Review thành phần

Các sản phẩm LÀM TRẮNG DA chứa KOJIC ACID có thật sự hoạt động ?

Tác giả: Lê Phước Thành Đạt

  1. Khái niệm
    1. Khái niệm và nguồn gốc
    2. Công dụng tổng quát

 

  1. Tính chất
    1. Làm sáng da
    2. Chống Oxy hóa, kháng viêm và kháng khuẩn
    3. Khả năng thâm nhập vào da
    4. Độ an toàn

 

  1. Vì sao Kojic acid không phổ biến?
    1. Vấn đề an toàn, hiệu quả
    2. Dẫn xuất của KA

 

  1. Nhận xét
  2. Reference

 

 

Rối loạn sắc tố, đặc biệt là nám da, là một vấn đề được đông đảo các chị em quan tâm. Thế nhưng các chị em có biết một hoạt chất được sản sinh từ nấm cũng như quá trình lên men rượu Sake có thể giúp trị nám hay không? Hãy cùng chúng mình tìm hiểu về Kojic acid – thành phần sáng da có chiết xuất từ rượu Sake nhé!

 

 

h1|Khái niệm

 

h2|Khái niệm và nguồn gốc

 

Kojic acid (KA) được phát hiện tại Nhật Bản vào năm 1907 bởi một người tên là Saito, người đã phân lập được hợp chất “mới” đó từ sợi nấm của nấm Aspergillus oryzae được trồng trên cơm hấp (“koji” trong tiếng Nhật), và tên Kojic acid được Yabuta đặt cho hợp chất hữu cơ đó vào năm 1913 [5]

 

Kojic acid (KA) là một acid hữu cơ, được sản xuất sinh học bởi các loại nấm khác nhau trong quá trình lên men hiếu khí bằng cách sử dụng các chất nền khác nhau [2]. Nó là một sản phẩm hóa học thu được từ nhiều loại nấm khác nhau như A. flavus, A. oryzae, A. tamarii và A. parasiticus. Nó cũng được tạo ra từ quá trình lên men của một số thực phẩm có nguồn gốc châu Á (ví dụ như nước tương và rượu gạo, rượu Sake), mà quá trình này hoạt động như một chất mồi cho nấm hoặc chất cấy. Kojic Acid lần đầu tiên được bán trên thị trường vào năm 1955. The Charles Pfizer and Company ở Mỹ là công ty đầu tiên cố gắng tạo ra thành phần này. Trong những năm gần đây, các công ty sản xuất Kojic acid bao gồm hai công ty ở Trung Quốc và ba công ty ở Nhật Bản, Thụy Sĩ và Hoa Kỳ. Sự phát triển nhanh chóng của các ngành công nghiệp và việc khám phá ra các ứng dụng tiềm năng của Kojic acid và các dẫn xuất của nó, đã tạo ra nhu cầu lớn cho thành phần này [1]. Các vấn đề liên quan đến lên men và sản xuất Kojic acid khá dài và không cần thiết nên mình không đề cập, nếu muốn tham khảo bạn có thể tham khảo tại bài [2]

 

Tên gọi Kojic acid (ban đầu được gọi là Koji acid) có nguồn gốc từ “Koji”, một loại nấm hoặc chất cấy (inoculum) được sử dụng trong quá trình lên men thực phẩm (chủ yếu là các thực phẩm ở Châu Á) trong nhiều thế kỷ. Cấu trúc hóa học của nó sau đó đã được nghiên cứu rộng rãi và được xác định là 5-hydroxy-2-hydroxymethylγ-pyrone bởi Yabuta vào năm 1924 [2]. Sự quan tâm đến Kojic acid đang tăng lên rất nhiều với sự hiện diện ngày càng nhiều trong các ngành liên quan đến các ứng dụng của nó, đặc biệt là trong ngành mỹ phẩm. [2]

 

Cấu trúc hóa học của nó được xác định là 5-hydroxy-2-hydroxymethyl-γpyron [1,2]. Kojic acid hòa tan trong nước, etanol và etyl axetat. Ngược lại, nó ít tan hơn trong ether, alcohol ether mixture, chloroform và pyridine [2].

 

Hình 1. Cấu trúc hóa học của Kojic acid

 

 

h2|Công dụng tổng quát

 

 

Hình 2. Công dụng của Kojic acid và các dẫn xuất của nó trong nhiều lĩnh vực [1]

 

Kojic acid (KA) nổi tiếng với ứng dụng rộng trong các ngành công nghiệp khác nhau như thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, nông nghiệp, môi trường. Nó có mặt tự nhiên trong thức ăn truyền thống của các quốc gia Châu Á [1].

