Da khô, Da nhạy cảm, Review thành phần

Ceramide – quan trọng nhưng có cần thiết không

Tác giả: Lê Phước Thành Đạt

Ceramide – một thành phần được “săn đón” trong những năm gần đây bởi nhiều lợi ích như hỗ trợ tái tạo màng bảo vệ da. Tuy vậy, Ceramide sẽ giảm dần khi chúng ta già đi (Khi 30 tuổi thì lượng Ceramide trong cơ thể sẽ mất đi 40%) [02]. Ngày càng nhiều sản phẩm có Ceramide trong bảng thành phần, mặc dù hầu hết đều ở gần cuối bảng thành phần. Liệu Ceramide có thực sự thần thánh như vậy không? Và nồng độ ceramide trong sản phẩm như thế nào thì mới đạt được hiệu quả tốt nhất? Hãy theo dõi bên dưới nhé các bạn

 

*Note: Do nghiên cứu về Ceramide vẫn còn đang phát triển, còn nhiều thông tin chưa được giải thích cặn kẽ nên các thông tin trong bài sẽ tập trung vào các nội dung có sẵn và có thể sẽ cần cập nhật thêm trong tương lai.

 

 

 

Da là một hàng rào bảo vệ chống lại các tác nhân gây dị ứng, kích ứng, vi sinh vật và cũng như ngăn ngừa sự mất nước qua da (Transepidermal water loss). Và chức năng của hàng rào bảo vệ này phụ thuộc vào lớp sừng của da (stratum corneum) bao gồm các tế bào corneocytes và ma trận lipids có tổ chức cao [1,3]. Lớp ma trận lipid này chiếm khoảng 20% thể tích của lớp sừng [9] được xem là rất quan trọng [1] để duy trì khả năng hoạt động tốt của hàng rào bảo vệ da, và được cấu thành bởi 3 thành phần chính là Ceramide (CER), Cholesterol (CHO) và acid béo tự do (Free fatty acid). Trong đó, Ceramide chiếm khoảng 50%, acid béo khoảng 10 – 20% và cholesterol khoảng 25%, ngoài ra còn một lượng nhỏ cholesterol esters và cholesterol sulphate [9].

 

Một mô hình ví dụ hình dung lớp bảo vệ da cho dễ hiểu chính là dùng ví dụ bức tường gạch và vữa. Trong đó, tế bào corneocytes là các viên gạch và chiếm phần lớn thể tích của lớp sừng và được bao quanh bởi ‘vữa’ lipid. Corneodesmosome (cấu trúc kết dính gian bào chính trong lớp sừng) liên kết các viên gạch để đảm bảo tính toàn vẹn của cấu trúc [9]. Lớp màng này sẽ giúp duy trì đặc tính thấm qua da, giữ độ ẩm cũng như các dưỡng chất trong da và ngăn chặn các tác nhân có khả năng gây hại da xâm nhập

 

 

Ceramide được hình thành thông qua một chuỗi các phản ứng, tuy nhiên vấn đề này khá chi tiết, khó hiểu và không quá cần thiết nên mình sẽ tạm bỏ qua không nhắc đến (bạn có thể đọc thêm ở tài liệu [7]). Nói một cách đơn giản thì Ceramide được tổng hợp bởi một họ sáu enzym ceramide synthases (CerS), mỗi CerS sẽ tổng hợp loại ceramide khác nhau với độ dài chuỗi acyl khác nhau [7] (xem hình 1)

 

 

Hình 1: Vai trò của CerS khi tổng hợp Ceramide với độ dài chuỗi khác nhau [7]

 

Nói về số loại ceramide thì do nghiên cứu về Ceramide vẫn còn đang diễn ra nên hiện tại vẫn chưa thể kết luận chắc chắn có bao nhiêu loại ceramide. Từ những năm 90 – đầu những năm 2000, số lớp con của Ceramide được khám phá ngày càng nhiều, từ 6 đến 9 và theo nghiên cứu [9] vào năm 2017 thì hiện tại đã phát hiện hơn 15 lớp con của Ceramide và có thể có từ 300 – hơn 1000 loại ceramide khác nhau!

