
Mục đích viết bài
I) L-cysteine là gì?
1) Định nghĩa và phân biệt
a) Phân biệt
b) Định nghĩa
2) Lợi ích của L-cysteine và các phái sinh
a) L-cysteine và L-cystine
b) NAC
c) Nguyên lý hoạt động
3) Vấn đề có thể gặp phải khi sử dụng
4) Liều dùng
5) Tóm tắt
II) Một số L-cysteine mình đã uống qua
III) Reference
—————————
*Lưu ý: trong bài chứa một số thông tin liên quan đến dược phẩm và thực phẩm chức năng. Bài viết có mục đích cung cấp thông tin và kiến thức người đọc, các bạn đọc giả nên tham khảo thêm ý kiến bác sĩ trước khi muốn sử dụng các loại dược phẩm và thực phẩm chức năng này nhé.
Mục đích viết bài:
Sau bài viết Patch test 101 về viêm da tiếp xúc kích ứng và dị ứng và cách patch test tại nhà, một số bạn có hỏi mình về L-cysteine – một loại dược phẩm/ thực phẩm chức năng thường được kê đơn cho các bạn bị mụn và bị viêm da tiếp xúc với nhiều công dụng rất tốt cho da, tóc và móng [W1], ví dụ như hỗ trợ bệnh thoái hóa và lão hóa da; tăng chuyển hóa da; đưa hắc tố ra lớp da phía ngoài, đào thải cùng với lớp sừng, nhanh chóng tái tạo lớp da mới; điều hòa chất nhờn; tăng tạo keratin, làm vững chân tóc và cứng móng…và không có nhiều tác dụng phụ [W1].
Vậy loại dược phẩm này là gì và có thể tự sử dụng để cải thiện tình trạng da tại nhà được hay không? Hãy cùng chúng mình tìm hiểu thông tin nhé!


a) Phân biệt
Trước khi tìm hiểu về L-Cysteine, chắc hẳn bạn sẽ thấy rất nhiều từ trông có vẻ liên quan như L-cystine hay N-Acetyl-Cysteine nhưng không biết chúng có liên quan với nhau không? Hãy cùng mình phân biệt chúng nhé:
– Cysteine và L-Cysteine: L-cysteine thực ra đôi khi được gọi là Cysteine, cả hai là một nhé bạn [W2]
– L-Cysteine và L-Cystine: Cystine được hình thành bằng cách kết hợp 2 phân tử cysteine liên kết với nhau, ổn định hơn Cysteine nhưng không được hấp thụ tốt bằng Cysteine [W3]
– L-Cysteine và N-Acetyl-Cysteine: N-Acetyl-cysteine là thể acetyl hóa của amino acid L-cysteine [2]. N-Acetyl-cysteine (NAC) là dạng cysteine được nghiên cứu nhiều nhất [W3].
b) Định nghĩa
L-cysteine là một amino acid không thiết yếu và là một trong những chất cần thiết cho quá trình tổng hợp protein. Nó chứa lưu huỳnh ở dạng nhóm thiol (-SH) ở cuối chuỗi bên của nó. Nhóm -SH là lý do cho khả năng phản ứng cao của amino acid này và do đó chịu trách nhiệm cho nhiều chức năng sinh học của nó ở người. L-cysteine là amino acid thiết lập cầu nối disulfide, một loại liên kết cộng hóa trị đóng vai trò cơ bản trong việc gấp và ổn định cấu trúc bậc ba của protein, do đó hỗ trợ các hoạt động sinh học của chúng [1].

Số lượng các nghiên cứu về việc sử dụng L-Cysteine đã tăng lên đáng kể trong hai thập kỷ qua. Sự gia tăng này có liên quan chặt chẽ đến sự gia tăng của các ngành công nghiệp về dinh dưỡng [1]
Cysteine được tổng hợp từ methionine (một amino acid thiết yếu). Cysteine có thể được đồng hóa thông qua các con đường khác nhau tùy thuộc vào nhu cầu của tế bào. Chất chuyển hóa chính thu được khi đồng hóa Cysteine là Sulfinate, một phân tử được chuyển hóa để tạo ra sulfinylpyruvate và pyruvate, hoặc hipotaurine và taurine (một chất được xem là có lợi cho phát triển não bộ [3]) (hình 1). Từ đó, các chất này lại tiếp tục nhiệm vụ của nó trong cơ thể người [1]. L-cysteine cũng là một tiền chất để tổng hợp nên Glutathione – một chất chống Oxy hóa mạnh và quan trọng cho hệ phòng thủ của cơ thể [4].
Bộ gen người mã hóa khoảng 214.000 trình tự mã hóa có liên quan đến Cysteine. Do đó, sự hiện diện của amino acid này trong protein là đáng kể [1].
Hình 1: Tóm tắt về chuyển hóa Cysteine [1]


– Một số nghiên cứu đề cặp đến lợi ích của L-cysteine, chủ yếu là lợi ích liên quan đến làm đẹp là:

+ Lợi ích liên quan đến tăng cường khả năng chống Oxy hóa [1, 5, 9, 10]
L-Cysteine hoạt động như một tiền chất để tổng hợp Glutathione, là một chất chống oxy hóa quan trọng cho cơ thể. Glutathione đóng một vai trò cơ bản trong việc bảo vệ cơ thể chống lại gây hại bởi stress Oxy hóa (oxidative stress) [1,9]. Đặc tính này là do nó có khả năng vô hiệu hóa các hạt phản ứng có thể gây tổn thương cho tế bào và mô. Do đó, việc bổ sung L-Cysteine trong chế độ ăn uống phục hồi quá trình tổng hợp glutathione nếu quá trình này bị tổn thương, do đó cải thiện sự cân bằng oxy hóa khử và thúc đẩy giảm stress oxy hóa [9]. Ngoài ra, việc loại bỏ các gốc tự do cũng có thể mang lại một số lợi ích nhất định, chẳng hạn như trong trường hợp giảm thời gian lành vết thương sau một số thủ thuật phẫu thuật (ví dụ: phẫu thuật mắt photorefractive keratectomy (loại phẫu thuật cắt gọt giác mạc bằng tia laser có thể giúp khắc phục thị lực cho một người, giảm sự phụ thuộc vào kính hoặc kính áp tròng, chữa trị mắt nếu bị cận thị, viễn thị hoặc mắc chứng loạn thị) [8]. Bên cạnh đó, vai trò chống oxy hóa của l-Cys cũng liên quan đến việc giảm nguy cơ tai biến mạch máu não đối với phụ nữ [23].
+ Giảm rụng tóc và tăng khả năng chắc khỏe của tóc [1, 6, 7]:
Keratin là một trong những protein phong phú nhất trong da và tóc, và nó chứa một lượng lớn L-Cysteine đóng vai trò là khối xây dựng. L-Cysteine tạo thành cầu nối disulfide, cung cấp sức mạnh và độ cứng cho keratin. Do đó, việc sử dụng L-Cysteine thúc đẩy quá trình sửa chữa các tổn thương cấu trúc của tóc và làm chậm quá trình rụng tóc ở những bệnh nhân bị ảnh hưởng bởi một số rối loạn (ví dụ: diffuse alopecia [6]). Nghiên cứu [6] nghiên cứu 60 bệnh nhân có bệnh diffuse alopecia trong 4 tháng và được điều trị bằng Pantogar (một loại thuốc có chứa L-cysteine) và đạt được kết quả khá khả quan (tuy vậy, Pantogar còn chứa các hoạt chất khác chứ không chỉ riêng L-cystine có thể dự đoán là L-cysteine có thể hỗ trợ giảm rụng tóc nhưng cần nhiên nghiên cứu hơn để xác định)
+ Giảm sự nhạy cảm của da với ánh sáng: theo nghiên cứu về chữa trị erythropoietic porphyria lâu dài trong 3 năm bằng L-cystine cho 47 bệnh nhân [8]
+ Bên cạnh đó, L-cysteine cũng được xem là có thể hỗ trợ tiểu đường loại 2 khi kết hợp với Vitamin D (do tăng mức Glutathione và giảm triglycerides) [12] và một số tác dụng khác nhưng mình sẽ không liệt kê ở đây do ít liên quan đến vấn đề làm đẹp.
Đối với L-cystine, không có quá nhiều nghiên cứu được thực hiện trực tiếp trên hoạt chất này (chủ yếu là các nghiên cứu về L-Cysteine và NAC) nhưng là một phái sinh của L-cysteine như đã đề cập ở trên, L-cystine ổn định hơn nhưng được hấp thụ kém hơn nên về mặt lý thuyết, L-cystine có thể thừa hưởng các lợi ích của L-cysteine nhưng hiệu quả có thể hạn chế hơn.


Hợp chất này như trình bày ở trên là acetyl hóa của amino acid L-cysteine và cũng là phái sinh được nghiên cứu nhiều nhất. Nó là tiền chất của L-Cysteine nên cũng giúp thúc đẩy quá trình tổng hợp Glutathione trong cơ thể (chuyển hóa sang L-cysteine và sau đó tổng hợp Glutathione). Do đó, theo lý thuyết, nó cũng mang lại một số lợi ích của L-cysteine và Glutathione như đã trình bày ở trên
Tuy vậy, NAC cũng có nhiều tác dụng riêng của nó cũng như có tiềm năng chữa trị các rối loạn khác. Bản thân NAC là một chất tiêu mỡ và bảo vệ thận, đồng thời cũng là thuốc giải độc cho quá liều acetaminophen (paracetamol). Ngoài ra, NAC hiện đang cho thấy tiềm năng sử dụng trong các rối lĩnh vực khác như thần kinh học, mạch học, ung thư, rối loạn mạch máu và tâm thần học. Các ứng dụng lâm sàng đa dạng tiềm năng của NAC được cho là do tác dụng của nó đối với oxit nitric và vai trò của nó như một chất chống oxy hóa. Ngoài ra, gần đây, NAC đã được sử dụng trong các bệnh da liễu khác nhau [13].
Thực tế, vai trò của NAC đã được nghiên cứu khá nhiều trong lĩnh vực da liễu [13] nên mình chỉ tóm tắt lại thôi, nếu không bài sẽ dài quá 😀
+ Làm lành vết thương: NAC cho thấy khả năng hỗ trợ làm lành vết thương ở trong 2 nghiên cứu động vật (chuột) (vết thương bị rạch ở lưng và vết thương do bỏng) [14, 15]. Bên cạnh đó, NAC cũng được nghiên cứu để hỗ trợ điều trị hoại tử mô trong nghiên cứu động vật và cũng cho thấy sự cải thiện [16].
+ Bullous morphea: NAC đã chứng minh hiệu quả như một chất làm lành vết thương ở bệnh nhân mắc bệnh bullous morphea, một dạng xơ cứng bì khu trú (tuy nhiên đây chỉ là một case report, một bệnh nhân nên để suy rộng ra thì cần nhiều nghiên cứu hơn). Tuy vậy, điều đáng chú ý là trong khi bệnh nhân đã được điều trị bằng nhiều phương pháp khác không hiệu quả thì NAC lại cải thiện bệnh khá tốt [17].
+ Và có thể có hiệu quả trong một số bệnh da liễu khác như: Xơ cứng bì hệ thống và Hội chứng Raynaud [18]; Hoại tử thượng bì nhiễm độc – một loại phản ứng da nghiêm trọng và cấp tính (hãy chú ý trước khi click vào xem hình bạn nhé 🙁 ). NAC đã được báo cáo là có thể là phương pháp điều trị hiệu quả trong một vài case report [19, 20]; bệnh Porphyria và rối loạn di truyền khô da sắc tố,… và nhiều bệnh lý về da liễu khác.
+ NAC thoa ngoài da cũng được chứng minh là có khả năng hỗ trợ cải thiện lão hóa da gây ra bởi tia UV bằng cách tăng tripeptide glutathione (GSH), một chất chống oxy hóa nội sinh quan trọng (NAC không có tác dụng thay thế kem chống nắng, chỉ giúp tăng khả năng chữa lành của tế bào sau khi tiếp xúc tia UV) [21].
Bên cạnh đó, NAC đường uống cũng được nghiên cứu có khả năng bảo vệ da trước ánh sáng. Trong thí nghiệm [22], tác giả thắc mắc rằng liệu NAC có thể bảo vệ tế bào hắc tố khỏi stress / tổn thương oxy hóa do tia UV trong ống nghiệm và khỏi ung thư hắc tố do tia UV trong cơ thể sống hay không. Kết quả là NAC đã được chứng minh là làm chậm đáng kể sự khởi phát trung bình của các khối u tế bào hắc tố do tia UV gây ra. Goodson và cộng sự [23] đã tuyển chọn những bệnh nhân từ một phòng khám sàng lọc có nguy cơ mắc ung thư hắc tố cao hơn để thực hiện thí nghiệm. Các tác giả kết luận rằng NAC có thể được sử dụng an toàn cho bệnh nhân để điều chỉnh stress oxy hóa do tia UV gây ra ở nevi (bớt). Nghiên cứu còn cho thấy rằng bệnh nhân có thể dùng NAC dự phòng trước khi tiếp xúc với tia UV mạnh để ngăn ngừa stress oxy hóa sinh ra ung thư ở nevi, từ đó có thể làm giảm nguy cơ ung thư hắc tố dài hạn.
=> Một điểm đáng quan tâm là NAC cũng có các tác dụng liên quan đến các bệnh tâm lý, ví dụ như NAC được sử dụng để hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh bipolar (rối loạn lưỡng cực) trong một nghiên cứu mù đôi có kiểm soát [24]. 75 bệnh nhân được uống 1g NAC hàng ngày (kèm với các thuốc thông thường trị bệnh) liên tục trong 24 tuần với 4 tuần nghỉ. Kết quả đạt được khá hiệu quả và tác giả kết luận NAC có thể là một phương thức hỗ trợ an toàn và hiệu quả cho các triệu chứng trầm cảm trong rối loạn lưỡng cực. NAC cũng được chứng mình là hiệu quả trong việc cải thiện các bệnh tâm lý như chứng hay cắn móng tay [25] hay cải thiện tình trạng thiếu hụt nhận thức do trầm cảm [26]. Đây cũng là một trong những lý do mà NAC ngày càng được quan tâm, đặc biệt là trên cộng đồng Reddit [W5, W6] và nhiều thành viên cho rằng họ đạt được rất nhiều lợi ích về sức khỏe tâm lý khi sử dụng NAC, gián tiếp giúp họ có cuộc sống tốt hơn. Tuy vậy, đây chỉ là các nhận xét cá nhân của người tiêu dùng, nhiều tác nhân có thể ảnh hưởng (tình trạng tâm lý sẵn có, kỳ vọng vào thuốc, hội chứng giả dược (placebo effect), môi trường sống…) nên những đánh giá này chỉ có giá trị tham khảo là chủ yếu.
=> Bên cạnh đó, NAC cũng tạo ra những tác động thuận lợi đến sức khỏe khác như sức khỏe mạch máu, sức mạnh cơ bắp, mật độ xương, điều hòa khả năng miễn dịch, giảm nguy cơ đột quỵ [1, 2, 27].
=> NAC dạng thoa cũng có công hiệu trong da liễu như trị mụn [28], nhưng mình sẽ không đề cập sâu do đã có nhiều hoạt chất bôi ngoài da có khả năng trị mụn tốt đã được review rồi
NAC có nhiều tác dụng như hỗ trợ chống Oxy hóa, thúc đẩy làm lành vết thương, trị một số bệnh lý da liễu nghiêm trọng, tăng khả năng chống nắng nội sinh của da, hỗ trợ một số bệnh tâm lý và một số lợi ích liên quan đến sức khỏe khác (T)

L-cysteine và các phái sinh, đặc biệt là NAC, có nguyên lý hoạt động khá tương tự nhau theo các tài liệu mình tham khảo [1, 13]. Do NAC được nghiên cứu rộng rãi hơn nên mình sẽ xét đến nguyên lý hoạt động chủ yếu của NAC nhé
– Đối với các lợi ích cho da: L-cysteine và các phái sinh có nhiều nguyên lý hoạt động phức tạp, nhưng theo ý kiến cá nhân và các tài liệu tham khảo, thì nguyên lý hoạt động chủ yếu có liên quan đến quá trình tổng hợp Glutathione [1, 13], một chất chống Oxy hóa quan trọng [1, 9, 21]. Glutathione có nhiều lợi ích cho da như: chống oxy hóa, hỗ trợ sức đề kháng cho cơ thể từ đó gián tiếp cải thiện một số bệnh về da như viêm da tiếp xúc dị ứng [11,30]. Có một tỷ lệ chu chuyển GSH rất cao trong cơ thể con người và quá trình sinh tổng hợp GSH đòi hỏi một tỷ lệ cung cấp cysteine cao [4].
=> Để tìm hiểu thêm về Glutathione (về khả năng làm trắng), hãy xem qua video đã được thực hiện bởi Boo nhé các bạn
https://www.facebook.com/groups/2045451282406040/permalink/2733834480234380/
Bên cạnh đó, Cysteine cũng hoạt động độc lập như một chất thu gom hiệu quả các gốc tự do, giảm thiểu các loại gốc tự do oxy hóa (ví dụ: OH, H2O2 và O2−) gây hư tổn deoxyribonucleic acid (DNA), protein và lipid trong tế bào [31]. NAC cũng ảnh hưởng đến yếu tố hạt nhân kappa B (NF-kB), yếu tố này điều chỉnh phản ứng căng thẳng di truyền (genetic stress response) trong các tác nhân gây oxy hóa và viêm, cả trong môi trường phòng thí nghiệm và môi trường thực tế [32]. Bằng cách làm giảm các gốc tự do và bổ sung mức cysteine nội bào, NAC được cho là làm tăng nồng độ GSH, ức chế các yếu tố gây viêm và hỗ trợ tăng sinh biểu bì. Bằng cách này, NAC và có thể hữu ích như một phương thức điều trị các bệnh da liễu [13]
*Có thể một số bạn sẽ thắc mắc là NAC sẽ chuyển hóa thành bao nhiêu Glutathione, thì mình xin trích dẫn trong tài liệu [4] nhé: 600 mg NAC sẽ tương đương với 445 mg cysteine hoặc 1128 mg Glutathione (1: 0,742: 1,88). Cho nên đây có thể là một cách bổ sung Glutathione khác ngoài trực tiếp sử dụng Glutathione (và cũng tương đối rẻ hơn nhiều). Tuy vậy, NAC sẽ phải chuyển hóa sang Cysteine trước sau đó mới sang GSH.
– Đối với các lợi ích liên quan đến sức khỏe tâm lý:
Trong các rối loạn tâm lý, đặc biệt là rối loạn ám ảnh cưỡng chế vi ví dụ như cắn móng tay hay hay cào cấu da gây tổn thương, nguyên lý hoạt động của nó chủ yếu liên quan đến khả năng điều chỉnh mức độ glutamate trong một vùng trong não gọi là nucleus accumbens, ảnh hưởng đến việc kiểm soát các hành vi bốc đồng, khó kiểm soát này. Cụ thể, NAC được thủy phân để giải phóng cysteine, chất có khả năng vượt qua hàng rào máu não. Cysteine sau đó được chuyển đổi thành cystine, và mức độ cao của cystine kích thích sự trao đổi glutamate thành cystine thông qua cystine-glutamate antiporter. Điều này dẫn đến sự gia tăng nonsynaptic glutamate (glutamate không liên quan đến synap), sau đó hoạt động trên các thụ thể glutamate (mGluR2 / 3) của Nơ-ron gửi (presynaptic neurons). Sự liên kết của thụ thể này dẫn đến sự ức chế giải phóng glutamate trong nucleus accumbens. Mức độ glutamate giảm dần đến cải thiện khả năng kiểm soát hành vi bốc đồng, khó kiểm soát này [13, 29]

– Mặc dù có nhiều nghiên cứu chỉ ra tác động của L-cysteine và các phái sinh nhưng cũng có một số nghiên cứu chỉ ra nó không có hiệu quả hoặc có hiệu quả tiêu cực, theo bài review [1]. Bên cạnh đó, ảnh hưởng tiêu cực của L-cysteine đối với sức khỏe người cũng được báo cáo (phái sinh khác của L-cystieine: cysteine-S-conjugates). L-cysteine có thể hoạt động như một chất đối kháng cạnh tranh của các thụ thể GABAA ρ1. Ngoài ra, một số nghiên cứu trong môi trường tự nhiên đã chỉ ra rằng nhiều phái sinh S-conjugates gây độc cho thận; một vài trường hợp khác, các dẫn xuất hoặc hợp chất L-Cys bị oxy hóa như cysteine alpha-carbamate gây ra thoái hóa tế bào thần kinh.
– Theo bài review về NAC [13] thì khi được tiêm trực tiếp vào tĩnh mạch, các tác dụng phụ thường gặp là (>10%) bao gồm bệnh tự miễn (autoimmune disease) (14 – 18%) và à phản ứng phản vệ không phải bệnh lý (1–18%). Các tác dụng phụ khác ít gặp hơn (<10%) bao gồm đỏ bừng , nhịp tim nhanh, phù, phát ban, buồn nôn và nôn. Các tác dụng phụ hiếm gặp (≤1%) bao gồm viêm họng, đau bụng kinh, viêm phế quản và thắt cổ họng.
Theo bài [10], không có tác dụng phụ đáng kể nào được báo cáo liên quan đến việc uống NAC. Các tác dụng phụ thường được báo cáo là các triệu chứng tiêu hóa nhẹ, bao gồm buồn nôn, nôn, tiêu chảy và đầy hơi. Các tác dụng phụ khác có liên quan đến vị giác, buồn ngủ, choáng váng và thở khò khè. Các tác dụng phụ liên quan đến đường ruột (buồn nôn hoặc đau dạ dày) này được tìm thấy trong thử nghiệm về NAC có thể là do uống tá dược chứa lactose [10].
* Giữa L-cysteine và NAC thì L-cysteine có nhiều nghiên cứu báo cáo có độc tính và nguy cơ gây đột biến hơn NAC [10]. Trong bài review này có dẫn chứng 1 thí nghiệm về độ an toàn của NAC: những người nhiễm HIV được bổ sung 8000 mg NAC mỗi ngày trong 8 tháng, và nồng độ GSH trong máu tăng lên đáng kể mà không có tác dụng phụ lớn nào.
– Bên cạnh đó, theo bài cảnh báo [W7] thì tác giả dẫn chứng nghiên cứu [33] rằng một số chất chống Oxy hóa như Vit E hay NAC có thể đẩy nhanh sự phát triển của khối u, và [34] chỉ ra rằng NAC không chỉ đẩy nhanh tốc độ phát triển của khối u có sẵn mà còn có thể là nguyên nhân tạo ra khối u mới. Tuy vậy, nên chú ý là 2 nghiên cứu này nghiên cứu sơ khai ở và chưa được kiểm chứng ở các nghiên cứu chuyên sâu hơn. Và cũng có một số nghiên cứu lại có kết quả ngược lại là NAC giảm hoạt động của khối u [35].

– Trong tự nhiên, bạn có thể bổ sung thực phẩm chứa L-Cysteine trong nhiều thực phẩm như thịt, sữa, trứng, các loại hạt và các loại đậu [W2]
– Đối với đường uống: nhìn chung, liều dùng tối ưu của L-cysteine, L-cystine, NAC chưa được xác định rõ ràng trong các tài liệu [1, 13].

Tuy vậy, liều dùng thông thường của NAC trong các nghiên cứu là 1200 – 2400mg mỗi ngày [13], từ đó có thể suy ra liều theo công thức ở [4] của L-cysteine là ~890 – 1780 mg.

Sau khi lược khảo tài liệu, một số điều mình nhận thấy:
+ Hai phái sinh được nghiên cứu nhiều là L-Cysteine và N-Acetyl-Cysteine.
+ Nhìn chung L-cysteine và các phái sinh được xem là loại dược phẩm có lợi ích cho người và ít tác dụng phụ [13]. Cụ thể, L-cysteine là amino acid không thiết yêu quan trọng trong cơ thể do là tiền chất của Glutathione. Trong các tiền chất của Glutathione thì L-cystine thường tồn tại ít nhất trong cơ thể nên ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình tổng hợp Glutathione [4].
+ Việc sử dụng trực tiếp L-Cysteine bị hạn chế bởi quá trình oxy hóa tự phát thành disulfide cystine tương ứng của nó cũng như một số tác dụng phụ nên trọng tâm đã chuyển từ cysteine sang các tiền chất của nó để nâng cao nồng độ GSH, ví dụ như NAC [10]
Tuy vậy, vẫn có một số nghiên cứu và thông tin trái chiều về loại thuốc này (chủ yếu là việc sử dụng nó trong một số phương pháp điều trị cụ thể) và các nhà khoa học vẫn còn tranh cãi về loại thuốc này và hiệu quả của nó do một số nguyên nhân sau [1]:
- Các thông tin nghiên cứu còn hạn chế, đa phần nghiên cứu được thực hiện trong ống nghiệm chứ không phải thử nghiệm lâm sàng. Trong nhiều trường hợp, đây là những nghiên cứu rất sơ bộ, trong đó mẫu được nghiên cứu không phản ánh dân số chuẩn (xét các khía cạnh như tuổi, giới tính, v.v.). Bên cạnh đó, các nghiên cứu tịnh tiến (tạm dịch từ thuật ngữ “Translational research”), tức là chuyển giao những thành tựu trong nghiên cứu khoa học cơ bản đến người tiêu dùng [W4]) vẫn còn hiếm
- L-Cysteine thường được sử dụng như một phần của công thức chứa các hợp chất khác, chẳng hạn như glycine, vitamin D, bFCF hoặc theanine. Vì vậy, những ảnh hưởng được báo cáo trong một số nghiên cứu không thể suy ra là do trực tiếp phân tử L-Cysteine.
- Cơ chế hoạt động khá phức tạp. Một số chi tiết quan trọng liên quan đến liều dùng L-Cysteine, NAC và quá trình chuyển hóa vẫn chưa được biết. Liều L-Cysteine tối ưu và khoảng nồng độ an toàn theo một số bệnh lý vẫn chưa được biết đến. Ngoài ra, việc tối ưu hóa quá trình đồng hóa L-Cysteine và các dẫn xuất của nó, khi được sử dụng thông qua các sản phẩm thực phẩm chức năng bổ sung dinh dưỡng vẫn chưa được mô tả rõ ràng
- Sự khác biệt giữa nghiên cứu trên động vật và nghiên cứu trên cơ thể người. Một số nghiên cứu về lợi ích cũng như bất lợi của L-cysteine và phái sinh đều chỉ ở nghiên cứu động vật. Tuy vậy, cũng có một vài nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng đạt kết quả tốt của L-cysteine, trong khi phần lớn các nghiên cứu về tác hại của L-cysteine là nghiên cứu trên động vật
**Ý kiến chủ quan của người viết:
Mình vẫn sẽ sử dụng NAC nhưng sẽ sử dụng ở nồng độ vừa phải để hỗ trợ và cải thiện sức khỏe, da, tóc ở một liều lượng phù hợp, không quá cao và sẽ có các đợt nghỉ thường xuyên.

Mình sẽ liệt kê một số loại L-cystine mình đã dùng qua khi được kê thuốc uống viêm da tiếp xúc dị ứng nhé. Nhưng trước đó, một điều mình nghĩ các bạn có thể quan tâm là: một số thuốc thành phần hoạt chất tương tự nhau nhưng tại sao giá tiền lại chênh lệch?
Một lý do có thể xảy ra là do sự khác biệt của các tá dược đi kèm với thuốc. Tá dược đóng vai trò khá quan trọng trong một viên thuốc [W9], giúp tạo nên một viên thuốc đúng liều lượng (ví dụ liều lượng của hoạt chất nhỏ quá thì phải bổ sung tá dược để tạo nên một viên thuốc kích cỡ bình thường). Tá dược cũng có thể ảnh hưởng tới khả năng giải phóng và hấp thu của dược chất trong cơ thể tức là ảnh hưởng đến đáp ứng lâm sàng của thuốc (các quá trình dược động học của thuốc trong cơ thể) [W8].
Do không rõ trong tá dược vừa đủ của các loại thuốc có gì khác nhau do không được liệt kê chi tiết nên thường mình sẽ nghe theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc dược sĩ tại quầy, hoặc nếu có 2 loại thì mình ưu tiên chọn loại mắc hơn (vì uống vào cơ thể nên mình quan niệm đắt xíu nhưng an tâm).

Bây giờ, mình sẽ điểm lại một số loại L-cystine mình đã dùng qua:
– Amepox (L-cystine 500mg): đây là loại đầu tiên mình dùng, bác sĩ kê cho mình khi mình đi khám viêm da tiếp xúc dị ứng. Mình là người rất hạn chế uống thuốc nên mình đã dành cả buổi để ngồi tra từng loại thuốc bác sĩ kê cho mình có công dụng gì (vì lúc đó mình có đọc chia sẻ của nhiều bạn là bác sĩ khám qua loa rồi cho isotretinoin về uống, nhưng mụn của mình là viêm da kích ứng và không đến nỗi quá nặng để phải uống isotretinoin). Sau khi nghiên cứu xong thì mình cũng khá an tâm vì may quá bác sĩ không kê bừa isotretinoin :)). Lúc đọc qua L-cystine thì mình thấy khá ấn tượng với nhiều công dụng của nó. Bạn có thể xem qua thêm ở đây
– L-cystine Phislin 500mg: Mình hay gọi là L-cystine con hươu do có hình con hươu trên vỏ hộp thuốc :)). Sau khi hết thuốc thì mình mua uống tiếp vì mình muốn duy trì công hiệu của L-cystine. Loại này do cô dược sĩ bán, mình thấy giá khá mềm nên mua uống thử xem sao. Nhưng cảm giác là không có công hiệu bằng Amepox dù cũng là 500mg. Thế là mình tìm hiểu thử sự khác biệt về tá dược thì thấy có thể nguyên nhân là do tá dược (Amepox mắc gấp đôi loại này). Sau đó thì mình say bye và quay về tiếp với Amepox :)).
– Heparos (L-cystine 250mg): Loại này cũng là L-cystine, mình được kê vào tuần cuối của toa thuốc (hình như là các đợt khám sau, do mình cũng bị kích ứng vài lần do ko test sản phẩm kỹ ==! Từ đó mới cho ra đời bài viết patch test cho các bạn). Loại này mình thấy bình thường, hiệu quả không nhanh bằng Amepox nên cũng ngưng khi hết thuốc.
– N-Acetyl-L-Cysteine (NAC) 600mg của Now: loại này mình đang tăm tia đổi sang từ Amepox do sau khi nghiên cứu kỹ bài này thì thấy NAC ít tác dụng phụ và lợi ích nhiều hơn. Mình sẽ mua uống sau khi hết Amepox và sẽ update lại sau cho các bạn nhé!
—————————

Research study
[1] Clemente Plaza, N., Reig García-Galbis, M., & Martínez-Espinosa, R. M. (2018). Effects of the Usage of l-Cysteine (l-Cys) on Human Health. Molecules, 23(3), 575.
[2] Millea, P. J. (2009). N-acetylcysteine: multiple clinical applications. American family physician, 80(3), 265-269.
[3] Oja, S. S., & Saransaari, P. (2015). Open questions concerning taurine with emphasis on the brain. In Taurine 9 (pp. 409-413). Springer, Cham.
[4] Liu, S. M., & Eady, S. J. (2005). Glutathione: its implications for animal health, meat quality, and health benefits of consumers. Australian Journal of Agricultural Research, 56(8), 775-780.
[5] McPherson, R. A., & Hardy, G. (2011). Clinical and nutritional benefits of cysteine-enriched protein supplements. Current Opinion in Clinical Nutrition & Metabolic Care, 14(6), 562-568.
[6] Petri, H., Pierchalla, P., & Tronnier, H. (1990). The efficacy of drug therapy in structural lesions of the hair and in diffuse effluvium–comparative double blind study. Schweizerische Rundschau fur Medizin Praxis= Revue suisse de medecine Praxis, 79(47), 1457-1462.
[7] Goluch-Koniuszy, Z. S. (2016). Nutrition of women with hair loss problem during the period of menopause. Przeglad menopauzalny= Menopause review, 15(1), 56.
[8] Meduri, A., Grenga, P. L., Scorolli, L., Ceruti, P., & Ferreri, G. (2009). Role of cysteine in corneal wound healing after photorefractive keratectomy. Ophthalmic Research, 41(2), 76-82.
[9] Sekhar, R. V., Patel, S. G., Guthikonda, A. P., Reid, M., Balasubramanyam, A., Taffet, G. E., & Jahoor, F. (2011). Deficient synthesis of glutathione underlies oxidative stress in aging and can be corrected by dietary cysteine and glycine supplementation–. The American journal of clinical nutrition, 94(3), 847-853.
[10] Gould, R. L., & Pazdro, R. (2019). Impact of supplementary amino acids, micronutrients, and overall diet on glutathione homeostasis. Nutrients, 11(5), 1056.
[11] Spriggs, S. (2017). The role of glutathione in Allergic Contact Dermatitis (Doctoral dissertation, University of Liverpool).
[12] Jain, S. K., Micinski, D., Huning, L., Kahlon, G., Bass, P. F., & Levine, S. N. (2014). Vitamin D and L-cysteine levels correlate positively with GSH and negatively with insulin resistance levels in the blood of type 2 diabetic patients. European journal of clinical nutrition, 68(10), 1148-1153.
[13] Janeczek, M., Moy, L., Riopelle, A., Vetter, O., Reserva, J., Tung, R., & Swan, J. (2019). The Potential Uses of N-acetylcysteine in Dermatology: A Review. The Journal of clinical and aesthetic dermatology, 12(5), 20.
[14] Aktunc, E., Ozacmak, V. H., Ozacmak, H. S., Barut, F., Buyukates, M., Kandemir, O., & Demircan, N. (2010). N‐acetyl cysteine promotes angiogenesis and clearance of free oxygen radicals, thus improving wound healing in an alloxan‐induced diabetic mouse model of incisional wound. Clinical and Experimental Dermatology: Experimental dermatology, 35(8), 902-909.
[15] Tsai, M. L., Huang, H. P., Hsu, J. D., Lai, Y. R., Hsiao, Y. P., Lu, F. J., & Chang, H. R. (2014). Topical N-acetylcysteine accelerates wound healing in vitro and in vivo via the PKC/Stat3 pathway. International Journal of Molecular Sciences, 15(5), 7563-7578.
[16] Bächle, A. C., Mörsdorf, P., Rezaeian, F., Ong, M. F., Harder, Y., & Menger, M. D. (2011). N-acetylcysteine attenuates leukocytic inflammation and microvascular perfusion failure in critically ischemic random pattern flaps. Microvascular Research, 82(1), 28-34.
[17] Rosato, E., Veneziano, M. L., Di Mario, A., Molinaro, I., Pisarri, S., & Salsano, F. (2013). Ulcers caused by bullous morphea: successful therapy with N-acetylcysteine and topical wound care. International Journal of Immunopathology and Pharmacology, 26(1), 259-262.
[18] Rosato, E., Borghese, F., Pisarri, S., & Salsano, F. (2009). The treatment with N-acetylcysteine of Raynaud’s phenomenon and ischemic ulcers therapy in sclerodermic patients: a prospective observational study of 50 patients. Clinical rheumatology, 28(12), 1379.
[19] Vélez, A., & Moreno, J. C. (2002). Toxic epidermal necrolysis treated with N-acetylcysteine. Journal of the American Academy of Dermatology, 46(3), 469-470.
[20] Saavedra, C., Cárdenas, P., Castellanos, H., Contreras, K., & Castro, J. R. (2012). Cephazolin-induced toxic epidermal necrolysis treated with intravenous immunoglobulin and N-acetylcysteine. Case Reports in Immunology, 2012.
[21] Kang, S., Chung, J. H., Lee, J. H., Fisher, G. J., Wan, Y. S., Duell, E. A., & Voorhees, J. J. (2003). Topical N-acetyl cysteine and genistein prevent ultraviolet-light-induced signaling that leads to photoaging in human skin in vivo. Journal of Investigative Dermatology, 120(5), 835-841.
[22] Cotter, M. A., Thomas, J., Cassidy, P., Robinette, K., Jenkins, N., Florell, S. R., … & Grossman, D. (2007). N-acetylcysteine protects melanocytes against oxidative stress/damage and delays onset of ultraviolet-induced melanoma in mice. Clinical Cancer Research, 13(19), 5952-5958.
[23] Goodson, A. G., Cotter, M. A., Cassidy, P., Wade, M., Florell, S. R., Liu, T., … & Grossman, D. (2009). Use of oral N-acetylcysteine for protection of melanocytic nevi against UV-induced oxidative stress: towards a novel paradigm for melanoma chemoprevention. Clinical Cancer Research, 15(23), 7434-7440.
[24] Berk, M., Copolov, D. L., Dean, O., Lu, K., Jeavons, S., Schapkaitz, I., … & Bush, A. I. (2008). N-acetyl cysteine for depressive symptoms in bipolar disorder—a double-blind randomized placebo-controlled trial. Biological psychiatry, 64(6), 468-475.
[25] Berk, M., Jeavons, S., Dean, O. M., Dodd, S., Moss, K., Gama, C. S., & Malhi, G. S. (2009). Nail-biting stuff? The effect of N-acetyl cysteine on nail-biting. CNS spectrums, 14(7), 357-360.
[26] Chakraborty, S., Tripathi, S. J., Srikumar, B. N., Raju, T. R., & Rao, B. S. (2020). N-acetyl cysteine ameliorates depression-induced cognitive deficits by restoring the volumes of hippocampal subfields and associated neurochemical changes. Neurochemistry international, 132, 104605.
[27] Xu, Y. J., Tappia, P. S., Neki, N. S., & Dhalla, N. S. (2014). Prevention of diabetes-induced cardiovascular complications upon treatment with antioxidants. Heart failure reviews, 19(1), 113-121.
[28] Montes, L. F., Wilborn, W. H., & Montes, C. M. (2012). Topical acne treatment with acetylcysteine: clinical and experimental effects. Skinmed, 10(6), 348-351.
[29] Oliver, G., Dean, O., Camfield, D., Blair-West, S., Ng, C., Berk, M., & Sarris, J. (2015). N-acetyl cysteine in the treatment of obsessive compulsive and related disorders: a systematic review. Clinical Psychopharmacology and Neuroscience, 13(1), 12.
[30] Dröge, W., & Breitkreutz, R. (2000). Glutathione and immune function. Proceedings of the Nutrition Society, 59(4), 595-600.
[31] Grant, J. E., Chamberlain, S. R., Redden, S. A., Leppink, E. W., Odlaug, B. L., & Kim, S. W. (2016). N-Acetylcysteine in the treatment of excoriation disorder: a randomized clinical trial. JAMA psychiatry, 73(5), 490-496.
[32] Miller, J. L., & Angulo, M. (2014). An open‐label pilot study of N‐acetylcysteine for skin‐picking in Prader–Willi syndrome. American Journal of Medical Genetics Part A, 164(2), 421-424.
[33] Sayin, V. I., Ibrahim, M. X., Larsson, E., Nilsson, J. A., Lindahl, P., & Bergo, M. O. (2014). Antioxidants accelerate lung cancer progression in mice. Science translational medicine, 6(221), 221ra15-221ra15.
[34] Breau, M., Houssaini, A., Lipskaia, L., Abid, S., Born, E., Marcos, E., … & Flaman, J. M. (2019). The antioxidant N-acetylcysteine protects from lung emphysema but induces lung adenocarcinoma in mice. JCI insight, 4(19).
[35] Monti, D., Sotgia, F., Whitaker-Menezes, D., Tuluc, M., Birbe, R., Berger, A., … & Domingo-Vidal, M. (2017, June). Pilot study demonstrating metabolic and anti-proliferative effects of in vivo anti-oxidant supplementation with N-Acetylcysteine in Breast Cancer. In Seminars in oncology (Vol. 44, No. 3, pp. 226-232). WB Saunders.
Website
[W1] https://youmed.vn/tin-tuc/vien-uong-l-cystine/
[W2] https://www.verywellhealth.com/the-benefits-of-l-cysteine-89468
[W3] https://www.consumerlab.com/answers/what-is-the-difference-between-cysteine-and-cystine/cysteine_and_cystine/
[W4] http://thebeelearn.blogspot.com/2015/09/nghien-cuu-ung-dung-va-nghien-cuu-co.html
[W5] https://www.reddit.com/r/Nootropics/comments/8rkdfm/nac_is_absolutely_amazing_its_changing_my_life/
[W6] https://www.reddit.com/r/DrugNerds/comments/bfmjxr/nac_friend_or_foeis_nac_safe_to_take/
[W7] https://blogs.sciencemag.org/pipeline/archives/2019/10/04/n-acetyl-cysteine-a-warning-shot
[W8] https://vi.wikipedia.org/wiki/T%C3%A1_d%C6%B0%E1%BB%A3c
[W9] https://www.europeanpharmaceuticalreview.com/article/18434/the-central-role-of-excipients-in-drug-formulation-2/