 

Lợi ích nổi bật nhất của Kojic acid được tìm thấy trong ngành mỹ phẩm và chăm sóc sức khỏe. Nó chủ yếu có chức năng là nguyên liệu để sản xuất kem làm trắng da, kem bảo vệ da, xà phòng làm trắng và các sản phẩm chăm sóc răng. Nó thường được sử dụng kết hợp với AHA trong các sản phẩm làm trắng da để kiểm soát các đốm tàn nhang và đồi mồi [2]

 

Ngoài ra, Kojic acid cũng có tác dụng anti-speck (chống lại các đốm nhỏ). Nó có thể được sử dụng để ngăn chặn sự hình thành màu nâu (đốm) trong quá trình bảo quản và chế biến mì sống (chưa nấu chín). Bên cạnh đó, nó cũng có tác dụng ức chế polyphenol oxidase trong nấm, táo, khoai tây và động vật giáp xác bao gồm white shrimps, grass prawns và Florida spiny lobsters. Tác dụng ức chế của Kojic acid đối với polyphenol oxidase có liên quan đến việc ức chế melanosis bằng cách can thiệp vào việc hấp thụ oxy cần thiết cho quá trình hóa nâu của enzym và giảm o-quinon thành diphenol để ngăn chặn sự hình thành của sắc tố cuối cùng (melanin) hoặc sự kết hợp của các quá trình trên [2]. Bên cạnh đó, Kojic acid cũng có đặc tính kháng khuẩn, kháng nấm và kháng côn trùng [1].

 

Một số công dụng của Kojic acid trong mỹ phẩm bạn có thể xem ở ảnh dưới:

 

 

Hình 3. Công dụng của Acid Kojic trong mỹ phẩm (Ngăn ngừa hình thành melanin; kháng viêm; bảo vệ trước phóng xạ; làm sáng da; bảo vệ trước tia UV; cải thiện vẻ ngoài của sẹo; cải thiện lão hóa; chống nấm da; chống gốc tự do) [1]

 

*Để xem cụ thể hơn về công dụng của Kojic acid trong các lĩnh vực khác, tham khảo thêm tài liệu [1] và [2] ở mục tài liệu tham khảo nhé

 

h1|Tính chất

Tổng quát thì, KA và các dẫn xuất của nó ngày càng trở nên quan trọng do các hoạt tính sinh học đa dạng, bao gồm kháng khuẩn và kháng vi-rút, kháng u (antitumor), chống đái tháo đường, chống ung thư, chống các đốm nhỏ (anti-speck), chống ký sinh trùng, và đặc tính diệt côn trùng và trừ sâu. Ngoài ra, KA và các dẫn xuất của nó được sử dụng làm chất chống oxy hóa, chống tăng sinh, chống viêm, chất bảo vệ phóng xa và làm sáng da trong các sản phẩm thuốc và mỹ phẩm, do hoạt động ức chế tyrosinase của chúng. Hơn nữa, KA có thể được phát triển như một chất làm nhạy cảm hóa trị (chemo sensitizer) để nâng cao hiệu quả của các loại thuốc chống nấm thương mại hoặc thuốc diệt nấm [1]. Ngoài ra, gần đây hệ thống phân phối chất nano liposomal Kojic Acid được thiết kế để nâng cao hiệu quả hóa trị liệu trong dòng tế bào khối u. [1]

 

h2|Làm sáng da

 

a) Cách thức hoạt động

 

Có hơn 80 gen liên quan đến việc sản xuất và điều hòa sắc tố melanin. Quá trình sinh tổng hợp melanin được kiểm soát bởi các con đường tín hiệu ngoại bào khác nhau, do đó các tín hiệu được truyền đi như một dòng thác. Nguyên bào sợi được báo cáo là có liên quan đến tín hiệu này. Giai đoạn đầu của quá trình sản xuất melanin có thể xảy ra trên da bởi các cơ chế di truyền phức tạp, các yếu tố bên trong và bên ngoài như lão hóa và bức xạ tia cực tím và nó có thể dẫn đến những thay đổi đáng kể trong quá trình tổng hợp melanin nguyên chất [1]

 

