
Ngoài các loại mụn đầu trắng, đầu đen hay mụn chai, mụn bọc thì một loại mụn cũng khiến chúng ta đau đầu mỗi khi nhắc đến là mụn thịt! Mặc dù không quá mất thẩm mỹ nhưng chúng mọc rất dai dẳng và cũng khiến chúng ta mất tự tin phần nào. Do đó, cùng tìm hiểu với mình xem cách trị loại mụn này như thế nào nhé!


Mụn thịt/ Hạt kê (Milia) là những u nang nhỏ, màu trắng, lành tính, dày sừng bên ngoài (thường dưới 3mm). Mặc dù mụn thịt nguyên phát lành tính thường gặp trong lâm sàng, nhưng nó cũng có thể xuất hiện trong nhiều bệnh lý khác hay một số trường hợp hiếm gặp khác. Nó có thể phát sinh một cách tự phát (Primary milia – mụn thịt nguyên phát) hoặc phát sinh thứ phát sau nhiều quá trnhf khác nhau (Secondary milia – mụn thịt thứ phát) và có thể xuất hiện riêng lẻ hoặc kết hợp với các biểu hiện lâm sàng khác. [1]

Một vài nghiên cứu đã điều tra nguồn gốc của mụn thịt. Nói chung, mụn thịt nguyên phát được cho là bắt nguồn từ phần cổ tuyến bã nhờn của lông Vellus, trong khi mụn thịt thứ phát được cho là bắt nguồn từ tuyến mồ hôi ecrin (tuyến eccrine có mặt ở khắp nơi, thường tiết ra mồ hôi chứa chủ yếu là nước. Mục đích của chúng là làm mát cơ thể khi bạn tiếp xúc với nhiệt độ cao hoặc tập thể dục) hơn là từ lớp biểu bì xếp chồng lên nhau, do nang lông hay tuyến bã nhờn [1]

Milia được chia thành hai loại chính: Milia nguyên phát (Primary milia) và Milia thứ phát (Secondary milia), mỗi loại được chia thành nhiều thể khác nhau [1,O1]
Bảng 1: Phân loại Milia [1]

Milia nguyên phát gồm nhiều thể và được liệt kê dưới đây theo tài liệu [1, O1]:
Bảng 1: Phân loại Milia [1]
1) Milia bẩm sinh
Mụn thịt bẩm sinh xảy ra ở 40% đến 50% trẻ sơ sinh và thường nổi ở mặt (đặc biệt là ở mũi), da đầu, mặt trên của thân và các chi trên (tay) và không có sự khác biệt về chủng tộc hoặc giới tính đáng kể. Mụn thịt bẩm sinh biểu hiện với một vài hoặc nhiều tổn thương dưới dạng các u nang nhỏ và có xu hướng tự khỏi trong vòng vài tuần đến vài tháng.
Milia có thể ít phổ biến hơn và khởi phát chậm hơn ở trẻ sinh non. Một bệnh lý khá giống mụn thịt là tăng sản xuất bã nhờn, xuất hiện dưới dạng các nốt sần màu vàng trắng hình thành từng nhóm với hình dạng giống như nang xung quanh mũi và môi trên. Mặc dù hiếm xảy ra, để xác định chính xác liệu nó là mụn thịt hay tăng sản xuất bã nhờn, thường cần rạch và hút sạch các chất sừng điển hình của mụn thịt để có thể xác nhận chẩn đoán [1]
Hình 1: Ví dụ Milia bẩm sinh [1]
Có nhiều loại U nang bao hàm bẩm sinh – là mụn thịt nhưng nổi ở vùng miệng. Các thuật ngữ khác cũng được sử dụng để chỉ các nốt mụn thịt này, mặc dù không phổ biến, là ‘Epstein pearls,’’ ‘‘Bohn nodules,’’ và ‘‘gingival (dental lamina) cysts. U nang bao hàm ở trẻ sơ sinh xuất hiện với kích thước nhỏ hơn hoặc bằng 3mm, là các sẩn cứng, trắng hoặc mờ. Chúng rất phổ biến (xuất hiện ở 50-85% trẻ sơ sinh). Giống như mụn thịt bẩm sinh, u nang ở miệng tự khỏi trong vòng vài tuần đến vài tháng và có thể phổ biến hơn ở trẻ sơ sinh đủ tháng [1]
3) Mụn thịt nguyên phát lành tính ở trẻ em và người lớn
Mụn thịt nguyên phát lành tính của trẻ em và người lớn là một thể mụn thịt rất thường gặp trên lâm sàng. Giống như mụn thịt bẩm sinh, mụn thịt nguyên phát lành tính ở trẻ em và người lớn xảy ra một cách tự phát. Tuy nhiên, không giống như mụn thịt bẩm sinh, chúng thường xuất hiện ở vùng má và mí mắt, cùng với trán và cơ quan sinh dục. Mụn thịt nguyên phát lành tính của trẻ em và người lớn có xu hướng dai dẳng hơn các tổn thương mụn thịt bẩm sinh. Mặc dù mụn thịt nguyên phát lành tính ở trẻ em và người lớn thường xuất hiện trên má và mí mắt, có một số báo cáo về mụn thịt nguyên phát lành tính ở các vị trí bất thường, bao gồm nếp nhăn mũi, âm hộ và quầng vú [1]
4) Milia en plaque (Milia theo mảng)
Milia en plaque (MEP) là một rối loạn hiếm gặp, đặc trưng bởi các mảng ban đỏ chứa nhiều mụn thịt. Các tổn thương thường có đường kính vài cm và nằm ở trên đầu và cổ, đặc biệt là quanh miệng. Chúng cũng có thể ở hốc mắt, trên sống mũi hoạc ở dưới thân. Mặc dù có thể xuất hiện ở nhiều nhóm tuổi khác nhau nhưng nó dường như phổ biến hơn ở người lớn tuổi trung niên giới tính nữ. MEP không có triệu chứng. MEP có thể liên quan đến bệnh hiếm gặp có tên là pseudoxanthoma elasticum, bệnh lupus ban đỏ dạng đĩa (discoid lupus erythematosus), lichen phẳng (lichen planus), chấn thương hoặc ghép thận, và cũng có thể phát sinh ở những người khỏe mạnh. Liệu pháp nặn mụn thịt, thoa retinoids, dùng minocycline, liệu pháp áp lạnh điện cực, mài da, laser CO2, liệu pháp quang động và cắt bỏ có thể là các lựa chọn điều trị có thể chọn. MEP đôi khi cũng tự khỏi
Loại tổn thương này được mô tả trong một case study. Một bé gái 18 tháng tuổi khỏe mạnh có một nốt to ở mắt cá chân phải trong 3 tháng. Cô ấy có một nốt sần 9x7mm với nhiều nốt sần nhỏ bên trong mà khi được chứng minh về mặt mô học thì đó là nhiều u nang sừng được lót bên dưới bởi biểu mô vẩy để kết hợp nó thành nhóm. Không có tái phát sau 4 tháng cắt bỏ nó. Các nhà nghiên cứu xem tổn thương này như một dạng nhẹ của u nang biểu bì tăng sinh nhưng nhỏ hơn và không có vôi hóa, hoại tử hoặc rối loạn sừng hóa [1]
6) Nhiều mụn thịt khởi phát một lúc (Multiple eruptive milia)
Việc chẩn đoán multiple eruptive milia (MEM) được áp dụng cho các tổn thương xảy ra tự phát với số lượng quá lớn để được phân loại là mụn thịt nguyên phát lành tính đơn giản ở trẻ em và người lớn. Bạn có thể xem hình bên dưới
Ảnh 2: Minh họa Multiple eruptive milia [1]
Thể này cũng được báo cáo thông qua một case report: một cậu bé 3 tháng tuổi khỏe mạnh bị các dát và mảng mất sắc tố lan rộng với nhiều sẩn nhỏ màu trắng chỉ nổi trong các vùng mất sắc tố trong 2 tháng. Về mặt mô học, các nhà nghiên cứu xác định được một u nang biểu bì nhỏ ở lớp bì nhú (papillary dermis) và giảm sắc tố ở lớp đáy với giảm sắc tố melanin nhưng số lượng tế bào hắc tố bình thường [1]
8) Milia liên quan đến bệnh da di truyền (Genodermatoses with Milia)
Milia có thể là đặc điểm chính hoặc phụ của nhiều bệnh da di truyền, ví dụ Basal cell nevus syndrome, Pachyonychia congenita type 2,Bazex-Dupre-Christol syndrome,Rombo syndrome ,Brooke-Spiegler syndrome,.. (chi tiết hơn trong bảng) [1,O1]
Bảng 2: Các bệnh da di truyền có liên quan đến Milia [1]

Milia thứ phát chia làm 3 thể chính: Milia liên quan tới chấn thương bề mặt; Milia do thuốc và Milia liên quan với 1 số bệnh da [O1]
Milia thứ phát (mụn thịt thứ phát) đại diện cho một dạng milia nổi trong một vùng nhất định, có thể là liên quan đến một bệnh nào đó, do thuốc hoặc do chấn thương (3 thể đã liệt kê ở trên). Mụn thịt thứ phát có thể tự khỏi nhưng có xu hướng kéo dài dai dẳng. Postbullous milia (đặc biệt là subepidermal milia – mụn thịt dưới biểu bì) là loại bệnh điển hình của thể này cũng như porphyria cutanea tarda. Những bệnh khác cũng được báo cáo có liên quan đến milia thứ phát bao gồm bullous pemphigoid, herpes zoster, viêm da tiếp xúc, lupus ban đỏ, triệu chứng Sweet (Sweet syndrome), giang mai bẩm sinh sớm, lichen sclerosus, hội chứng Stevens-Johnson, hội chứng da có vảy do tụ cầu…. Thuốc có liên quan đến mụn thịt thứ phát bao gồm benoxaprofen, steroid dạng bôi, fluorouracil, cyclosporine [1] và đôi khi là Corticosteroids [4].
Mụn thịt phát triển sau khi điều trị bằng acitretin hoặc nitrogen mustard ở bệnh nhân với mycosis fungoides có thể là kết quả của quá trình bệnh tiềm ẩn hơn là do dùng thuốc. Các vết trầy xước do chấn thương ở trẻ em là nguyên nhân phổ biến gây ra mụn thịt thứ phát. Những chấn thương khác có thể gây ra mụn thịt thứ phát bao gồm: bỏng cấp độ hai, mài da (dermabrasion), xạ trị, chemical peel, ghép da hoặc liệu pháp laser xâm lấn. [1]

Các u nang giống như Milia có thể được thấy trong một số tổn thương sắc tố, đặc biệt là dày sừng tiết bã và u hắc tố bẩm sinh. Trong u hắc tố bẩm sinh, các u nang giống như mụn thịt thường gặp hơn ở trẻ sơ sinh và tự khỏi theo thời gian. Các báo cáo gần đây đã nêu ra một số bệnh giống mụn thịt nhưng hiếm gặp hơn. Một dạng biến thể hiếm gặp của calcinosis cutis (lắng đọng calci ở da) là calcinosis cutis tự phát giống mụn thịt (milia-like idiopathic calcinosis cutis. Bệnh nhân thường là trẻ em có hội chứng Down và có 1 hoặc nhiều tổn thương dạng u.
Ngoài ra, một số bệnh khác cũng có thể giống như Scrotal calcinosis, noncalcified syringomas, multiple eruptive pilomatricomas, cutaneous follicular T-cell lymphoma, multiple miliary facial osteomas, congenital desmoplastic trichoepithelioma, exogenous ochronosis (chứng da xám nâu), miliaria, quá sản tuyến bã, u ống tuyến mồ hôi, u mềm lây [1, O1].
Các bạn có thể xem qua một số bệnh nhìn giống Milia:

Ảnh 3. Miliaria ở trẻ sơ sinh.(Ảnh sưu tầm) Sẩn màu đỏ hồng, trên có mụn nước nhỏ, đôi khi có mụn mủ trắng xen lẫn ở vùng da bài tiết nhiều mồ hôi như ngực, lưng, trán…bệnh nhân ngứa nhiều. Nguyên nhân do tắc nghẽn ống tuyến mồ hôi. [O1]

Ảnh 4. Quá sản tuyến bã.(Ảnh sưu tầm). Một hoặc nhiều sẩn nhỏ, mềm, màu vàng, trung tâm lõm giữa, tương ứng với lỗ chân lông hay gặp ở mặt. Bệnh thường gặp ở lứa tuổi trung niên. [O1]

Ảnh 5. U ống tuyến mồ hôi. (Ảnh sưu tầm). Tổn thương là các sẩn nhỏ, chắc,nhẵn,màu da,đối xứng, thường ở mắt,mí dưới,gò má,.. [O1]

Ảnh 6. U mềm lây.( ảnh sưu tầm) Sẩn tròn , 2-6 mm ,chắc, bề mặt nhẵn, lõm giữa, nguyên nhân do Pox virut, bệnh có thể lây lan.Trẻ em thường gặp ở mặt, tay, chân và thân mình.Người lớn thường liên quan đến vùng sinh dục. [O1]

Thông thường một số dạng Milia sẽ tự khỏi [1,O1,O4,O5], tuy nhiên cũng có một số phương pháp điều trị có thể hỗ trợ như liệt kê dưới đây:

Nên giữ da sạch sẽ và tẩy tế bào chết [O1]. Bên cạnh đó, có thể kết hợp thêm các hoạt chất:
+ Liệu pháp dạng bôi có thể hiệu quả như Retinoids, cụ thể là Tretinoin [1,7]. Retinoids cũng có tác dụng ngăn ngừa Milia sau các thủ thuật như lazer, mài mòn da [O1].
+ AHA [O4] hoặc peel BHA (trường hợp milia chỉ trên bề mặt da) [O5] cũng được xem là có hiệu quả, theo bác sĩ Dr. Sam Bunting và Dr. Dray.
+ Đối với tổn thương lan rộng, có thể sử dụng Retinoids đường bôi, peel da hoặc laser [O1]
+ Hạn chế sử dụng các mỹ phẩm có khả năng gây mụn hoặc nước tẩy trang vừa có nước vừa có dầu (Biphasic makeup remover) [O4]
Tuy nhiên các liệu pháp này thường không có số liệu chứng thực cao, ngoại trừ Retinoids. Ngay cả với Retinoids thì vẫn có trường hợp đáp ứng tốt hoặc không đáp ứng. Cụ thể là, theo báo cáo từ [3], tretinoin dạng bôi được sử dụng trong 3 tháng có tác dụng trong một số nghiên cứu, và cũng không có tác dụng trong một số nghiên cứu khác.
Còn đối với liệu pháp peel da thì có thể hỗ trợ phần nào, nhưng đừng quên Peel cũng có thể gây ra milia thứ phát, do đó một số bác sĩ da liễu cũng e ngại khi sử dụng peel [1]
Minocycline 100mg/ngày trong 2-3 tháng cũng đã được xem là thành công trong 2 trường hợp trị Milia en plaque có biểu hiện lâm sàng giống như Rosacea (chứng đỏ da). Nói chung, những người đáp ứng với việc nặn hoặc dùng tretinoin dạng bôi thường cho các ca milia ở trên bề mặt da, và việc sử dụng minocycline thì lại được khuyên dùng trong trường hợp viêm nhiễm dày đặc ở lớp trung bì [3], ví dụ như Milia en plaque [O1]

Nặn Milia được xem là liệu pháp hiệu quả nhất khi điều trị Milia [1] và liệu pháp này có thể thực hiện đơn giản và ít để lại sẹo nếu bạn thực hiện với một bác sĩ da liễu có chuyên môn, trong khi đó tự nặn có thể để lại một số biến chứng như sẹo [O4, O5]. Do đó nếu milia dai dẳng bạn nên tìm đến các bệnh viện lớn để bác sĩ nặn các mụn hạt kê này ra nhé, bác sĩ có tay nghề cao sẽ xử lý nhanh và không để lại sẹo nè và hiệu quả hơn là sử dụng mỹ phẩm tại nhà.
Các bạn có thể xem qua ví dụ nặn milia trong các video sau:
– https://www.youtube.com/watch?v=yQH6hQXUa-Q&t=447s
– https://www.youtube.com/watch?v=6qgS5fVAMpw
– https://www.youtube.com/watch?v=B1x5EYSC9rE
Bác sĩ có thể dùng 1 kim vô khuẩn, hay lưỡi dao mổ hay cây nạo và cây nặn mụn [O1]; hoặc kết hợp với các thiết bị khác như thiết bị đốt bằng sóng vô tuyến rồi sau đó mới nặn như trong [O2]. Bác sĩ thực hiện trong [O2] nói là ông cũng thường nặn bằng kim và cây nặn mụn, tuy nhiên sau khi đâm kim vào milia để tạo lỗ nhỏ để sau đó nặn milia đi thì ông phải dùng nhiều lực để nặn hơn, trong khi nếu như đốt bằng sóng vô tuyến trước rồi nặn thì sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều cũng như không để lại sẹo [O2]. Bác sĩ Dr.Sandra Lee cho rằng Milia vùng mắt rất khó nặn ở nhà bởi vì phải đâm thủng bề mặt nó trước và phải biết vị trí dùng lực để dễ dàng nặn ra [O3].

Đối với Milia en plage thì có một số phương pháp điều trị được gợi ý sau đây: chemical peel, nặn tay hoặc liệu pháp quang động. Các phương pháp ddieuf trị này được xem là có thể hỗ trợ phần nào [3].
Liệu pháp điều trị bằng CO2 laser cũng được xem là có hiệu quả, theo nghiên cứu [5] với kết quả là ít để lại sẹo và ko tái lại sau 2 tháng tái khám, và kết quả tương tự cũng được thấy trong nghiên cứu [6]. Và CO2 laser cũng được xem là một liệu pháp chữa trị trẻ em hoặc người lớn có nhiều tổn thương milia hoặc milia en plaque với hiệu quả tốt và ít tác dụng phụ

– Milia thông thường là lành tính và có thể tự lặn, tuy nhiên nếu kéo dài trong thời gian dài và bệnh phát triển nặng hơn thì nên đi khám, bởi vì có nhiều loại milia khác nhau với phương pháp điều trị có thể khác nhau; ngoài ra milia cũng có thể dễ bị nhầm lẫn với một số bệnh khác. Do đó, nên đi khám bác sĩ để bác sĩ xác định liệu có phải nó là milia hay không. Nếu đúng là milia thì bác sĩ có thể nặn nó ra một cách an toàn và ít để lại sẹo.
– Nếu không có điều kiện đi khám da liễu sớm, có thể sử dụng các sản phẩm dạng bôi để hỗ trợ như Retinoids, AHA, BHA, tuy nhiên chỉ nên áp dụng cho các milia không phải ở vùng mắt vì dễ gây kích ứng, đặc biệt là Retinoids. Trong tường hợp milia nổi ở vùng mắt, nên đi thăm khám bác sĩ da liễu.


A) Research
[1] Berk, D. R., & Bayliss, S. J. (2008). Milia: a review and classification. Journal of the American Academy of Dermatology, 59(6), 1050-1063.
[2] Nambudiri, V. E., Habib, N., Arndt, K. A., & Kane, K. S. (2014). Milia en plaque of the nose: report of a case and successful treatment with topical tretinoin. Pediatrics, 133(5), e1373-e1376.
[3] Stefanidou, M. P., Panayotides, J. G., & Tosca, A. D. (2002). Milia en plaque: a case report and review of the literature. Dermatologic surgery, 28(3), 291-295.
[4] Tsuji, T., Kadoya, A., Tanaka, R., Kono, T., & Hamada, T. (1986). Milia induced by corticosteroids. Archives of dermatology, 122(2), 139-140.
[5] Sandhu, K., Gupta, S., & Handa, S. (2003). CO2 laser therapy for milia en plaque. Journal of dermatological treatment, 14(4), 253-255.
[6] Pozo, J. D., Castiñeiras, I., & Fernández-Jorge, B. (2010). Variants of milia successfully treated with CO2 laser vaporization. Journal of Cosmetic and Laser Therapy, 12(4), 191-194.
[7] Hinen, H. B., Gathings, R. M., Shuler, M., & Wine Lee, L. (2018). Successful treatment of facial milia in an infant with orofaciodigital syndrome type 1. Pediatric dermatology, 35(1), e88-e89.
B) Others
[O1] https://dalieu.vn/benh-hat-ke-milia/
[O2] https://www.youtube.com/watch?v=yQH6hQXUa-Q&t=447s
[[O3] https://www.youtube.com/watch?v=6qgS5fVAMpw
[O4] https://www.youtube.com/watch?v=QsBzWmZUHgk&t=59s
[O5] https://www.youtube.com/watch?v=9MMSBKNmMf0&t=125s