là lớp phủ acid (acid mantle) vào năm 1928 [3]. Các tài liệu hiện tại cũng chỉ ra rằng độ pH bề mặt da phần lớn có tính acid từ 5.4 đến 5.9 [4].

Ảnh độ pH chuẩn của da (Nguồn: Kaia Naturals)

Điều gì làm cho bề mặt da “có tính acid” vẫn chưa được hiểu đầy đủ, nhiều yếu tố nội ngoại sinh đã được đề xuất như: Năng lượng hoạt động và thụ động, các quá trình năng lượng sinh học, cũng được cho là nguồn tạo ra độ pH có tính acid của da. Ví dụ, lactic acid được tạo ra bởi quá trình thụ động làm acid hóa các lớp bề mặt của da. Các thành phần quan trọng khác của quá trình trao đổi chất thụ động bao gồm acid béo tự do, cholesterol sulfate,…, cũng góp phần vào độ pH có tính acid của da. Hoặc các acid béo tự do được tạo ra bởi lipase có nguồn gốc từ vi khuẩn cũng là một phần liên quan đến nguồn gốc của lớp phủ acid [5] [6].

Tuy nhiên, sự rối loạn của các yếu tố nội ngoại sinh cũng ảnh hưởng rất lớn đến độ pH. Khi ở trạng thái cân bằng, sự bài tiết kết hợp của dầu và mồ hôi từ các lỗ chân lông làm cho da có độ pH khoảng 5.5. Khi da bị băng kín lại, điều này làm tăng đáng kể độ pH, độ ẩm và mật độ vi khuẩn trên bề mặt da, cho thấy vai trò của các yếu tố nội sinh trong những thay đổi này. Các yếu tố ngoại sinh như chất làm sạch da, mỹ phẩm, phương pháp điều trị tắc nghẽn và thuốc kháng sinh/thuốc sát trùng tại chỗ đã được chứng minh là làm thay đổi độ pH bề mặt da [7] [8].

Một điều thú vị của pH rằng chúng sẽ không cố định ở một số vị trí trên cơ thể, ví dụ: ống chân, cẳng tay và nách, cụ thể là cao hơn (pH 5.3) vào buổi chiều, thấp hơn (pH 4.9) vào ban đêm, và cũng có sự chênh lệch ở các mùa trong năm [9]. Hơn thế nữa, sự khác nhau nhỏ giữa người với người về độ pH trên da cũng xảy ra vì không phải da của ai cũng tiếp xúc với các điều kiện giống nhau như thời tiết và chất tẩy rửa. Gần đây, trong một nghiên cứu chỉ ra rằng, độ pH bề mặt da của cẳng tay được đánh giá trước và sau khi ngừng tắm và thoa sản phẩm mỹ phẩm trong 24 giờ [10] cho thấy độ pH trung bình giảm từ 5.12 xuống 4.93. Các tác giả kết luận rằng độ pH “tự nhiên” của da trung bình là 4.7, thấp hơn phạm vi pH được báo cáo chung là từ 5.4 đến 5.9.

Độ pH trên bề mặt da đóng một vai trò quan trọng trong sinh lý da và ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến nhiều yếu tố khác như thành phần của lipid, hydrat hóa, chức năng hàng rào bảo vệ da và hệ vi sinh vật trên da. Độ pH có tính acid của da cung cấp điều kiện tối ưu cho các enzym hoạt động trên các lipid ngoại bào và một enzym este hóa vitamin A [11]. Ngược lại, độ pH có tính acid của da cũng được chứng minh là tăng cường sức đề kháng chống lại chứng viêm da kích ứng do sodium lauryl sulfate (SLS) gây ra và có thể đẩy nhanh quá trình sửa chữa chức năng hàng rào khi bị tổn thương [12].

Da là môi trường sống cho hệ vi sinh vật thường trú, đồng thời bảo vệ da khỏi các sinh vật gây bệnh. Ngay khi vừa chào đời, vi khuẩn đã bắt đầu xâm nhập vào da và các vị trí khác trên cơ thể. Mặc dù có nhiều thay đổi khi cơ thể chúng ta phát triển, song da vẫn có khả năng duy trì một hệ sinh thái vi sinh vật ổn định. Nhiệt độ da có xu hướng mát hơn nhiệt độ cơ thể bình thường, hơi có tính acid và chủ yếu là khô, trong khi hầu hết vi khuẩn lại thích độ pH trung tính, nhiệt độ 37 độ C và độ ẩm để phát triển tối ưu. Do đó, hệ sinh thái vi sinh của da quyết định rất nhiều đến phổ vi sinh vật và mật độ vi sinh vật. Một số vi khuẩn thường trú đóng vai trò tích cực trong việc duy trì độ pH có tính acid của da và ngăn chặn sự xâm chiếm của vi khuẩn gây bệnh [13].

Ở phần tiếp theo, hệ vi sinh vật ở da và tác động của các yếu tố làm sạch lên độ pH cũng như hệ vi sinh sẽ được bàn luận.

[1] http://lovelyskin.vn/cau-truc-da-phan-1-lop-bi-be-ngoai/
[2] Heuss E. Die reaction des Schweiss beim geunden Menschen. Monatschr Orakt Dermatol 1892; 14:343.
[3] Schade H, Marchionini A. Der Sa ̈uremantel der haut nach Gasketten-messungen. Klin Wochenschr 1928; 7:12–14.
[4]Braun-Falco O, Korting HC. Der nromale pH-Wert der Haut. Hautarzt 1986; 37:126–129.
[5] Krien PM, Kermici M. Evidence for the existence of a self regulated enzymatic process within the human stratum corneum—an unexpected role for urocanic acid. J Invest Dermatol 2000; 115:414–420.
[6] Puhvel SM, Reisner RM, Amirian DA. Quantification of bacteria in isolated pilosebaceous follicles in normal skin. J Invest Dermatol 1975; 65:525–531.
[7] Hartman AA. Effect of occlusion on resident flora skin moisture and skin pH. Arch Dermatol 1983; 275:251–254.
[8] Barel AO, Lambrecht R, Clarys P, et al. A comparative study of the effects on the skin of a classical bar soap and a syndet cleansing bar in normal use conditions and in soap chamber test. Skin Res Technol 2001; 7:98–104.
[9] Burry J, Coulson HF, Roberts G. Circadian rhythms in axillary skin surface pH. Int J Cosmet Sci 2001; 23:207–210.
[10] Lambers H, Piessens S, Bloem A, et al. Natural skin surface pH is on average below 5, which is beneficial for its resident flora. Int J Cosmetic Sci 2006; 28:359–370.
[11] Ochman H, Vahlquist A. In vivo studies concerning a pH gradient in human stratum corneum and upper epidermis. Acta Derm Venereol (Stockh) 1993; 74:375–379.
[12] Hachem J-P, Crumrine D, Fluhr J, et al. pH directly regulates epidermal permeability barrier homeostasis, and stratum corneum cohesion/integrity. J Invest Dermatol 2003; 121:345–353.
[13] Fredricks DN. Microbial ecology of human skin in health and disease. J Invest Dermatol Symp Proc 2001; 6:167–169.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *