Tác Giả: Nguyễn Thái Nghị
Chăm sóc tóc là nhu cầu làm đẹp của cả nam lẫn nữ ở mọi độ tuổi. Bản thân sợi tóc nguyên thuỷ vẫn khoẻ mạnh và có sức sống. Tuy nhiên, quá trình làm việc, sinh hoạt và chăm sóc cơ thể hằng ngày có thể làm sợi tóc bị hư tổn và mất sự khoẻ mạnh vốn có của nó. Như bất kỳ bộ phận nào của cơ thể, tóc cũng cần một chế độ chăm sóc hợp lý tuỳ đặc điểm của từng cá thể riêng biệt. Trong bài viết này, chúng ta cùng đi sơ lược qua về những đặc điểm của tóc và dầu gội đầu nhé.Cấu trúc tóc bao gồm:
• Lớp biểu bì (cuticle) bảo vệ thân tóc bên ngoài
• Lớp giữ (cortex) nằm ngay bên dưới lớp biểu bì, được hình thành từ những tế bào chết và được phủ chủ yếu một loại protein là keratin. Đây cũng là cấu trúc quan trọng tạo nên sắc thái, hình dáng, màu sắc, độ đàn hồi và sức mạnh của tóc.
• Lớp tuỷ (medulla), thường chỉ hiện diện trên các sợi tóc dày và không có ở những sợi mảnh.
Sợi tóc chứa khoảng 65-95% keratin, phần còn lại bao gồm nước, lipid, sắc tố và một số thành phần khác. Các protein được hình thành từ nhiều chuỗi dài amino acid, trong đó cysteine đóng vai trò quan trọng nhất.
Chu kỳ phát triển của tóc bao gồm ba giai đoạn riêng biệt: anagen, catagen và telogen
• Giai đoạn tăng trưởng (anagen): Kéo dài khoảng 150 tuần, trong đó phần gốc của tóc phân chia nhanh chóng, góp phần tăng trưởng chiều dài của tóc. Trong giai đoạn này, tóc mọc khoảng 1cm mỗi 28 ngày.
• Giai đoạn thoái triển (catagen): Kéo dài khoảng 1 tuần. Trong giai đoạn chuyển tiếp này, sự phát triển của tóc chậm lại trong một vài tuần và các nang tóc bị co lại.
• Giai đoạn nghỉ ngơi (telogen): Kéo dài trong 12 tuần kế tiếp. Trong giai đoạn này, tóc được giải phóng và rụng. Nang tóc sẽ không hoạt động trong 3 tháng và sau đó quá trình này được lặp lại.
Rụng tóc, mỏng tóc và các vấn đề về tăng trưởng tóc xảy ra khi chu kỳ tăng trưởng bị gián đoạn. Điều này có thể được gây ra bởi các vấn đề dinh dưỡng và chuyển hoá, bệnh tật hoặc căng thẳng. Nếu các sợi tóc không ở trong giai đoạn anagen đủ lâu thì tóc sẽ không dài, khoẻ và săn chắc.
Quá trình gội đầu làm cọ xát bề mặt, đồng thời do ngấm nước nên sợi tóc dễ bị tổn thương. Kế đến, việc lau khô không đúng cách, dùng khăn quá thô ráo, đặc biệt là việc tạo kiểu, chải tóc mạnh, dùng lược cứng sẽ tiếp tục tác động đến lớp biểu bì gãy đứt sợi tóc.
Các chất hoạt động bề mặt trong xà phòng có một đầu ưa dầu gắn kết với chất bã nhờn và một đầu ưa nước để kéo trôi khi xả nước. Việc này sẽ làm mất đi lớp lipid bảo vệ, khiến tóc và da dầu khô nên dễ bị tổn thương.
Nhiệt độ do tắm nước nóng hoặc dùng máy sấy khiến tóc lớp biểu bì bị đứt gãy và làm yếu liên kết protein trong lớp vỏ.
Hoá chất do nhuộm tóc sẽ làm phù và nứt vỡ tạo những lỗ tổn thương bề mặt. Qua các lỗ này, chất nhuộm sẽ oxy hoá các phân tử vỏ và phá vỡ các liên kết protein.
Tẩy tóc làm mất đến 60% cysteine trong lớp vỏ và làm tổn thương cả lớp biểu bì trên bề mặt.
Duỗi tóc nhằm mục đích khiến các liên kết bên trong cấu trúc thân tóc yếu đi nên dù ở mức độ nhẹ cũng làm hư tổn sợi tóc.
Ánh nắng và bức xạ tia cực tím làm phá vỡ các liên kết protein.
Các ion trong nước cứng cũng gây tổn hại do sự phân cực quá mạnh kéo sạch các chất bã nhờn tự nhiên khiến tóc trở nên khô và nhạy cảm hơn với những tác động gây hại khác
Kỹ thuật chăm sóc bao gồm việc làm sạch tóc, da dầu và bảo vệ chúng khỏi các tác nhân có thể gây hại và hồi phục bề mặt sợi tóc tổn thương.
Dầu gội được sử dụng chủ yếu để làm sạch da đầu khỏi bụi bẩn, bã nhờn, mồ hôi, các chất ô nhiễm môi trường, vảy da dầu và các chất nhờn khác từ các sản phẩm chăm sóc tóc đã thoa trước đó như dầu, kem dưỡng,..Ngoài ra trong dầu gội hiện nay còn được bổ sung thêm các dưỡng chất giúp nuôi dưỡng tóc khoẻ mạnh hơn.
Chất tẩy rửa là thành phần chính trong dầu gội, ngoài ra còn có các chất phụ gia giúp sản phẩm ổn định và các chất dưỡng nhằm mục đích giúp tóc mềm mại và bóng, tăng cường khả năng gỡ rối.
• Chất hoạt động bề mặt anion: amoni lauryl sulfat, natri laureth sulfat, natri lauryl sarcosinate…
Mặc dù chúng rất tốt trong việc loại bỏ bã nhờn và bụi bẩn, nhưng chất hoạt động bề mặt anion lại là chất tẩy rửa mạnh và có thể gây ra sự gia tăng các điện tích âm trên bề mặt tóc làm tăng ma sát giữa các sợi tóc, làm tóc dễ rối, xù, khó vào nếp .
• Chất hoạt động bề mặt cation: trimethyl alkyl ammonium clorua, benzalkonium chloride hoặc bromide…
Chúng yếu hơn anion nhưng có khả năng cân bằng điện tích âm cho tóc sau khi gội, giúp giảm xoăn cứng tóc.
• Chất hoạt động bề mặt lưỡng tính: Chất có chứa nhóm chức có tính acid đồng thời chứa nhóm chức có tính base. Là cation ở pH thấp và là anion ở pH cao.
Chúng hoạt động bề mặt lưỡng tính có tính tẩy rửa, thấm ướt và tạo bột tốt, không hại da, không làm rát da đầu.
• Chất hoạt động bề mặt không ion: rượu béo, rượu cetyl, rượu stearyl, và rượu cetostearyl…
Chất hoạt động bề mặt không ion không có điện tích có khả năng tẩy rửa tương đối cao, ít tạo bọt hơn chất hoạt động bề mặt ion.
⇨ Ngoài ra bạn có thể đọc thêm nhiều thông tin về 4 loại chất trên tại đây:
https://callmeduy.com/bai-viet/cau-chuyen-ve-sua-rua-mat-phan-1
Các amino acid tiêu biểu như: proline, threonine, leucine and arginine, đặc biệt là cysteine.
Dưỡng ẩm là một trong những yếu tố quan trọng nhất đối với tóc cũng như đối với da. Các amino acid có trong lớp biểu bì có tác dụng giữ ẩm và tạo nên cấu trúc cho tóc. Tóc khô và xỉn màu là dấu hiệu của việc lớp biểu bì bị tổn thương nghiêm trọng và thiếu các amino acid. Ngày nay dầu gội được bổ sung nhiều amino acid, đặc biệt là arginine. Các amino acid có cấu trúc phân tử nhỏ nên dễ dàng đi qua được lớp biểu bì góp phần tăng cường khả năng giữ ẩm và hạn chế khô ráp cho tóc. Ngoài ra, có thể bổ sung các amino acid thông qua đường uống [1].
Là thành phần chính giúp bảo vệ lớp giữa của tóc khỏi những tác hại của môi trường bên ngoài, đồng thời cũng duy trì hình dạng cho tóc.
Phương pháp hiệu quả nhất chính là “Keratin treatment”, phương pháp này được thực hiện tại salon và đòi hỏi nhiều công đoạn phức tạp. Ngoài ra keratin chứa trong dầu gội và các sản phẩm dưỡng cũng có thể thâm nhập vào lớp biểu bì và mang lại khả năng làm mềm và giúp tóc khoẻ hơn. Tuy nhiên Keratin phải được tổng hợp bằng phương pháp thuỷ phân mới được cho là mang lại kết quả cao nhất. Các sản phẩm rửa trôi (wash-off) cũng được xem là mang lại hiệu quả kém hơn các sản phẩm không rửa trôi (leave-on) [2] [3].
Còn được gọi là vitamin B7 hoặc vitamin H, là một vitamin tan trong nước, đóng vai trò thiết yếu trong nhiều con đường trao đổi chất, chúng còn giúp tăng khả tăng tổng hợp protein và sản xuất keratin cho tóc.
Rất tiếc rằng chưa có nghiên cứu nào khẳng định sử dụng biotin ở dầu gội cho những cải thiện về tóc như giảm tóc rụng, kích thích dài tóc…mà các nghiên cứu chỉ tập trung vào đường uống. Các nghiên cứu đó chỉ ra rằng, những bệnh nhân có các vấn đề về tóc di truyền sử dụng biotin liều cao (từ 10.000 đến 30.000 μg / ngày) và những người mắc các bệnh lý về tóc tiềm ẩn sử dụng biotin liều thấp sẽ cho hiệu quả hơn, cũng như chưa có nhiều nghiên cứu chỉ ra việc dùng biotin ở người bình thường cho kết quả tốt [4] [5].
Ngoài ra các thành phần dưỡng khác như argan oil, moroccan oil, panthenol, vitamin E…cũng được thêm vào các sản phẩm gội nhằm giảm đi sự khô ráp và tổn thương cọ xát trong quá trình tẩy rửa, đồng thời giảm đi những tác hại từ môi trường bên ngoài như tia cực tím…Những thành phần này chúng ta sẽ bàn luận sâu hơn vào phần Dầu xả và Dầu dưỡng nhé.
[1] Robbins, C. R., & Kelly, C. H. (1970). Amino acid composition of human hair. Textile Research Journal, 40(10), 891-896.
[2]. Villa, A. L. V., Aragão, M. R. S., Dos Santos, E. P., Mazotto, A. M., Zingali, R. B., De Souza, E. P., & Vermelho, A. B. (2013). Feather keratin hydrolysates obtained from microbial keratinases: effect on hair fiber. Bmc Biotechnology, 13(1), 1-11
[3]. Sionkowska A, Skopinska-Wiśniewska J, Kozłowska J, Płanecka A, Kurzawa M:
Photochemical behaviour of hydrolysed keratin. Int J Cosm Sci 2011, 33:503–508.
[4]. Dakshinamurti K, Triggs-Raine B. Clinical Studies in Medical Biochemistry. Oxford University Press; 1997. Biotin and Multiple Carboxylase Deficiency.
[5]. Patel, D. P., Swink, S. M., & Castelo-Soccio, L. (2017). A review of the use of biotin for hair loss. Skin appendage disorders, 3(3), 166-169.
Một số tài liệu khác:
1. Marsh, J. M., Gray, J., & Tosti, A. (2015). Healthy hair. New York: Springer International Publishing.
2. Hordinsky, M., Caramori, A. P. A., & Donovan, J. C. (2015). Hair Physiology and Grooming. Cosmetic Dermatology: Products and Procedures, 234-238.
3. https://callmeduy.com/bai-viet/hair-cosmetic-part-1
4. https://callmeduy.com/bai-viet/cau-chuyen-ve-sua-rua-mat-phan-1