 

 

Ceramide cấu tạo từ sphingosine và một acid béo và mỗi loại Ceramide khác nhau sẽ có Sphingosine khác nhau và acid béo khác nhau. Tổng số nguyên tử cacbon trong Ceramide (ví dụ: C34 CERs) là số nguyên tử cacbon trong chuỗi acid béo cộng với số nguyên tử cacbon trong sphingosine [3]. Hãy xem hình 2 để biết 12 lớp con phổ biến của Ceramide cũng như tên viết tắt của chúng nhé:

 

Hình 2: 12 lớp con phổ biến của Ceramide [3]

 

– Đối với cơ thể:

Ceramide là một phân tử tín hiệu lipid dựa trên sphingosine – phân tử trung tâm trong con đường sphingomyelin (SM), một hệ thống tín hiệu quan trọng trong cơ thể người – và có chức năng điều chỉnh sự biệt hóa, tăng sinh cũng như quá trình chết của tế bào (apoptosis) đối với các kích thích ngoại sinh [6]. Apoptosis là một dạng chết tế bào sinh lý có kiểm soát, cần thiết để kiểm soát quần thể tế bào trong các quá trình hình thành phôi, phản ứng miễn dịch, chữa lành vết thương và các phản ứng liên quan đến cân bằng nội môi của mô [6].

 

Với khả năng này, Ceramide tác động nên nhiều loại tế bào trong cơ thể nên có thể nói Ceramide có chức năng rất quan trọng trong cơ thể [5].

 

 

– Đối với làn da:

Như đã trình bày ở trên, Ceramide đóng vai trò là các phân tử lipid giữ vai trò quan trọng trong việc giữ nước trong không gian ngoại bào ở lớp sừng. Sự thiếu hụt Ceramide sẽ dẫn đến tăng sự mất nước qua da, khô da, tăng tính thấm đối với các chất gây kích ứng và dị ứng từ môi trường.

 

Bên cạnh đó, việc thiếu hụt Ceramide cũng có liên quan đến một số bệnh lý như Bệnh vảy cá phiến mỏng Lamellar, bệnh Refsum, hội chứng Sjögren và hội chứng Chanarin-Dorfman, hội chứng Netherton, bệnh vẩy nến [9]. Một vấn đề đáng chú ý là không phải trong các bệnh lý này, tất cả các loại Ceramide đều giảm! Ví dụ trong bệnh vẩy nến, Ceramide EOS, NP, AP giảm nhưng Ceramide NS, AS lại tăng [9]

 

 

+Atopic dermatitis (AD)

Đặc biệt, Ceramide có liên quan mật thiết trong bệnh Viêm da tạng dị ứng (Atopic dermatitis -AD) và cũng từ các quan sát mối liên hệ này mà các nhà điều chế mỹ phẩm bắt đầu thêm Ceramide vào các sản phẩm của mình. AD đặc trưng là chức năng của lớp sừng bị suy giảm, có thể biểu hiện bằng việc gia tăng sự mất nước qua da hoặc giảm chức năng giữ nước (điện dung). Ngoài ra, mối quan hệ giữa chức năng lớp sừng suy giảm và Ceramide cũng đã được báo cáo qua nhiều nghiên cứu [10]

 

Trong nghiên cứu [10], tám quan sát có AD nhẹ (4 nam 4 nữ, độ tuổi từ 16-37) và 7 người khỏe mạnh không có tiền sử bị các bệnh về da.

Kết quả là: Như dự đoán, mức độ mất nước qua da (TEWL) của các bệnh nhân AD (Affected) thấp hơn đáng kể ở các vị trí không bị bệnh trên cơ thể (Uneffected) họ cũng như khi so với các người khỏe mạnh (Control).

Tổng mức độ Ceramide trên da cũng như các loại Ceramide NH, NP, EOS, EOH, EOP được phát hiện là thấp hơn đáng kể ở cá vị trí bị ảnh hưởng của bệnh nhân AD so với các vị trí da bình thường cũng như ở những người khỏe mạnh. Đáng chú ý là nghiên cứu này cũng cho thấy biểu hiện của Ceramide AS cao hơn đáng kể ở vị trí bị bệnh khi so với vị trí không có bệnh và người khỏe mạnh

 

 

 

Hình 3: Kết quả nghiên cứu [10]

 

Một sự phát hiện đáng kể khi chia mỗi lớp con thành từng loại Ceramide. Kết quả là ở bệnh nhân AD, loại Ceramide lớn hơn (hơn 50 carbon) của lớp con Ceramide NS, NDS, NH, AS, AH có xu hướng biểu hiện thấp hơn, ngược lại các loại nhỏ hơn (<40 carbon) của Ceramide NS, NDS, AS thì lại có xu hướng biểu hiện cao hơn nhóm chứng.

 

Trong nghiên cứu [12] thì khi cho nhóm 100 bệnh nhân bị bệnh viêm da tạng dị ứng nhẹ – vừa sử dụng kem dưỡng có chứa Ceramide và Magnesium (Mg) và so sánh nó với hydrocortisone và một sản phẩm chứng. 100 bệnh nhân được chia thành 2 nhóm và điều trị trong 6 tuần đồng thời với cả Cer-Mg và hydrocortisone (chia ra thoa trái, phải) và một nhóm so sánh giữa hỗn hợp Cer-Mg với nhóm chứng. Kết quả cho thấy hỗn hợp Cer-Mg hiêu quả hơn trong việc cải thiện độ ẩm của da và các yếu tố giữ ẩm tự nhiên (Natural moisturizing factors) hơn hydrocortisone và nhóm chứng.

 

Mặc dù là một thành phần có lợi cho da, tuy nhiên cũng có nhiều thành phần dưỡng ẩm khác cũng có hiệu quả tốt. Vậy Ceramide có xứng đáng để bạn bỏ tiền ra mua sản phẩm mới có chứa nó không? Hãy cùng tìm hiểu với mình ở dưới

 

*Lưu ý: Phần này chỉ để nêu lên một số vấn đề có thể ảnh hưởng hiệu quả của Ceramide để bạn xem xét có nên mua một sản phẩm kem dưỡng ceramide mới nếu bạn chưa dùng Ceramide. Nếu bạn đã dùng sản phẩm chứa Ceramide và thấy da phục hồi tốt thì vẫn nên dùng nhé, bởi vì ngoài Ceramide thì còn các thành phần dưỡng da khác cũng rất có ích cho da.

 

 

Nghiên cứu của Huang và Chang trong tài liệu [12] đã chỉ ra rằng Ceramide đường bôi (Ceramide 1 và 3) giảm mất nước qua da và tăng độ ẩm của da trong làn da bị kích ứng. Tuy vậy, khi nói về kích thước của Ceramide trên da (>500 Da) – được xem như một giới hạn kích thước phân tử để thâm nhập vào da, từ đó đặt ra câu hỏi về mức độ hấp thụ cũng như số lượng hấp thụ và sự cần bằng của chúng khi hấp thụ vào da (mặc dù có thể cải thiện bởi các công nghệ bọc Liposome hiện nay). Ngoài ra, một nghiên cứu khác của Zhang cũng được trích trong [12] cho thấy Ceramide bôi ngoài da chủ yếu nằm trên lớp sừng và khả năng thâm nhập vào lớp lipid chứa Ceramide tự nhiên trong cơ thể là rất ít. Trong các trường hợp bị viêm da tạng dị ứng (AD), do chức năng màng bảo vệ da kém nên mức độ hấp thụ tăng cao hơn. Tuy vậy, không có nhiều nghiên cứu về sự xâm nhập của các loại Ceramide khác nhau trên da.

 

 

Như đã đề cập ở trên, có nhiều loại Ceramide khác nhau và biểu hiện của chúng cũng khác nhau, ví dụ như ở bệnh Viêm da tạng dị ứng (AD). Trong khi các Ceramide NH, NP, EOS, EOH, EOP được quan sát thấy là biểu hiện giảm đi ở vùng bị nhiễm bệnh, Ceramide AS lại cao hơn đáng kể

 

Bên cạnh đó, chúng ta cũng không biết được cách kết hợp các loại ceramide như thế nào hay tỷ lệ như thế nào là tối ưu nhất. Thường trong các người bệnh AD ở các nghiên cứu vào năm 1990s thì họ phát hiện thấy sự thiếu hụt của Ceramide 1 (Ceramide EOP) và 3 (Ceramide Ceramide NP) nên trong các sản phẩm mỹ phẩm hiện tại sẽ thường có 2 loại Ceramide này [O1].

 

 

Ceramide với độ dài chuỗi ngắn có thể tăng tính thấm của màng lipid so với Ceramide có chuỗi dài với số carbon 4-6 cực đại trong chuỗi acyl, dẫn đến gây mất nước qua da Các chuỗi acyl dài trong Ceramide rất cần thiết cho sự hình thành lớp màng lipid chặt chẽ và không thấm nước [13].

 

Ceramide có độ dài carbon ngắn chủ yếu ở các lớp con AS, AH, NS

 

Ceramide với chuỗi carbon dài chủ yếu ở các lớp EO như EOH và EOP

 

Nghiên cứu [3] đã thể hiện sự tương quan giữa các lớp con Ceramide và tình trạng mất nước qua da (xem bảng dưới). Ceramide EOH và AS là hai lớp con có liên quan mật thiết đến tình trạng mất nước qua da. Điều này cho thấy sự quan trọng của chiều dài chuỗi đối với hàng rào da trong viêm da tạng dị ứng: Ceramide EOH có chuỗi carbon dài giảm xuống, trong khi Ceramide AS – lớp con có số lượng loại Ceramide với chuỗi carbon ngắn nhiều nhất thì lại tăng lên.

 

 

Bảng 1: Sự tương quan giữa các nhóm con Ceramide và tình trạng mất nước qua da [3]

 

Do đó, khi lựa chọn mỹ phẩm có Ceramide, bạn nên chọn các nhóm con Ceramide là EOP/EOH hoặc NP/NH theo bảng trên.

 

Trong các sản phẩm kem dưỡng chứa Ceramide thông thường thì họ thường dùng Ceramide 1, 3 và 6 II (các tên cũ của Ceramide), tương ứng với tên mới của Ceramide là:

 

Ceramide 1: Ceramide EOP

Ceramide 3: Ceramide NP

Ceramide 6-II: Ceramide AP

 

Theo bảng trên thì Ceramide 1 và 3 khá hiệu quả khi chữa trị mất nước qua da, trong khi Ceramide 6 – II thì không. Tuy vậy, đa phần các sản phẩm chứa Ceramide đều kết hợp cả 3 loại nên cũng hơi khó tìm được sản phẩm chỉ có Ceramide 1 và 3.

 

 

Thực tế không có nhiều tài liệu đề cập đến vấn đề này và cũng không có nghiên cứu lâm sàng số lượng lớn để kiểm tra các tỷ lệ mix các loại Ceramide và ảnh hưởng của chúng lên da. Có thể do các nghiên cứu về Ceramide vẫn còn đang phát triển dần nên số lượng tài liệu liên quan đến lĩnh vực ứng dụng ceramide vẫn chưa có sẵn nhiều.

 

 

 

Tuy vậy, theo thông tin từ một thành viên Reddit tự nhận làm trong ngành mỹ phẩm [O3] thì tài liệu của Mao-Qiang và Feingold có thể hữu ích khi xác định tỷ lệ Ceramide có lợi cho da. Mao-Qiang và Feingold là hai nhà nghiên cứu được xem như chuyên gia trong lĩnh vực sinh lý của lipid khi có khá nhiều nghiên cứu của hai ông được đông đảo các nhà nghiên cứu khác trích nguồn. Theo tài liệu [2] của hai ông thì khi sử dụng các thành phần lipid để phục hồi da, nếu sử dụng tách biệt các loại lipid với nhau cũng như sai tỷ lệ mol thì có thể có tác dụng ngược, làm cản trợ việc phục hồi rào cản cho da.

 

Nghiên cứu [2] quan tâm đến tỷ lệ tối ưu của các chất béo chính để sửa chữa hàng rào bảo vệ da và được đánh giá bằng mối quan hệ giữa chúng với tình trạng mất nước qua da. Theo tài liệu [14], khi bôi các thành phần lipid trên da, khác với kem dưỡng ẩm bình thường, nó sẽ không tạo thành một lớp occlusive trên da. Thay vào đó, nó sẽ được hấp thụ vào các lớp tế bào có nhân dưới da,. Khi ở đó, chúng kết hợp với các lipid trong da mới được tạo thành trước khi chúng được tiết ra không gian ngoại bào.

 

Tuy nhiên trong bệnh viêm da tạng dị ứng, không chỉ sự tổng hợp lipid mà cả sự tiết lipid cũng bị suy giảm, dẫn đên sự suy giảm của các lipid sinh lý (Ceramide, acid béo tự do và cholesterol). Do đó, để cải thiện hàm lượng lipid giảm trong lớp sừng (khoảng 5 – 10% của tổng khối lượng lớp sừng bình thường) thì những lipid này nên được cung cấp ở nồng độ cao, ít nhất là 5% của tổng 3 loại lipid [5]; trong khi nghiên cứu [2] thì cho rằng chỉ càn 1 – 1,6% hỗn hợp của 3 loại lipid là có thể sửa chữa được hàng rào bảo vệ da, và khi test trong nghiên cứu thì ông sử dụng tỷ lệ 1-1,2%. Bên cạnh đó, do hàm lượng Ceramide bị giảm hơn nữa do ảnh hưởng của một chất gọi là Th2 cytokine nên lý tưởng nhất là 3 lipid này nên được cung cấp với tỷ lệ mà Ceramide nhiều hơn (ví dụ 3:1:1, Ceramide 3, cholesterol và free fatty acid 1:1). [2,15].

 

Từ giá trị tối thiểu của tổng 3 loại lipid và tỷ lệ mix các loại này với nhau, [O3] cho rằng ceramide trong sản phẩm nên ở mức 0,3 – 0,7%

 

Cụ thể, nghiên cứu [14] so sánh hỗn hợp lipid tối ưu và petrolatum. Petrolatum hoạt động như một rào cản vật lý chống lại sự mất độ ẩm trên da và cung cấp sự hồi phục khoảng 50% so với nền da ban đầu ngay khi thoa lên. Trong 8 giờ sau đó, sự hồi phục vẫn ổn định ở mức này và chỉ giảm nhẹ ở mốc thời gian 8 giờ.

 

Sự pha trộn giữa các lipid thì không tạo ra rào cản vật lý tức thì đối với việc mất nước. Thay đó đó, những lipid này được hấp thụ vào da và kết hợp với nhóm chất béo tự nhiên của da sau đó tạo thành hàng rào tự nhiên của da. Điều này cần một khoảng thời gian để diễn ra nên lợi ích sẽ không thấy ngay lập tức. Tuy vậy, 2 giờ sau khi thoa, nhóm lipid với tỷ lệ 3:1:1 hoạt động tốt hơn petrolatum (chất tiêu chuẩn vàng để giữ ẩm), và cung cấp 55% khả năng phục hồi so với petrolatum. Ở mốc thời gian 8 giờ, sự khác biệt càng rõ rệt hơn (90% phục hồi so với 40% phục hồi của Petrolatum). Do đó, chúng ta có thể kết hợp cả hai loại thành phần này với nhau để có thể vừa cung cấp sự hỗ trợ ngay lập tức và vừa hồi phục lâu dài cho hàng rào bảo vệ da.

 

Tuy vậy, loại Ceramide được sử dụng cũng có thể tạo ra ảnh hưởng khác nhau lên tình trạng mất nước qua da như đã đề cập ở trên. Loại ceramide mà thí nghiệm [2] sử dụng là Ceramide 3 và 4, tương ứng với tên gọi mới là Ceramide NP và AS. Theo nghiên cứu [3] thì Ceramide NP đúng là có cải thiện mất nước qua da, nhưng Ceramide AS thì ngược lại. Do nghiên cứu [2,14] được thực hiện khá lâu (1995 và 1996) nên lúc đó các thông tin về loại Ceramide và mối quan hệ giữa Ceramide và TEWL chưa có sẵn nên việc lựa chọn loại Ceramide cũng không được đề cặp rõ ràng trong nghiên cứu của ông.

 

Mặc dù vậy, dựa vào số liệu của nghiên cứu của ông thì có thể thấy tỷ lệ từ 1:1:1 đến 3:1:1 (Ceramide:Cholesterol:Free fatty acids) vẫn có hiệu quả cải thiện tích cực tình trạng mất nước qua da, và chúng ta có thể ứng dụng tỷ lệ này khi tìm hiểu Ceramide trong sản phẩm mỹ phẩm, và tốt nhất loại Ceramide được dùng là Ceramide 1 và 3. Tuy nhiên, đa phần các sản phẩm mỹ phẩm thông thường đều không đạt chuẩn khi so sánh về tỷ lệ ceramide trong sản phẩm cũng như loại ceramide sử dụng và điều này sẽ được đề cập chi tiết hơn ở phần III nhé.

 

 

Ngoài việc sử dụng trực tiếp Ceramide, bạn có thể sử dụng các thành phần được chứng minh là có thể tác động lên quá trình tổng hợp Ceramide, ví dụ như:

+ Urea [17]

+ Lactic acid [18] (cụ thể, đồng phân L-lactic acid sẽ thúc đẩy sản sinh ceramide tốt hơn các đồng phân khác)

+ Niacinamide [20]. Thí nghiệm này được thực hiện trong ống nghiệm. Khi ủ tế bào với Niacinamide trong 6 ngày, tốc độ tổng hợp Ceramide tăng lên khoảng 5 lần đế ngày thứ 6. Bên cạnh đó, Niacinamide cũng tăng acid béo tự do (2,3 lần) và tăng tổng hợp cholesterol (1,5 lần).

 

 

 

Tuy vậy, cũng không có nhiều thông tin về các thành phần này sẽ kích thích tổng hợp Ceramide loại nào.

 

 

Vậy thì sản phẩm nào có tỷ lệ Ceramide và loại ceramide phù hợp với các nghiên cứu? Thật ra là khá ít. Theo [O3] thì hầu hết các công ty sử dụng nguyên liệu thô gọi là SK-Influx – một hỗn hợp của chất nhũ hóa (sodium lauroyl lactylate) với 1,5% ceramides, 0,5% cholesterol và 3,5% acid béo tự do và 0,5% phytosphingosine, theo tài liệu của nhà sản xuất [O4]. Hỗn hợp này chứa các loại Ceramide là NP, AP và EOP – Ceramide 3, 6-II và 1 như chúng mình thường gặp trong các sản phẩm có Ceramide ngoài thị trường.

 

Mức nồng độ sử dụng tối đa được khuyến nghị của SK-Influx là 5%, điều này sẽ có thể suy ra hàm lượng Ceramide đạt được là 0,2% và khá gần với nồng độ 0,3% như nêu trên. Tuy vậy, thường SK-Influx chỉ được dùng ở nồng độ 1-5% và do đó sẽ mang lại 0,015 – 0,075% ceramide – ít hơn khoảng 10 lần so với nồng độ được cho là có hiệu quả trong các nghiên cứu [O3]. Khi tính toán tỷ lệ mol thì [O3] ra được tỷ lệ của SK-Influx là 1:2:10 (1 cholesterol, 2 ceramide và 10 acid béo tự do), khá xa so với tỷ lệ 1:1:1 – 3:1:1.

 

Do ở nghiên cứu [2] có nói rằng tỷ lệ Ceramide , cholesterol và acid béo tự do nếu không đúng sẽ có thể gây hại da. Tuy vậy, đối với các sản phẩm chứa SK-Influx thì do tỷ lệ thành phần này khá thấp, cộng với các thành phần dưỡng ẩm, làm mềm da trong sản phẩm cũng sẽ hỗ trợ da và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực nếu có. Tuy vậy, tỷ lệ này cũng có nghĩa là đa phần các sản phẩm có Ceramide trên thị trường đều chỉ để Ceramide vào để marketing chứ không có lợi ích nào đáng kể trong việc cải thiện hàng rào bảo vệ da [O3].

 

Một số sản phẩm phổ biến sử dụng SK-Influx:

 

Cerave: tác giả [O3] nhận xét rằng hầu hết các bảng thành phần trong các sản phẩm của Cerave đều gợi ý rằng họ sử dụng SK-Influx ở nồng độ 1% trở xuống, có nghĩa là nồng độ Ceramide là khoảng 0,015%. Có thể tác giả suy đoán từ nồng độ của các chất đứng gần Ceramide trong sản phẩm, có thể là Cetyl Alcohol – thành phần thường được dùng ở mức 0,1 – 1% và 1% – 5% [16]. Tác giả [03] không nói cụ thể cách dự đoán nồng độ, tuy nhiên như mình vừa đề cập thì một số thông tin có thể giúp dự đoán như: dựa vào nồng độ tối da của các chất đứng trước Ceramide hoặc dựa vào vị trí của thành phần trong nhãn (ít chính xác hơn). Ví dụ nếu trong sản phẩm có Phenoxyethanol – một chất bảo quản thường dùng tối đa ở mức nồng độ 1% thì các bạn có thể suy luận các thành phần nằm sau nó sẽ có nồng độ thấp hơn 1%.

 

Từ quan sát này, tác giả được ra nhận xét một số sản phẩm của Drunk Elephant (Lala Retro Whipped Cream with Ceramides, C-Tango Eye Cream) cũng sử dụng SK-Influx ở nồng độ 1% hoặc nhỏ hơn.

 

Tương tự, hầu hết các sản phẩm Paula’s choice (các sản phẩm có chứa Ceramide như kem dưỡng hay serum) cũng sử dụng SK-Influx ở mức nồng độ 1% hoặc nhỏ hơn.

 

Một sản phẩm mà mình khá yêu thích là Stratia Liquid gold cũng được đánh giá. Sản phẩm này thường được marketing là có tỷ lệ 3:1:1 thần thánh, và thực tế thì SK-Influx thì lại không đạt được tỷ lệ này. Tuy vậy, với sự đóng góp của một số thành viên trong Reddit thì nồng độ của SK-Influx trong Stratia liquid gold là 10%, tạo nên khoảng 0,15% ceramide trong sản phẩm. Mặc dù không nhiều nhưng nồng độ này cũng đã gấp 10 lần một số sản phẩm khác.

 

Một số sản phẩm khác

 

Một sản phẩm có Ceramide nhân tạo ứng dụng công nghệ encapsulate ceramide là Ceramide Ato Concentrate Cream của Illiyoon. Sản phẩm này nổi tiếng với khả năng dưỡng ẩm và phục hồi hàng rào bảo vệ da bằng Ceramide. Ceramide của hãng đều dùng công nghệ sản xuất độc quyền của AmorePacific (thành phần Hydroxypropyl Bispalmitamide MEA trong sản phẩm – được nghiên cứu là có cải thiện tình trạng viêm da tạng dị ứng ở nghiên cứu [19]). Công nghệ này được biết đến là chứa ceramide trong các viên nhỏ (encapsulate ceramide), khi xoa kem thì sẽ tan vào da giúp thấm sâu và hoạt động tốt hơn (tuy vậy, chưa có nghiên cứu có thể kiểm chứng được).

 

Một trong những sản phẩm ngoại lệ có nồng độ Ceramide khá cao đó là Skinceuticals Triple Lipid Restore moisturizer, chứa 2% ceramide (1 và 3), 4% cholesterol và 2% acid béo tự do với tỷ lệ mol là 1:4:3, tuy không quá hoàn hảo nhưng cũng rất tốt so với các sản phẩm khác. Tuy vậy, sản phẩm này cũng có một số nhược điểm là giá quá cao, và mặc dù nồng độ lipid cao nhưng thực tế cũng không cần thiết lắm (8% so với khoảng 1% theo các nghiên cứu). Bên cạnh đó, sản phẩm cũng chứa một số hương liệu nên cũng có khả năng gây kích ứng da.

 

Ngoài ra, một sản phẩm khác là THE INKEY LIST Ceramide Night Treatment. Theo nhà sản xuất thì sản phẩm có chứa 3% ceramide (chủ yếu là NP, sau đó là AP và ít nhất, cuối bảng thành phần là EOP). Ngoài ceramide, sản phẩm cũng chứa Cholesterol giúp tăng cường khả năng phục hồi màng bảo vệ da. Dù vậy, tỷ lệ giữa Ceramide và Cholesterol không được tiết lộ.

 

 

=> Tóm lại, Ceramide đóng vai trò khá quan trọng trong da, nhưng vì nghiên cứu hiện tại chưa có dữ liệu rõ ràng về nồng độ, tỷ lệ và cách mix các loại Ceramide tối ưu nhất (các nghiên cứu lâm sàng) cộng với một số giới hạn của Ceramide như kích thước phân tử lớn (mặc dù có thể dùng công nghệ bọc Liposome, tuy nhiên cũng cần nghiên cứu liệu Ceramide phân mảnh có gây hại gì cho da không – có thể tham khảo trường hợp của Hyaluronic acid), sự đa dạng và khác biệt về tính chất của Ceramide. Do đó, nếu sản phẩm dưỡng da bạn đang sử dụng đã đáp ứng được nhu cầu của da bạn, không nên chi thêm tiền để bổ sung các sản phẩm gắn mác có Ceramide nhé bạn. Còn nếu bạn chưa tìm được kem dưỡng tốt và muốn tìm kem dưỡng có ceramide thử nghiệm, có thể thử qua các sản phẩm Ceramide đã được liệt kê ở phía trên nhé!

 

—————————

 