Melanin được tổng hợp bởi các tế bào hắc tố (melanocyte) ở lớp dưới cùng của thượng bì. Tế bào hắc tố được phân loại trong loại tế bào đuôi gai chuyên biệt nằm giữa các tế bào sừng biểu bì và chúng đóng vai trò chính sản xuất melanin trong một bào quan gọi là melanosomes, và do đó lây lan sang các tế bào sừng xung quanh. Mỗi tế bào hắc tố melanocyte tiếp xúc với các melanosome trong các giai đoạn khác nhau của tế bào đuôi gai và được phân bố trong nhiều tế bào sừng. Melanins là các polyme phức hợp có nguồn gốc từ tyrosine và các chất trung gian khác. Chúng biến đổi thành eumelanin màu nâu đen và pheomelanin màu đỏ vàng thông qua một quá trình oxy hóa nhiều giai đoạn và các phản ứng phức tạp gây ra sự biến đổi màu sắc ở cơ thể người. Tyrosinase (enzyme quan trọng trong quá trình hình thành melanin) chứa ion đồng ở vị trí hoạt động. Khi tiếp xúc với tia UV, ion đồng “ra lệnh” cho tyrosinase hoạt động mạnh hơn. Kojic acid bắt giữ ion đồng, ngăn cản quá trình nó kích hoạt tyrosinase. Bằng cách ức chế các hoạt động của tyrosinase, KA cũng có thể ngăn chặn việc tạo ra melanin [1]

 

Hình 3. Cơ chế ức chế tyrosinase của KA trong quá trình sinh tổng hợp melanin

 

 

Hình 4. KA ức chế các hoạt động của tyrosinase

 

Melanogenesis (quá trình kích hoạt sắc tố trong da) là một quá trình được kiểm soát bởi tyrosinase và protein liên quan đến tyrosinase – TRP-1 và TRP-2 (tyrosinase related protein). Tyrosinase đóng vai trò trong việc tạo ra melanin bằng cách hydroxyl hóa tyrosine thành dihydroxyphenylalanin (DOPA), tiếp theo là quá trình oxy hóa DOPA thành DOPA Quinone. Do đó, ức chế tyrosinase là một phương pháp phổ biến có thể giúp giảm sắc tố da [1]

 

Sự ức chế sản xuất Eumelanin (nâu đen) thường được coi là cơ chế chính của các tác nhân làm giảm sắc tố. Tế bào hắc tố B16 được nuôi cấy là vật liệu tuyệt vời để xác nhận sự ức chế hình thành hắc tố in vitro (trong môi trường phòng thí nghiệm). Hiệu quả của việc ức chế sự hình thành hắc tố đã được quan sát trong thí nghiệm sau: thêm Kojic Acid vào nước mà cá vàng đen được nuôi. Sau 1–2 tháng, cá vàng đen chuyển sang nâu vàng (Hình 6). Sau đó, con cá vàng được nuôi trong nước không có KA và nó trở lại màu đen ban đầu. Do đó, KA là một thành phần an toàn và hiệu quả đã ức chế sự hình thành hắc tố mà không làm hỏng tế bào cũng như chức năng của nó. Điều này chứng tỏ rằng sự hình thành hắc tố đã bị ức chế [1]

Hình 5. Thí nghiệm KA với cá vàng đen

 

b) Nghiên cứu về hiệu quả làm trắng và các hoạt chất dùng chung

 

Các yếu tố di truyền, bất thường trong nội tiết, chấn thương, ung thư da, sử dụng thuốc tránh thai, mang thai và các loại thuốc ảnh hưởng đến sản xuất melanin, chẳng hạn như chlorpromazine và hydroxychloroquine, là một trong những yếu tố gây tăng sắc tố. Nhiều yếu tố khác cũng có thể góp phần vào sự phát triển của chứng tăng sắc tố. Những yếu tố này có thể rất phức tạp và có thể yêu cầu các giai đoạn điều trị khác nhau. Trong những trường hợp cấp tính hơn, phẫu thuật hoặc liệu pháp laser có thể là giải pháp duy nhất; Tuy nhiên, các vết sạm, nám, đốm và mảng nhỏ màu nâu nhạt trên da do tăng sắc tố sau viêm có thể được điều trị hiệu quả bằng các sản phẩm bôi ngoài da và cũng có thể điều trị bằng mỹ phẩm thông qua việc sử dụng các sản phẩm làm trắng da [1]

 

Một trong những phương pháp điều trị nám da phổ biến hiện nay là điều trị lâu dài bằng các thuốc bôi ngoài da được sử dụng đơn lẻ hoặc kết hợp với nhau. Kojic Acid thường được kết hợp với các chất khác ở nồng độ 1–4% để có đặc tính làm sáng da. Cơ chế tác dụng của nó có thể là do làm giảm sự hình thành melanin trong tế bào hắc tố bằng cách ức chế tyrosinase. Trong một số nghiên cứu, đặc tính ức chế melanin của KA đã được chứng minh trong ống nghiệm. Bên cạnh đó, một số nghiên cứu đề xuất sử dụng KA với các loại thuốc khác trong điều trị nám da, ví dụ như Glycolic acid, Hydroquinone, vitamin C (xem thêm trong bảng 1).

 

*Kojic acid và Glycolic acid

Một nghiên cứu so sánh, tách biệt nửa mặt giữa việc sử dụng gel với Glycolic acid (GA) 5% + HQ 2% so với GA 10% + Kojic acid 2% ở 39 bệnh nhân trong 12 tuần. Tất cả các bệnh nhân đã có một số mức độ cải thiện nhất định. Bệnh nhân bị nám dạng biểu bì phản ứng tốt hơn với điều trị với 28% ở nhóm Kojic acid và 21% ở nhóm hydroquinone, nhưng không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê [9]

 

Theo bác sĩ da liễu Dr.Dray thì khi KA kết hợp với Glycolic acid sẽ có hiệu quả hơn do Glycolic acid giúp tăng cường sự hấp thụ của KA vào trong da [O1].

 

Hình 6. Ví dụ kết hợp sản phẩm có Kojic acid 1% và AHA 8%

 

*Kojic acid và HQ

Nghiên cứu [10] nghiên cứu và so sánh hiệu quả của Kojic acid 1% đơn lẻ và các kết hợp riêng biệt của nó với hydroquinone 2% hoặc betamethasone 0,1% và sự kết hợp của tất cả ba tác nhân này đến thời gian của các triệu chứng và mức độ sắc tố trong liệu pháp trị nám.

 

Tám mươi bệnh nhân được đánh giá khách quan bằng cách tính toán chỉ số mức độ nghiêm trọng của vùng nám (MASI) và ngẫu nhiên (ngẫu nhiên đơn giản) được chia thành bốn nhóm song song (A, B, C và D), mỗi nhóm 20 người được kê đơn một lần mỗi ngày dạng bôi vào ban đêm kéo dài trong 12 tuần và mỗi nhóm sẽ nhận được sản phẩm khác nhau, cụ thể:

 

Group A – kojic acid 1%.

 

Group B – kojic acid 1% và hydroquinone 2% .

 

Group C – kojic acid 1% àv betamethasone valerate 0.1%.

 

Group D – kojic acid 1%, hydroquinone 2%, và betamethasone valerate 0.1% cream.

 

Kết quả cho thấy nhóm B có hiệu quả cao nhất và vượt trội hơn các nhóm khác

 

*Kojic acid, Glycolic và HQ

Nghiên cứu [11] lại xem xét việc bổ sung 2% Kojic acid trong gel chứa 10% GA và 2% HQ để xem Kojic acid có cải thiện tình trạng nám da thêm không.

 

Trong nghiên cứu, 40 phụ nữ Trung Quốc bị nám biểu bì đã được điều trị bằng 2% kojic acid trong một loại gel chứa 10% GA và 2% HQ trên một nửa khuôn mặt trong 12 tuần. Một nửa còn lại chỉ sử dụng GA + HQ. Kết quả cho thấy cả 2 nhóm đều có sự cải thiện về tình trạng nám da, tuy nhiên bên Kojic acid đạt kết quả tốt hơn. Hơn một nửa số vết nám đã khỏi ở 24/40 (60%) bệnh nhân dùng Kojic acid so với 19/40 (47,5%) bệnh nhân dùng gel không có Kojic acid. Các tác dụng phụ bao gồm mẩn đỏ, châm chích và tróc da ở cả 2 bên khuôn mặt và ổn định sau 3 tuần sử dụng.

 

Ngoài ra, theo bảng 1 bên dưới thì KA 2% không có hiệu quả bằng HQ 2%, nhưng KA 4% lại có hiệu quả tốt hơn HQ 2%. Bên cạnh đó, Kojic acid cũng được kết hợp với vitamin C để so sánh với HQ, tuy nhiên trong nghiên cứu đó không cho thấy được sự vượt trội của Kojic acid + Vitamin C khi so sánh với HQ.

 

Tuy vậy, nói ngắn gọn là, hiệu quả của KA trong các liệu pháp điều trị nám vẫn chưa được hiểu rõ do thiếu các nghiên cứu với các loại thuốc tiêu chuẩn được sử dụng trong điều trị nám. Chúng ta cần các nghiên cứu chi tiết và sâu rộng hơn về Kojic acid.

 

Gần đây, trong nhiều nghiên cứu, các dẫn xuất khác nhau của KA như KA ester, KA laureate, KA dipalmitate và KA ethyl phosphonate với aldehyde đã được báo cáo là có hiệu quả hơn KA [1]

 

 

Bảng 1: Một số nghiên cứu lâm sàng của Kojic acid [1]

 

Kojic acid có thể sử dụng an toàn ở mức độ 1 – 2% trong mỹ phẩm dạng lưu lại trên da. Về nồng độ, Kojic acid ở 4% có khả năng làm giảm sắc tố da ở chuột lang đen, nhưng hiệu ứng này không thấy ở 1% [4]. Do đó, có khả năng nồng độ càng cao thì khả năng ức chế sắc tố sẽ càng mạnh.

 

h2|Chống Oxy hóa, kháng viêm và kháng khuẩn

Theo nghiên cứu 1, KA và các dẫn xuất của nó được sử dụng làm chất chống oxy hóa và chống viêm [1]. Ngoài ra, trong nghiên cứu [8], Kojic acid được nhấn mạnh trong số các hoạt chất chống Oxy hóa vì nó có hoạt tính chống Oxy hóa bằng cách Chelat hóa các ion sắt [8]. Bên cạnh đó, Kojic acid cũng được xem là có tác dụng chống viêm nhẹ và có thể tăng cường khả năng này bằng cách tạo ra các dẫn xuất của Kojic acid [5]

 

Cùng với đó, Kojic acid cũng có khả năng kháng khuẩn. Sự phát triển của vi khuẩn thường bị ức chế khi sử dụng 0,5% Kojic acid [2]. Một số nghiên cứu đã báo cáo rằng KA hoạt động như một chất kháng sinh chống lại trực khuẩn lao ở người, vi sinh vật gram âm và gram dương trong ống nghiệm. Mặc dù Kojic acid không có hoạt tính kháng nấm [5], nhưng các dẫn xuất của KA được gọi là azidometalkojates được báo cáo là hoạt động như tác nhân kháng nấm và kháng khuẩn trên một số loài Bacillus, Staphylococcus, Saccharomyces, Aspergillus, Rhizopus, và Fusarium. Ngoài ra, các dẫn xuất kẽm của azidometalkojates có hoạt tính gây độc tế bào trên các tế bào khối u hella. Ngoài ra, các dẫn xuất khác của KA hoạt động như tác nhân chống nấm trên một số loài như Phythium graminicola, Fusarium oxysporum và Rhizoctonia solani [1]

 

h2|Khả năng thâm nhập vào da

Sự hấp thu bằng đường thoa ngoài da của KA theo các nghiên cứu về sự hấp thu dược động học ở chuột và da người, được ước tính là 0,03–0,06 mg / kg / ngày. Nguy cơ gây độc gen của KA khi được sử dụng như một chất làm sáng da đối với con người ít hơn. Giá trị hấp thụ qua da trong ống nghiệm của KA ở da người là 17% và liều tiếp xúc toàn thân tiềm năng tối đa ở người (maximum potential human systemic exposure dose – SED) sẽ là 1,7 mg hoặc 0,028 mg / kg / ngày đối với người lớn 60 kg. Số liệu này dựa trên việc thoa KA trên các vùng da tay và mặt. Kết quả của một nghiên cứu dược động học đường uống / bôi trên chuột cho thấy 18% phơi nhiễm toàn thân sau khi bôi tại chỗ. Các nghiên cứu dược động học trên chuột sau khi dùng đường uống và tiêm dưới da cho chuột, cho thấy KA được hấp thu và chuyển hóa nhanh chóng. KA cho thấy xu hướng thâm nhập đáng kể vào lớp trung bì và thượng bì (tỷ lệ thâm nhập 16,98 ± 10,28%) [1].

 

Bên cạnh đó, một nghiên cứu lâm sàng trên da người cũng diễn ra. Sự hấp thụ KA qua da ở sáu phụ nữ Nhật Bản sau mãn kinh khỏe mạnh được đo trước và sau khi thoa kem có chứa 1% KA. Tất cả các nồng độ trong huyết tương chỉ cao hơn một chút so với giới hạn định lượng là 1 ng / ml. Vì vậy, KA được chứng minh rằng không có vai trò tiềm năng cho sự thâm nhập qua da vào máu [1]

 

h2|Độ an toàn

Tác dụng làm sáng da đối với các tổn thương do ánh nắng mặt trời có thể nhìn thấy, đốm đồi mồi hoặc sẹo và từ đó cải thiện khả năng chống lão hóa trên da là tác dụng điều trị chính của KA. Nó cũng an toàn để được sử dụng trong mỹ phẩm ở nồng độ 1% theo Hội đồng chuyên gia đánh giá thành phần mỹ phẩm (CIREP). Bên cạnh đó, KA đã thể hiện đặc tính kháng khuẩn có thể tiêu diệt một số loại vi khuẩn thông thường (ví dụ: vi khuẩn gây mụn) ngay cả trong dung dịch pha loãng. Các nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng KA có khả năng chống nấm. Hơn nữa, việc điều trị các bệnh nhiễm trùng nấm men, nấm candida và nấm ngoài da bằng Kojic acid cũng đã được báo cáo. Tuy vậy, cũng có một số phản ứng bất lợi liên quan đến KA trong ứng dụng mỹ phẩm. Viêm da tiếp xúc (đặc biệt đối với da nhạy cảm) là tác dụng phụ chính của KA, kèm theo kích ứng, phát ban, viêm da, ngứa và đau. Những tác dụng phụ này có thể được quan sát thấy khi sử dụng KA với nồng độ cao hơn 1%. Một phản ứng phụ khác có thể xuất hiện khi sử dụng KA lâu dài là cháy nắng ở da nhạy cảm. KA cũng có thể dẫn đến ung thư nếu sử dụng da trên da bị tổn thương. Tuy nhiên, cần có các nghiên cứu sâu hơn để xác định các lợi ích hoặc rủi ro tiềm ẩn khác của KA. Bảng 2 bên dưới cho thấy một số ứng dụng chính và rủi ro khi sử dụng KA như một chất làm sáng da [1]

 

Một số nghiên cứu được thực hiện để đánh giá cơ chế giảm sắc tố và độ an toàn của KA. Họ gợi ý rằng phạm vi nồng độ tốt nhất cho chế phẩm KA dạng bôi là 1% hoặc ít hơn vì trong những phạm vi này, các chất tan chảy KA cho thấy các đặc tính hiệu quả và an toàn. Các nghiên cứu lâm sàng đã cho thấy hiệu quả của liệu pháp thoa kem KA 1% trong 6 tháng ở bệnh nhân nám da quá mẫn cảm với ánh sáng. Sự khuếch tán KA qua biểu bì cao làm giảm đáng kể lượng KA còn lại trong biểu bì còn sống. Sự hấp thụ có thể được chỉnh sửa bằng cách thay đổi base của sản phẩm thoa. Những bệnh nhân bị nám da đã sử dụng kem KA 1% được theo dõi trong 2 năm và không có phản ứng phụ hoặc phản ứng phụ đáng kể nào được ghi nhận [1]

 

KA mặc dù được phát hiện là được hấp thu và phân phối nhanh qua đường uống ở chuột; nhưng, việc sử dụng qua da cho thấy KA được hấp thu và phân phối chậm. Trong một số nghiên cứu, KA 1 và 2% không cho thấy bất kỳ khả năng gây dị ứng hoặc nhạy cảm ở mắt [197–199]. Cơ quan Quốc tế về nghiên cứu ung thư đã giới thiệu KA là chất gây ung thư nhóm 3 dựa trên các nghiên cứu trong điều kiện thực tế (in vivo) về độc tính di truyền của động vật có vú. Ngoài ra, FDA đã không chấp thuận KA để sử dụng trong các sản phẩm dược phẩm mà không cần kê đơn [1,4], nhưng Ủy ban Khoa học của Ủy ban Châu u đã thông báo rằng [1]:

 

1. Liều dùng của KA nên là 1% trong các sản phẩm chăm sóc da

2. KA không phải là một chất độc ở dạng đốc tính cấp tính, mãn tính, di truyền và gen.

 

Bảng 2. Lợi ích và bất lợi khi sử dụng KA (tóm gọn từ các ý đã nêu trên) [1]

 

h1|Vì sao Kojic acid không phổ biến?

 

h2|Vấn đề an toàn, hiệu quả

Việc ứng dụng KA trong mỹ phẩm bị hạn chế do kích ứng da, độc tính tế bào và tính không ổn định của nó trong quá trình bảo quản [3]. Ngoài ra, trong một số nghiên cứu, ở nồng độ 1% thì KA dường như không có hiệu quả hơn nhóm giả dược nhiều [4]. Bên cạnh đó, Kojic acid cũng bị cấm sử dụng trong mỹ phẩm do tác dụng phụ của nó và các vấn đề liên quan đến sức khỏe [7], ví dụ như nó đã bị cấm trong mỹ phẩm ở Nhật và Úc (có thể là các nguyên do bất lợi của Kojic acid trong bảng 2).

 

Thay vì sử dụng trực tiếp Kojic acid, một số nhãn hàng sử dụng các thành phần có liên quan đến Kojic acid. Do đã nêu trên, Kojic acid được sản xuất bằng nấm hoặc quá trình lên men của một số loại thực phẩm (ví dụ fermented soy/rice, soybean ferment filtrate, fermented rice filtrate) nên nếu các bạn thấy tên các thành phần này trong mỹ phẩm thì phần nào đó các bạn có thể đang sử dụng một số lượng nhỏ Kojic acid đấy, theo [O1].

 

h2|Dẫn xuất của KA

Một nguyên do khác là do khả năng phản ứng tốt của KA, nhiều dẫn xuất của KA được phát hiện và các dẫn xuất này được cho là có khả năng ứng chế tyrosinase tốt hơn KA [2], bền hơn KA [2] và an toàn hơn KA. Do đó, KA “nguyên bản” ít được sử dụng trong mỹ phẩm có thể là do các nhà nghiên cứu đang tìm cách tạo ra các dẫn xuất khác của KA hiệu quả hơn.

 

– Do có thể hòa tan tự do trong nước, ethanol, acetone hoặc ethyl acetate, Kojic acid đã được sử dụng để điều chế hơn 150 dẫn xuất Kojic acid khác nhau (bài này vào năm 2004 và hiện tại có thể nhiều hơn), một phần của các dẫn xuất này thậm chí còn đại diện cho các cá thể hóa học mới, chưa từng được tổng hợp trước đây [5]

 

– Trong các năm gần đây, các phương pháp tổng hợp Kojic acid khác nhau, ví dụ kojic acid ester, kojic acid laureate và kojic acid dipalmitate đã được báo cáo trong nhiều nghiên cứu và những dẫn xuất này được phát hiện là cải thiện cả tính ổn định và khả năng hòa tan của Acid Kojic trong các mỹ phẩm. Ngoài ra, hoạt động ức chế tyrosinase của các dẫn xuất Kojic acid này – được tổng hợp thông qua liên kết ethylene của phosphonate với aldehyde sử dụng chất trung gian có nguồn gốc từ Kojic acid, mạnh hơn khoảng 8 lần so với Kojic acid [2].

+ Ví dụ trong nghiên cứu [3], tác giả nghiên cưu dẫn xuất của KA là KA-tripeptide amides cho thấy khả năng ức chế tyrosinase tốt và khả năng bảo quản tốt hơn KA. Đặc biệt, khi các axit amin sở hữu chuỗi bên thơm, chẳng hạn như phenylalanine, tryptophan, tyrosine, và histidine được liên hợp với KA, hoạt tính ức chế tyrosinase của nó đã tăng lên đáng kể hơn 90%. Khi so sánh khả năng bảo quản ở 50 độ, hoạt động ức chế tyrosinase của KA đã giảm từ 18% xuống 8% trong 3 ngày, tuy nhiên KA-F-NH2 không thay đổi. KA-tripeptide amides thậm chí còn có thể bảo quản sau 3 tháng. Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm nghiên cứu [6]

 

Việc nghiên cứu các dẫn xuất của KA vẫn đang diễn ra, một số nghiên cứu mới mà mình biết [7] là vào 2019.

 

h1|Nhận xét

1. Tóm tắt

Kojic acid là một thành phần có nhiều công dụng ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và mỹ phẩm. KA có khả năng kháng khuẩn, chống oxy hóa, kháng viêm nhẹ và đặc biệt là khả năng ức chế enzyme tyrosinase tạo ra melanin.

 

Nồng độ thường sử dụng an toàn trong mỹ phẩm là 1%-2%. Ở nồng độ 2% thì Kojic acid tác dụng không tốt bằng HQ 2%, nhưng ở nồng độ 4% thì Kojic acid hoạt động tốt hơn HQ 2%. Tuy vậy, nồng độ cao sẽ dẫn đến tác dụng phụ cao như viêm da tiếp xúc, phát ban, ngứa da. Kojic acid sử dụng kèm với Glycolic acid từ 5 – 10% sẽ có hiệu quả tốt hơn, hoặc dùng kèm với cả Glycolic acid và Hydroquinone sẽ đạt kết quả tốt hơn nữa.

 

Kojic acid hiện tại ít được thấy trong mỹ phẩm có thể do:

– Bị cấm trong mỹ phẩm ở một số quốc gia do lo ngại về an toàn

– Khả năng bảo quản kém

– Hiệu quả không quá nổi bật so với các hoạt chất làm trắng khác như Azelaic acid và Niacinamide, và còn có tác dụng phụ

 

Tuy vậy, bạn có thể bắt gặp một số thành phần có “lan quyên” đến Kojic acid như fermented soy/rice, soybean ferment filtrate, fermented rice filtrate trong sản phẩm.

 

Tuy vậy, nghiên cứu liên quan đến Kojic acid khá khả quan khi các dẫn xuất của Kojic acid có khả năng ức chế tyrosinase cao hơn KA nhiều lần và dễ bảo quản hơn. Mặc dù vậy, cần thêm thời gian để các nhà khoa học nghiên cứu cũng như kiểm nghiệm các hoạt chất này bằng các thí nghiệm lâm sàng.

 

2. Sản phẩm tham khảo

Dưới đây là một số sản phẩm có chứa Kojic acid mình biết được, các bạn tham khảo nhé:

 

 

Hiệu quả nhất là Image Skincare IENHANCE 25% Kojic Acid Facial Enhancer vì chứa đến 25% Kojic acid giúp da lột xác hoàn toàn , vì % active là kojic acid khá cao nên mới bắt đầu dùng nên patch test và dĩ nhiên là không dùng lên vùng da bị tổn thương để tránh các vấn đề về sức khỏe

 

Mario badescu whitening mask là mặt nạ đất sét chứa kojic acid , tuy nhiên là dạng ” wash off ” nên chủ yếu là sản phẩm kiềm dầu, làm fresh da là chủ yếu !

 

Hai sản phẩm Skinceuticals discoloration defense và Xà bông Kojie.San thì có hiệu quả rất tốt và phổ biến rồi, còn La Roche-Posay Mela-D Pigment Control Serum thì không phổ biến bằng mặc dù công dụng cũng khá ổn.

 

Skinceuticals Discoloration Defense chứa 1% Kojic acid, 3% Tranexamic acid và 5% Niacianamide là một sản phẩm rất đáng chú ý khi kết hợp các sản phẩm làm sáng da có hiệu quả và an toàn, phiên bản này thì phù hợp cho da muốn chống lão hóa và đặc biệt là làn da dầu, da khô thì cần cẩn thận với niacinamide 5%

 

Xà bông tắm Kojie.San được nhiều chị em tin dùng do khả năng làm sáng da body tốt, hỗ trợ trị mụn lưng, mụn trên cơ thể và có mùi thơm dịu nhẹ

 

La Roche-Posay Mela-D Pigment Control Serum mình không reccommend lắm do có hương liệu và cồn khô, chủ yếu để các bạn biết các sản phẩm có Kojic acid thôi, do đó da nhạy cảm thì nên né sản phẩm này nhé

Skinceuticals CORRECT PHYTO + Hydrating botanical serum with kojic acid thì là phiên bản phù hợp cho cả da nhạy cảm, da khô, mà muốn làm sáng, trị thâm luôn công thức dù không ghi rõ % arbutin và kojic acid, tuy nhiên được phản hồi về khả năng làm sáng da rất tích cực trên các cộng đồng review reddit

 

h1|Reference

 

A) Research

[1] Saeedi, M., Eslamifar, M., & Khezri, K. (2019). Kojic acid applications in cosmetic and pharmaceutical preparations. Biomedicine & Pharmacotherapy, 110, 582-593.

[2] Mohamad, R., Mohamed, M. S., Suhaili, N., Salleh, M. M., & Ariff, A. B. (2010). Kojic acid: Applications and development of fermentation process for production. Biotechnology and Molecular Biology Reviews, 5(2), 24-37.

[3] Noh, J. M., Kwak, S. Y., Seo, H. S., Seo, J. H., Kim, B. G., & Lee, Y. S. (2009). Kojic acid–amino acid conjugates as tyrosinase inhibitors. Bioorganic & medicinal chemistry letters, 19(19), 5586-5589.

[4] Burnett, C. L., Bergfeld, W. F., Belsito, D. V., Hill, R. A., Klaassen, C. D., Liebler, D. C., … & Andersen, F. A. (2010). Final report of the safety assessment of kojic acid as used in cosmetics. International journal of toxicology, 29(6_suppl), 244S-273S.

[5] Brtko, J., Rondahl, L., Fickova, M., Hudecova, D., Eybl, V., & Uher, M. (2004). Kojic acid and its derivatives: history and present state of art. Central european journal of public health, 12(SUPP), S16-S17.

[6] Faig, J. J., Moretti, A., Joseph, L. B., Zhang, Y., Nova, M. J., Smith, K., & Uhrich, K. E. (2017). Biodegradable kojic acid-based polymers: controlled delivery of bioactives for melanogenesis inhibition. Biomacromolecules, 18(2), 363-373.

[7] Chen, Y. M., Su, W. C., Li, C., Shi, Y., Chen, Q. X., Zheng, J., … & Wang, Q. (2019). Anti-melanogenesis of novel kojic acid derivatives in B16F10 cells and zebrafish. International journal of biological macromolecules, 123, 723-731.

[8] Gonçalez, M. L., Marcussi, D. G., Calixto, G. M. F., Corrêa, M. A., & Chorilli, M. (2015). Structural characterization and in vitro antioxidant activity of kojic dipalmitate loaded W/O/W multiple emulsions intended for skin disorders. BioMed research international, 2015.

[9] Garcia, A., & Fulton Jr, J. E. (1996). The combination of glycolic acid and hydroquinone or kojic acid for the treatment of melasma and related conditions. Dermatologic surgery, 22(5), 443-447.

[10] Kojic Acid vis-a-vis its Combinations with Hydroquinone and Betamethasone Valerate in Melasma: A Randomized, Single Blind, Comparative Study of Efficacy and Safety

[11] Treatment of Melasma Using Kojic Acid in a Gel Containing Hydroquinone and Glycolic Acid

 

B) Others

[O1] https://www.youtube.com/watch?v=PVl1DgLMO2Q

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *