Tác giả: Lê Phước Thành Đạt
I) Azelaic acid
1) Định nghĩa, nguồn gốc
2) Lợi ích của Azelaic acid
a) Trị rối loạn sắc tố
b) Trị mụn
c) Trị chứng đỏ da – rosacea
3) Azelaic acid kết hợp với các hoạt chất khác
II) Cách sử dụng và sản phẩm
a) Cách sử dụng
b) Sản phẩm
III) Reference
—————————
Chúng ta đã quen thuộc với các hoạt chất như BHA, AHA, Tretinoin, nhưng bạn có biết có một hoạt chất khác cũng rất hiệu quả và đa năng hay không? Trong bài hôm nay, mình xin giới thiệu với các bạn thông tin về hoạt chất Azelaic Acid – một hoạt chất đa năng vừa có khả năng trị mụn, làm sáng da và hỗ trợ điều trị chứng Rosacea mà lại ít kích ứng và rất dễ dung nạp cho da! Nếu bạn có làn da cực kỳ nhạy cảm, hãy tham khảo bài viết sau đây nhé
—————————


Azelaic acid là một dicarboxylic acid bão hòa có trong tự nhiên (được tìm thấy ở lúa mạch và lúa mì và một lượng nhỏ trên da do được sản xuất tự nhiên bởi nấm men Malassezia furfur, là một phần của hệ thực vật da bình thường của người. Bên cạnh đó, Azelaic cũng được tìm thấy với hàm lượng thấp trong cơ thể người [24]) và đã được chứng minh là có hiệu quả trong điều trị mụn trứng cá không viêm và mụn viêm (papulopustular, nodular và nodulocystic), cũng như các tình trạng rối loạn tăng sắc tố da khác nhau, đặc trưng bởi tế bào hắc tố hoạt động bất thường, bao gồm nám da và có thể cả lentigo maligna (hắc tố ác tính) [10]
Azelaic acid có một số đặc tính sau đây [1,5,8,21]:
+ tác dụng kháng khuẩn đối với cả vi sinh vật hiếu khí và kỵ khí (P. acnes).
+ kháng viêm
+ bình thường hóa quá trình sừng hóa của da
+ ức chế tyrosinase, enzyme quan trọng để hình thành hắc tố trên da
Do đó, Azelaic acid có khả năng điều trị nhiều loại mụn (viêm và không viêm), tăng sắc tố da và rosacea (đỏ da)

Một nguyên nhân nữa khiến Azelaic acid nên nằm trong routine chăm sóc da của bạn là bởi mức độ an toàn của thành phần này khá tốt và không có nhiều tác dụng phụ:
Các nghiên cứu trên động vật cho thấy Azelaic acid không độc hại, không gây nghiện và không gây quái thai [1].
Đối với cơ thể người, trong tế bào bình thường, khi Dicarboxylic acid (Azelaic acid là một thành phần trong nhóm này) thâm nhập vào tế bào màng, nó sẽ được chuyển hóa hoàn toàn bằng quá trình p-oxidation [1]. Thông thường, sau khi dung nạp vào cơ thể bằng nhiều đường khác nhau, AZA được thải trừ chủ yếu qua nước tiểu. Do đó, Aza khá an toàn cho người sử dụng và thậm chí mức độ an toàn cao hơn AHA, BHA theo thang xếp hạng các hoạt chất điều trị mụn cho phụ nữ mang thai của FDA [22].
UPDATE NGÀY 09/08/2020
– Azelaic được xem là một chất cấm trong điều chế mỹ phẩm ở Việt Nam [29]. Một số thông tin các bạn cần biết thêm:
+ Điều này có nghĩa là Azelaic acid vẫn được phép sản xuất dưới dạng dược mỹ phẩm chứ không phải mỹ phẩm. Sự khác biệt là nếu sản xuất dưới dạng dược mỹ phẩm, sản phẩm sẽ phải qua kiểm tra nghiêm ngặt hơn so với sản phẩm mỹ phẩm trôi nổi bình thường để bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng. Các bạn vẫn có thể sử dụng Azelaic acid dưới dạng dược mỹ phẩm và nên tìm hiểu kỹ thông tin trước khi sử dụng (trong quy định có cả nghiêm cấm Tretinoin và đây là một điều hoàn toàn đúng, các bạn nên dùng Tretinoin trong dược mỹ phẩm và nếu được, nên tham khảo thông tin kỹ càng hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ).
+ Quy định ở mỗi quốc gia là khác nhau. Ở VN và các nước Đông Nam Á thì Azelaic bị cấm trong mỹ phẩm nhưng Liên minh Châu Âu coi axit azelaic là một thành phần mỹ phẩm có thể được sử dụng mà không bị hạn chế nồng độ [30]. Ở Mỹ, FDA công nhận Azelaic được sử dụng trong dược mỹ phẩm từ nồng độ 15% – 20% và không có yêu cầu cụ thể về Azelaic acid trong mỹ phẩm [31].
+ Một số thông tin về sản phẩm được recommend trong bài:
– Derma forte được sản xuất bởi Alcom là một cty Việt Nam và theo thông tin mình tìm hiểu nó là dược mỹ phẩm và được bán chủ yếu trong các nhà thuốc tại VN
– Skinoren là sản phẩm nhập khẩu, cũng là một dạng dược mỹ phẩm của tập đoàn Bayer, sau này bán lại cho Leo Pharma của Mỹ
– Paula choice và The Ordinary là sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu và điều chế ở nồng độ 10%
———————-
Để tìm hiểu sâu hơn, chúng ta hãy đi vào phần tiếp theo – công dụng của Azelaic acid nhé:

Ban đầu, Azelaic acid được nghiên cứu để trị chứng rối loạn tăng sắc tố (hyperpigmentation disorders) bởi vì nó có tính chất ức chế cạnh tranh tyrosinase [1,2] – một enzyme sản xuất ra melanin. Trong lúc nghiên cứu hiệu quả chữa trị chứng rối loạn sắc tố, các nhà khoa học phát hiện được khả năng trị mụn của Azelaic acid [3] và từ đó thực hiện các nghiên cứu và đa phân đều chứng minh được khả năng trị mụn tốt của Azelaic acid. Ngoài ra, Azelaic cũng được xem là một thành phần điều trị Rosacea hiệu quả.
Bởi vì tác dụng phụ và độ an toàn của Azelaic acid ít hơn khi so sánh với một số thành phần trị mụn và nám khác nên AZ được xem là an toàn hơn các thành phần trị mụn khác khi sử dụng lâu dài (ví dụ như Hydroquinone) [1].
a) Khả năng điều trị các tình trạng liên quan đến rối loạn sắc tố:
Hãy cùng chúng mình xem qua các thông tin có được về khả năng này của Azelaic acid:
Azelaic acid (AZ) thoa ngoài da (15-20%) được báo cáo là có hiệu quả chống lại tăng sắc tố da gây ra bởi các tác nhân vật lý hoặc quang hóa, melanoderma sau viêm, nám, chloasma (mặt nạ thai kỳ/ rám má), lentigo maligna (nốt ruồi ác tính), và các tổn thương nguyên phát của ung thư hắc tố lentigo maligna melanoma (hiệu quả khá khả quan, hơn 50% bệnh nhân không tái lại và các bệnh nhân tái lại cũng nhanh khỏi nếu sử dụng lại AZ) và malignant melanoma [1].

Những điều này thường gây ra bởi hoạt động bất thường của melanocytes (tế bào sản sinh ra melanin). Trong trường hợp này, AZ sẽ ức chế tế bào melanocytes hiếu động và ác tính bằng cách ức chế enzyme của ty thể và quá trình tổng hợp DNA.
– Breathnach và cộng sự [6] cho rằng 20% AZ có thể mang lại kết quả tốt cho điều trị tăng sắc tố sau bỏng, chấn thương vật lý, herpes zoster, mụn trứng cá và viêm. Tăng sắc tố do các chất hóa học cũng có thể điều trị bởi AZ. Tuy vậy, AZ không có tác dụng ngăn ngừa sắc tố da bình thường xuất hiện gây ra bởi các tia UV trong ánh sáng.
– Một nghiên cứu của Verallo và cộng sự [4] tìm thấy rằng khi chữa trị 155 bệnh nhân với cả AZ 20% và HQ 2%, mỗi ngày 2 lần trong 24 tuần thi kết quả là 73% bệnh nhân chữa trị với AZ cải thiện tốt, trong khi HQ 2% chỉ có cải thiện trong 19% bệnh nhân nhóm hQ.
– Đáng chú ý là nghiên cứu của Balina năm 1991 [2] đã so sánh hiệu quả của Azelaic acid (AZ) trong việc điều trị melasma (nám da) với hydroquinone 4% (HQ) trên 329 người trong 24 tuần, sau khi được chứng minh là có hiệu quả vượt trội hơn hydroquinone 2% [4]. Tổng quan nghiên cứu:
+ Số người tham gia: 329 người bị nám biểu bì hoặc cả nám biểu bì và hạ bì (164 người sử dụng AZ và 165 người sử dụng HQ).Tuy vậy, có 122 người sử dụng AZ và 121 người sử dụng HQ hoàn tất nghiên cứu. Mỗi nhóm có 6 bệnh nhân ngưng liệu trình do có tác dụng phụ cục bộ như nóng da, ngứa da và nổi ban đỏ), phần còn lại ngưng liệu trình do các lý do khác.
+ Kết quả: Sau 24 tuần, 79 bệnh nhân (64,8%) nhóm AZ và 87 bệnh nhân (72,5%) nhóm HQ đạt kết quả tốt hoặc tuyệt vời với liệu trình. Ngược lại, có 9 bệnh nhân (7,4%) nhóm AZ và 10 bệnh nhân nhóm HQ (8,3%) không đặt được kết quả rõ rệt. Khi đo lường cường độ sắc tố da sau điều trị, sự sụt giảm từ 1 – 3 mức độ sắc tố da được tìm thấy ở 84,2% và 89,2% bệnh nhân nhóm AZ và HQ, và ngay cả các bệnh nhân bỏ dở giữa chừng cũng cho thấy sự cải thiện về nám da. Từ đó, tác giả sử dụng các phương pháp kiểm định và cho rằng 20% Azelaic acid kết hợp với kem chống nắng phổ rộng là một giải pháp hiệu quả điều trị nám biểu bì và nám hạ bì không kém HQ 4%. Tuy nhiên theo mình thấy được, mặc dù kết quả khá gần nhau nhưng hiệu quả của HQ vẫn nhỉnh hơn một chút, mặc dù có khả năng gây ra tác dụng phụ nhiều hơn.

+ Tác dụng phụ: kích ứng cục bộ được tìm thấy nhiều hơn ở nhóm sử dụng AZ, ngược lại sự mẫn cảm dị ứng da chỉ được tìm thấy ở nhóm dùng HQ. Theo Verallo và cộng sự [4], kích ứng của AZ có thể phần nào liên quan đến liều sử dụng – có nghĩa là sử dụng nhiều hơn mức cần thiết – và điều này sẽ giảm sau khi điều chỉnh lại liều dùng.
Axit Azelaic không ảnh hưởng đến các tế bào melanocytes (tế bào hắc tố sản sinh ra melanin) và nguyên bào sợi (fibroblasts) bình thường, do đó không gây ra bệnh bạch biến (leukoderma) hay chứng da xám nâu (ochronosis exogenous). Ngược lại, biến dạng da dai dẳng có thể xảy ra nếu sử dụng HQ lâu dài, thậm chí chỉ với nồng độ 2%
=> Do đó, các đặc tính không độc hại của Azelaic acid có thể thuận lợi trong điều trị nám kéo dài, thường xuyên lặp đi lặp lại (một phần là hiệu quả của Azelaic phát huy chậm, cần sau vài tháng mới thấy rõ)
b) Hiệu quả của Azelaic acid trong trị mụn
Bên cạnh trị thâm và nám, Azelaic Acid còn rất hiệu quả trong điều trị mụn và là phương pháp điều trị nhiều loại mụn khác nhau. Trong bốn đặc điểm sinh lý bệnh chính của mụn như tăng sừng, sản xuất bã nhờn, tăng sinh vi khuẩn và viêm, thì Azelaic Acid dạng bôi tại chỗ giúp ổn định quá trình sừng hóa, giảm sự tăng sinh của P. acnes và đã được chứng minh là có hiệu quả với cả loại mụn không viêm và mụn viêm [7]

Theo nghiên cứu của Cavicchini vào năm 1989 [8], khi so sánh với Benzoyl Peroxide 5% thì AZ là một phương pháp trị mụn hiệu quả cho Papulopustular acne (mụn trứng cá đỏ). Ông thực hiện 2 nghiên cứu, 1 nghiên cứu với mẫu là 100 bệnh nhân và nghiên cứu còn lại là mẫu 309 bệnh nhân để so sánh hiệu quả giữa Benzoyl Peroxide 5% và AZ 20%.
Kết quả của nghiên cứu mở với mẫu là 100 bệnh nhân là:
– Mụn không viêm: giảm 32%% sau khi sử dụng 4 tháng. Không quan sát được sự cải thiện đáng kể trong những tháng sau.
– Papulo pustular: (xem hình ảnh) cho thấy sự cải thiện rõ rệt sau 4 tuần về số lượng mụn viêm quan sát được. Sau đó, ở mốc 3 tháng và 6 tháng vẫn còn thấy sự cải thiện của da và mức độ cải thiện là 54% và 72% tương ứng.
– Nodular acne và acne conglobata (mụn nang): do chỉ cố một số lượng nhỏ bệnh nhân gặp loại mụn này nên tác giả không thể suy luận tổng quát về khả năng của AZ đối với mụn này. Theo tác giả quan sát, AZ có tác dụng đáng kể trong việc giảm tổn thương sưng viêm, làm cho mụn mềm hơn và nhỏ lại. Trong 1 trường hợp mụn nang Nodular và 2 trường hợp Conglobata, việc điều trị lâu dài với AZ đã giúp bệnh nhân hoàn toàn hết mụn, chỉ để lại sẹo trong các lần kiểm tra sau đó. Trong một số trường hợp khác, AZ có hỗ trợ giảm sưng viêm nhưng không hoàn toàn giúp bệnh nhân khỏi bệnh
– Kết quả của nghiên cứu mù đơn với mẫu là 309 bệnh nhân để so sánh BP và AZ là:
BP đạt được tác dụng trị mụn nhanh hơn trong thời gian đầu, trái ngược với AZ phải trải qua một thời gian mới phát huy tác dụng. Đến khoảng tháng thứ 4 thì số lượng mụn trung bình của cả 2 nhóm bệnh nhân giảm tương đương nhau. Cuối liệu trình, có 66% và 70% bệnh nhân trong nhóm sử dụng AZ và BP tương ứng đạt được kết quả tốt – rất tốt. Một điểm đáng lưu ý là AZ không gây kích ứng nhiều hay làm da quá nhạy cảm với ánh nắng hay các phản ứng phụ khác. 9% bệnh nhân gặp cảm giác bỏng khi sử dụng AZ tuy nhiên sau 2 tuần thì điều này biến mất, ngược lại có khoảng 15% bệnh nhân than phiền về tác dụng phụ của BP.
Kết luận: AZ hiệu quả trong việc chữa trị mụn khá tương đương với BP và ít kích ứng hơn, tuy vậy bạn cần duy trì do AZ hoạt động khá chậm trên da. Bên cạnh đó, một quan sát nữa là AZ sẽ hiệu quả hơn đối với các loại mụn sưng, viêm hơn là các mụn không sưng viêm.
Bên cạnh đó, AZ cũng được so sánh và đánh giá về hiệu quả trị mụn với các thành phần phổ biến khác như tretinoin, erythromycin và tetracycline. Trong thử nghiệm lâm sàng của Katsambas và cộng sự [9], khi điều trị trong 6 tháng với 289 bệnh nhân thì khả năng điều trị mụn không viêm của 20% AZ tương đương với 0,05% Tretinoin và ít tác dụng phụ hơn. Ngoài ra, trong bài review của Nguyen [1], có nghiên cứu giữa Azelaic acid và erythromycin và kết quả cho thấy AZ 20% có kết quả trị mụn viêm và không viêm tương đương với thuốc bôi 2% erythromycin (một loại kháng sinh trị mụn). Ngoài ra, AZ cũng có khả năng tương đương với Tetracycline đường uống (với liều 0,5 – 1g/ ngày) ở mụn comedonal (mụn không viêm) và mụn viêm nhẹ – nặng (papulopustular và nodulocystic acne) [11, 12].
ĐẶC BIỆT, Azelaic có hiệu quả khá ấn tượng khi so sánh với Isotretinoin đường uống – liệu pháp trị mụn được xem là hiệu quả nhất (liều 0,5 – 1mg/kg/ngày). Sau 6 tháng, các bệnh nhân dùng Azelaic Acid đã khỏi 100% mụn nang! Họ cũng thấy giảm 88% mụn đầu trắng và sẩn, và giảm 70% lỗ chân lông bị tắc. So sánh với Isotretinoin thì mụn nang của họ sạch 100%, và giảm 97% mụn đầu trắng và sẩn, và 83% lỗ chân lông bị tắc. Mặc dù nhìn tổng thể thì Azelaic Acid không đánh bại được Isotretinoin nhưng được xem là khá tốt và có thể là một liệu pháp thay thế cho Isotretinoin.[13].
Azelaic acid có khả năng trị mụn tương đương với Benzoyl peroxide 5%, tretinoin 0,05%, erythromycin 2%, tetracycline đường uống và có thể là liệu pháp thay thế isotretinoin đường uống
Azelaic acid có thể đạt được tính chất chống mụn của nó thông qua tác dụng chống sừng hóa trên biểu bì nang lông và tính chất kháng khuẩn của nó thay vì ức chế trực tiếp chức năng của tuyến bã nhờn. Cunliffe và Holland [14] đã cho rằng việc sửa đổi trực tiếp quá trình hình thành mụn, bằng cách bình thường hóa quá trình sừng hóa vô tổ chức của lưới nang, có thể hỗ trợ điều trị mụn không viêm. Mặt khác, hoạt động kháng khuẩn của nó có thể làm giảm các tổn thương mụn viêm.
c) Hiệu quả của Azelaic acid trong điều trị Rosacea
Ngoài ra, theo Azelaic acid cũng có tác dụng tốt trong việc điều trị Rosacea (chứng đỏ da) [15, 16]. Dữ liệu gần đây cho thấy sự hoạt động quá mức bất thường của hệ thống miễn dịch bẩm sinh là nguyên nhân chính dẫn đến sinh lý bệnh của bệnh rosacea. Các peptit kháng khuẩn da dư thừa (ví dụ, cathelicidin) và kích thích TLR-2 (toll-like receptor 2 – 1 dạng protein đóng vai trò quan trọng trong hệ thống miễn dịch bẩm sinh cũng như trong hệ tiêu hóa) đều đóng vai trò quan trọng trong bệnh Rosacea. Cathelicidin được xử lý bởi các protease serine (ví dụ, KLK-5) thành peptit chống viêm, chẳng hạn như LL-37. Hoạt động quá mức của KLK-5 dẫn đến mức độ cao trong quá trình xử lý cathelicidin thành các peptit có đặc tính chống viêm cao hơn đặc tính kháng khuẩn. Sự mất cân bằng này thúc đẩy quá trình hình thành mạch và viêm da mãn tính. Azelaic acid 15% dạng bôi đã được chứng minh là làm giảm hoạt động của protease serine ở da và giúp đảo ngược những thay đổi này [23].
+ Theo nghiên cứu của Elewski và đồng nghiệp [15]. Việc sử dụng Azelaic 15% trong 15 tuần đã cho thấy sự khả năng vượt trội hơn của Azelaic so với 0,75% metronidazole (một loại thuốc thường dùng trong điều trị Rosacea) trong việc điều trị các triệu chứng của Rosacea.
+ Bên cạnh đó, theo nghiên cứu [16], Azelaic 20% có hiệu quả đáng kể khi điều trị Rosacea trong 9 tuần với mức độ kích ứng nhẹ. Tác giả đã so sánh giữa Azelaic 20% và một loại gel giả dược bình thường và bệnh nhân được hướng dẫn thoa một loại một nửa bên mặt của mình. Sau 9 tuần, tác dụng của Azelaic acid đối với Rosacea được thể hiện rõ hơn bên nửa mặt sử dụng sản phẩm và rất ít kích ứng bị xảy ra, và không có bệnh nhân bỏ giữa chừng do tác dụng phụ.
=> Tóm tắt lại: Sau khi đọc một núi thông tin ở trên, thông tin chủ yếu là bạn cần nhớ là: Azelaic là một thành phần hữu ích, có khả năng trị mụn ngang ngửa tretinoin (có thể trị mụn không viêm và viêm, tuy nhiên tốt hơn ở khoản trị mụn viêm); hỗ trợ điều trị rối loạn sắc tố (trị nám ngang ngửa Hydroquinone) và Rosacea và hầu như rất ít tác dụng phụ!!!


Vậy, khi AZ kết hợp với các treatment khác có đạt được hiệu quả tốt hay không? Hay xem qua một số nghiên cứu sau nhé:
– Azelaic kết hợp với Benzoyl Peroxide/ Tretinoin/ Clindamycin/ hỗn hợp Erythromycin + Benzoyl Peroxide
Nghiên cứu chỉ ra kết quả là hiệu quả của Azelaic acid có thể được nâng cao hơn trong việc điều trị mụn nếu kết hợp với những dược phẩm khác như: Benzoyl peroxide 4% gel, hoặc clindamycin 1% gel, hoặc tretinoin 0,025%% hoặc hỗn hợp erythromycin 3% + benzoyl peroxide 5%.
– Azelaic kết hợp với tretinoin trong điều trị nám da melasma
Như đã nói ở trên, thì Azelaic acid có tác dụng trị nám da khá tuyệt vời. Và hiệu quả của Azelaic sẽ được nâng cao hơn nếu kết hợp với tretinoin 0,05%, theo kết quả của nghiên cứu của Graupe và cộng sự [18]. Khi so sánh kết quả của kết hợp Azelaic và Tretinoin với tác dụng của Azelaic riêng lẻ, tác giả phát hiện rằng Tretinoin làm tăng khả năng giảm sắc tố của Azelaic acid, thể hiện bằng khả năng đáp ứng nhanh hơn và cải thiện đáng kể hơn trong 3 tháng đầu khi sử dụng và đồng thời cũng mang lại tỷ lệ đánh giá tốt hơn khi kết thúc liệu trình.
=> Azelaic kết hợp với tretinoin giúp cải thiện khả năng hỗ trợ nám da của Azelaic acid
– Azelaic kết hợp với AHA
– Bên cạnh đó, Azelaic acid có thể kết hợp với AHA để điều trị tăng sắc tố cho các bệnh nhân có da tối màu thay cho hydroquinone 4%. Hydroquinone là một chất làm sáng da, điều trị tăng sắc tố hiệu quả cho các làn da sáng màu, tuy vậy ở các làn da tối màu hơn có thể làm tình trạng tăng sắc tố da tồi tệ hơn [28]. Do đó, nghiên cứu [19] đã xem xét hiệu quả của hai chất này khi sử dụng kết hợp thay cho Hydroquinone, mặc dù đã có nhiều nghiên cứu chứng minh Azelaic có khả năng hỗ trợ điều trị tăng sắc tố hiệu quả gần như tương đương hydroquinone 4%. Nhóm nghiên cứu sử dụng Azelaic acid 20% và glycolic acid 15 – 20% so sánh với Hydroquinone 4% trong nghiên cứu kéo dài 24 tuần và cho thấy kết hợp Azelaic và AHA có hiệu quả tương đương với HQ 4%, tuy nhiên có tác dụng phụ là kích ứng nhiều hơn.
– Azelaic kết hợp với Salicylic Acid
Không có quá nhiều nghiên cứu về sự kết hợp giữa Azelaic acid và Salicylic acid, ngoại trừ một bài mình tìm được là so sánh peel Azelaic 20% + BHA 20% so sánh với peel TCA (trichloroacetic acid) 25% trong việc điều trị mụn. Kết quả cho thấy, peel AZ + BHA giảm rõ rệt số lượng mụn viêm của bệnh nhân hơn khi so sánh với peel TCA, tuy nhiên peel TCA lại giảm số lượng mụn không viêm tốt hơn; khi so sánh tổng quát ở cuối liệu trình thì 2 peel đều có tác dụng trị mụn hiệu quả đối với mụn nhẹ – vừa và không có sự khác biệt nhau rõ ràng, tuy nhiên peel AZ và BHA ít tác dụng phụ như kích ứng hơn. Từ đó có thể thấy có thể kết hợp Azelaic acid và BHA để trị mụn viêm


Theo tham khảo từ anh blogger simpleskincarescience [27] và kinh nghiệm cá nhân của mình, bạn có thể sử dụng sau khi rửa mặt sạch và trước khi sử dụng kem dưỡng. Tuy nhiên nếu gặp kích ứng, bạn có thể sử dụng kem dưỡng trước để hạn chế vấn đề này. Bạn chỉ cần 1 lượng sản phẩm vừa đủ khoản 1 đốt ngón tay cho toàn mặt. Tuy vậy, nếu bạn dùng dạng gel thì nên dùng trước kem dưỡng ẩm, đặc biệt là vào buổi sáng khi bạn phải thoa kem chống nắng do khi thoa gel thì da sẽ khá khô và sẽ dễ làm vón kem chống nắng.
Theo khuyến cáo thông thường, liều dùng là 2 lần mỗi ngày. Tuy vậy có 1 nghiên cứu so sánh việc dùng 1 lần/ ngày và 2 lần/ ngày trong điều trị papulopustular rosacea cho thấy rằng kết quả tương đương nhau [25].
Ngoài ra, đừng quên patch test sản phẩm trước khi sử dụng toàn mặt nhé! Mặc dù Azelaic rất dễ sử dụng nhưng bạn có thể kích ứng/ dị ứng với các thành phần khác trong sản phẩm. Hãy click vào bài sau đây để xem thêm về patch test.
Về texture sản phẩm, sản phẩm dạng gel được cho là sẽ mang lại hiệu quả cao hơn do khả năng thâm nhập vào da tốt hơn so với sản phẩm dạng kem [26, 28].
Kết quả sử dụng: theo nhiều nghiên cứu, để thấy được kết quả của Azelaic thì cần một thời gian tương đối khoảng 1 tháng khi sử dụng trị mụn viêm [8] và đa phần nghiên cứu điều trị rối loạn sắc tố đều kéo dài khoảng 6 tháng [2,4,6]. Do đó, nếu bạn trị mụn thì nên duy trì hơn 1 tháng để thấy kết quả và nếu bạn trị rối loạn sắc tố da thì nên sử dụng trong dài hạn, khoảng 6 tháng để thấy kết quả rõ rệt nhất (mặc dù trước đó có thể đã thấy kết quả sáng da, theo [2].
Một số lưu ý khi dùng Azelaic tóm gọn:


Là một thành phần tuyệt vời nhưng Azelaic lại ít phổ biến, có thể là do đây là một thành phần khá mới (được FDA chấp thuận năm 2002 để điều trị Rosacea, còn những thành phần trị mụn khác đã được nghiên cứu từ lâu). Ngoài ra, một lý do nữa là Azelaic thường được xem là có hiệu quả từ 15 – 20% trở lên mà các sản phẩm Azelaic ở nồng độ này đều là thuốc kê theo đơn, còn các thuốc OTC thì chỉ từ 10% trở xuống nên hiệu quả không tốt bằng. Tuy vậy, sau khi tìm hiểu một thời gian thì cũng tìm được một số sản phẩm để recommend cho các bạn đây!
a) Azelaic nồng độ 20%

1) Derma forte: Azelaic 20% dạng gel
2) Skinoren: 20% dạng kem
Dạng kem Skinoren chứa nhiều thành phần hơn dạng gel, cung cấp nhiều chất làm mềm da hơn nên phù hợp với các bạn da thường và da khô.
b) Azelaic nồng độ 15%

1) Skinoren: 15% dạng gel
Nhìn chung Skinoren dạng gel chứa ít thành phần hơn nên khả năng kích ứng sẽ ít hơn dạng kem. Tuy vậy dạng gel có thể sẽ không phù hợp với các bạn da khô, phù hợp với các bạn da dầu.
c) Azelaic nồng độ 10%

1) Paula choice: sản phẩm dạng gel-cream thấm nhanh, có bổ sung thêm Salicylic Acid, các chất làm mềm da và Glycerin cấp nước. Hãng gợi ý bạn dùng ở bước cuối cùng hoặc mix với serum hoặc kem dưỡng nhé.
2) The Ordinary: sản phẩm dạng gel-cream thấm nhanh, phù hợp cho hầu hết các loại da và được hãng gợi ý sử dụng vào bước cuối cùng như kem dưỡng sau serum và dầu dưỡng
—————————

[1] Nguyen, Q. H., & Bui, T. P. (1995). Azelaic acid: pharmacokinetic and pharmacodynamic properties and its therapeutic role in hyperpigmentary disorders and acne. International journal of dermatology, 34(2), 75-84.
[2] Baliña, L. M., & Graupe, K. (1991). The treatment of melasma 20% azelaic acid versus 4% hydroquinone cream. International journal of dermatology, 30(12), 893-895.
[3] Nazzaro‐Porro, M., Passi, S., Picardo, M., Breathnach, A., Clayton, R., & Zina, G. (1983). Beneficial effect of 15% azelaic acid cream on acne vulgaris. British Journal of Dermatology, 109(1), 45-48.
[4] Verallo-Rowell, V. M., Verallo, V., Graupe, K., Lopez-Villafuerte, L., & Garcia-Lopez, M. (1989). Double-blind comparison of azelaic acid and hydroquinone in the treatment of melasma. Acta dermato-venereologica. Supplementum, 143, 58-61.
[5] Nazzaro-Porro, M. (1987). Azelaic acid. Journal of the American Academy of Dermatology, 17(6), 1033-1041.
[6] Breathnach, A. C., Nazzaro-Porro, M., Passi, S., & Zina, G. (1989). Azelaic acid therapy in disorders of pigmentation. Clinics in dermatology, 7(2), 106-119.
[7] Webster, G. (2000). Combination azelaic acid therapy for acne vulgaris. Journal of the american academy of dermatology, 43(2), S47-S50.
[8] Cavicchini, S., & Caputo, R. (1989). Long-term treatment of acne with 20% azelaic acid cream. Acta Derm Venereol Suppl (Stockh), 143, 40-44.
[9] Katsambas, A., Graupe, K., & Stratigos, J. (1989). Clinical studies of 20% azelaic acid cream in the treatment of acne vulgaris. Comparison with vehicle and topical tretinoin. Acta dermato-venereologica. Supplementum, 143, 35.
[10] Fitton, Andrew, and Karen L. Goa. “Azelaic acid.” Drugs 41.5 (1991): 780-798.
[11] Bladon, P. T., Burke, B. M., Cunliffe, W. J., Forster, R. A., Holland, K. T., & King, K. (1986). Topical azelaic acid and the treatment of acne: a clinical and laboratory comparison with oral tetracycline. British Journal of Dermatology, 114(4), 493-499.
[12] Hjorth, N., & Graupe, K. (1989). Azelaic acid for the treatment of acne. A clinical comparison with oral tetracycline. Acta dermato-venereologica. Supplementum, 143, 45.
[13] Gollnick, H., & Graupe, K. (1989). Azelaic acid for the treatment of acne: comparative trials. Journal of Dermatological Treatment, 1(sup1), 27-30.
[14] Cunliffe, W. J., & Holland, K. T. (1989). Clinical and laboratory studies on treatment with 20% azelaic acid cream for acne. Acta dermato-venereologica. Supplementum, 143, 31.
[15] Elewski, B. E., Fleischer, A. B., & Pariser, D. M. (2003). A comparison of 15% azelaic acid gel and 0.75% metronidazole gel in the topical treatment of papulopustular rosacea: results of a randomized trial. Archives of dermatology, 139(11), 1444-1450.
[16] Carmichael, A. J., Marks, R., Graupe, K. A., & Zaumseil, R. P. (1993). Topical azelaic acid in the treatment of rosacea. Journal of Dermatological Treatment, 4(sup1), S19-S22.
[17] Webster, G. (2000). Combination azelaic acid therapy for acne vulgaris. Journal of the american academy of dermatology, 43(2), S47-S50.
[18] Graupe, K., Verallo-Rowell, V. M., Verallo, V., & Zaumseil, R. P. (1996). Combined use of 20% azelaic acid cream and 0.05% tretinoin cream in the topical treatment of melasma. Journal of dermatological treatment, 7(4), 235-237.
[19] Kakita, L. S., & Lowe, N. J. (1998). Azelaic acid and glycolic acid combination therapy for facial hyperpigmentation in darker-skinned patients: a clinical comparison with hydroquinone. Clinical therapeutics, 20(5), 960-970.
[20] Abdel Hay, R., Hegazy, R., Abdel Hady, M., & Saleh, N. (2019). Clinical and dermoscopic evaluation of combined (salicylic acid 20% and azelaic acid 20%) versus trichloroacetic acid 25% chemical peel in acne: an RCT. Journal of Dermatological Treatment, 30(6), 572-577.
[21] Yu, R. J., & Van Scott, E. J. (2004). Alpha‐hydroxyacids and carboxylic acids. Journal of cosmetic dermatology, 3(2), 76-87.
[22] Chien, A. L., Qi, J., Rainer, B., Sachs, D. L., & Helfrich, Y. R. (2016). Treatment of acne in pregnancy. The Journal of the American Board of Family Medicine, 29(2), 254-262.
[23] Zeichner, J. O. S. H. U. A. (2013). New insights into azelaic acid. Clinical focus: Acne/Rosacea, Practical Dermatology.
[24] Mortensen, P. B. (1984). Dicarboxylic acids and the lipid metabolism. Danish medical bulletin, 31(2), 121-145.
[25] Thiboutot, D. M., Fleischer Jr, A. B., Del Rosso, J. Q., & Graupe, K. (2008). Azelaic acid 15% gel once daily versus twice daily in papulopustular rosacea. Journal of Drugs in Dermatology: JDD, 7(6), 541-546.
[26] Draelos Z. D. (2006). The rationale for advancing the formulation of azelaic acid vehicles. Cutis, 77(2 Suppl), 7–11.
[27] https://simpleskincarescience.com/azelaic-acid/
[28] https://www.healthline.com/health/azelaic-acid-acne#how-to-use
[29] https://www.hsa.gov.sg/cosmetic-products/asean-cosmetic-directive
[30] https://www.cosmeticsbusiness.com/news/article_page/The_many_functions_ofazelaic_acid/117986
[31] https://www.fda.gov/drugs/drug-approvals-and-databases/approved-drug-products-therapeutic-equivalence-evaluations-orange-book