A. Research study

1. Bouwstra, J. A., Dubbelaar, F. E. R., Gooris, G. S., Weerheim, A. M., & Ponec, M. (1999). The role of ceramide composition in the lipid organisation of the skin barrier. Biochimica et Biophysica Acta (BBA)-Biomembranes, 1419(2), 127-136.
2. Mao-Qiang, M., Feingold, K. R., Thornfeldt, C. R., & Elias, P. M. (1996). Optimization of physiological lipid mixtures for barrier repair. Journal of Investigative Dermatology, 106(5), 1096-1101.
3. Janssens, M., van Smeden, J., Gooris, G. S., Bras, W., Portale, G., Caspers, P. J., … & Lavrijsen, A. P. (2012). Increase in short-chain ceramides correlates with an altered lipid organization and decreased barrier function in atopic eczema patients. Journal of lipid research, 53(12), 2755-2766.
4. Obeid, L. M., Linardic, C. M., Karolak, L. A., & Hannun, Y. A. (1993). Programmed cell death induced by ceramide. Science, 259(5102), 1769-1771.
5. Mathias, S., PEÑA, L. A., & KOLESNICK, R. N. (1998). Signal transduction of stress via ceramide. Biochemical Journal, 335(3), 465-480.
6. Kolesnick, R. N., & Krönke, M. (1998). Regulation of ceramide production and apoptosis. Annual review of physiology, 60(1), 643-665.
7. Levy, M., & Futerman, A. H. (2010). Mammalian ceramide synthases. IUBMB life, 62(5), 347-356.
8. Uchida, Y. (2014). Ceramide signaling in mammalian epidermis. Biochimica et Biophysica Acta (BBA)-Molecular and Cell Biology of Lipids, 1841(3), 453-462.
9. Moore, D. J., & Rawlings, A. V. (2017). The chemistry, function and (patho) physiology of stratum corneum barrier ceramides. International journal of cosmetic science, 39(4), 366-372.
10. Persikov, A. V., Pillitteri, R. J., Amin, P., Xu, K., Nowak, I., Kirchner, M., … & Martin, S. (2010). Changes in the ceramide profile of atopic dermatitis patients. J Invest Dermatol, 130, 2511-4
11. Hon, K. L., Leung, A. K., & Barankin, B. (2013). Barrier repair therapy in atopic dermatitis: an overview. American journal of clinical dermatology, 14(5), 389-399.
12. Koppes, S. A., Charles, F., Lammers, L. A., Frings-Dresen, M., Kezic, S., & Ruste-Meyer, T. (2016). Efficacy of a cream containing ceramides and magnesium in the treatment of mild to moderate atopic dermatitis: a randomized, double-blind, emollient-and hydrocortisone-controlled trial. Acta dermato-venereologica, 96(7), 948-953.
13. Školová, B., Janůšová, B., Zbytovská, J., Gooris, G., Bouwstra, J., Slepička, P., … & Vávrová, K. (2013). Ceramides in the skin lipid membranes: length matters. Langmuir, 29(50), 15624-15633.
14. Mao-Qiang, M., Brown, B. E., Wu-Pong, S., Feingold, K. R., & Elias, P. M. (1995). Exogenous nonphysiologic vs physiologic lipids: divergent mechanisms for correction of permeability barrier dysfunction. Archives of Dermatology, 131(7), 809-816.
15. Elias, P. M., Wakefield, J. S., & Man, M. Q. (2019). Moisturizers versus current and next-generation barrier repair therapy for the management of atopic dermatitis. Skin Pharmacology and Physiology, 32(1), 1-7.
16. Elder, R. L. (1988). Final report on the safety assessment of cetearyl alcohol, cetyl alcohol, isostearyl alcohol, myristyl alcohol, and behenyl alcohol. J Am Coll Toxicol, 7(3), 359-413.
17. Grether-Beck, S., Felsner, I., Brenden, H., Kohne, Z., Majora, M., Marini, A., … & Elias, P. M. (2012). Urea uptake enhances barrier function and antimicrobial defense in humans by regulating epidermal gene expression. Journal of Investigative Dermatology, 132(6), 1561-1572.
18. Rawlings, A. V., Davies, A., Carlomusto, M., Pillai, S., Zhang, K., Kosturko, R., … & Chandar, P. (1996). Effect of lactic acid isomers on keratinocyte ceramide synthesis, stratum corneum lipid levels and stratum corneum barrier function. Archives of dermatological research, 288(7), 383-390.
19. Koh, M. J. A., Giam, Y. C., Liew, H. M., Foong, A. Y. W., Chong, J. H., Wong, S. M. Y., … & Cork, M. J. (2017). Comparison of the Simple Patient-Centric Atopic Dermatitis Scoring System PEST with SCORAD in young children using a ceramide dominant therapeutic moisturizer. Dermatology and therapy, 7(3), 383-393.
20. Tanno, O., Ota, Y., Kitamura, N., Katsube, T., & Inoue, S. (2000). Nicotinamide increases biosynthesis of ceramides as well as other stratum corneum lipids to improve the epidermal permeability barrier. British Journal of Dermatology, 143(3), 524-531

 

B. Website/ others:

[O1] Dr. Dray: https://www.youtube.com/watch?v=6AYDxGSwijw
[O2] Dr. Sam: https://www.youtube.com/watch?v=iOHL7Lvy-pI
[O3] https://www.reddit.com/r/AsianBeauty/comments/cer0yc/psa_research_why_most_ceramide_products_are_a/
[O4] https://personal-care.evonik.com/product/personal-care/downloads/downloads/sk-influx.pdf

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *