Tác giả: Lê Phước Thành Đạt

- Vitamin C là gì?
- Khái niệm
- Tính chất
- Tính acid
- Tính chống oxy hóa
- Công dụng
- Công dụng
- Tăng sinh collagen (chống lão hóa)
- Khả năng trung hòa các gốc tự do và thải bỏ các chất oxy hóa độc hại
- Khả năng chống lại sự tổn thương từ ánh sáng mặt trời
- Tính chống viêm
- Những yếu tố xung quanh về Vit C
- Các dẫn xuất của vit C
- Dẫn xuất dạng muối (MAP/SAP)
- Dẫn xuất dạng không phải muối (AA-Pal, AA-2G, VC-IP)
- Hệ nền của các sản phẩm chứa vit C
- Hệ nền của các sản phẩm chứa vit C
- Nhũ tương không nước/khan
- Hệ bảo quản vit C bằng AOXs liên hợp
- Hệ thống vận chuyển vit C
- Các dẫn xuất của vit C
- Một số mẹo nhỏ khi chọn vit C
- Một số sản phẩm chứa vit C
- Reference
Vitamin C thường là 1 chất chống oxy hóa mạnh mẽ cho cơ thể và da, chúng đóng góp vào nhiều quá trình chuyển hóa sinh học trong cơ thể. Trong bài viết này mình sẽ đề cập đến việc làm sao để chọn vit C khi mua mỹ phẩm, và phổ cập sơ lược đến chuyên sâu, các tip khi dùng vitamin C nhé mọi người. Cùng mình lướt xuống nào!


Vitamin C (Vit C), còn gọi là L-ascorbic acid (LAA) là 1 chất chống oxy hóa (AOX) khá mạnh với một số ứng dụng trong lĩnh vực mỹ phẩm và dược phẩm, bằng cách bảo vệ khỏi các gốc tự do gây hại. Các loại mỹ phẩm kết hợp chất chống oxy hóa là một trong những sản phẩm chống lão hóa phổ biến nhất trên thị trường hiện nay. trong đó, Vitamin C là thành phần được sử dụng rộng rãi bởi những lợi ích của nó mang lại như: bảo vệ da khỏi tia UVA & UVB, chống lại các gốc tự do, tăng sinh collagen, ức chế hình thành sắc tố melanin, kiểm soát các quá trình viêm da (1).
Hãy cùng mình tìm hiểu xem tại sao VitC lại có các lợi ích như trên nhé!
Hình 1: Phân tử L-ascorbic acid (Vit C)


Hình 2: Sự liên hợp của LAA ở trong nước [O1]
Trong ảnh, mình sẽ đánh số từ 1 tới 6 cho các carbon để dễ gọi nhé. Đặc tính của LAA là có thể tan tốt trong nước, ngoài ra khi nhìn vào cấu trúc trên thì ta có thể thấy LAA là 1 phân tử mang tính acid (pKa=4.10) (2). Sự phân chia của các electron phân nhóm p của carbon trong hệ thống enediol liên hợp C2-C3 làm ổn định phân tử và làm cho hydro của nhóm OH ở C3 trở nên có tính acid cao. Do đó ở pH thích hợp tạo ra hoạt động sinh lý, LAA tồn tại dưới dạng anion hóa trị một (L-ascorbate). Sự phân ly của nhóm OH thứ hai diễn ra ở pH 11,6 (2).
Điều khiến mình suy nghĩ khi mua vit C đó chính là độ pH, vì độ pH sẽ ảnh hưởng khá lớn đến độ ổn định, cũng như là acid tự do (phần acid không bị phân ly thành H+), chính acid tự do này sẽ mang lại hoạt tính sinh học ở trên da, nên để giải quyết vấn đề này thì mình khuyến cáo các bạn khi mua vit C: chúng ta nên chọn lựa những sản phẩm ở dạng LAA có độ pH < pKa=4.10, tốt nhất nằm ở vùng 2.5 – 3.5.
Bên cạnh đó, vấn đề thứ 2 là LAA là 1 phân tử khá ưa nước, da là 1 lớp chống thấm nước (chính vì vậy da mới có ý nghĩa làm lớp bảo vệ các bộ phận bên trong cơ thể), vậy làm sao phân tử LAA có thể thấm vào da 1 cách hoàn toàn cơ chứ? Vấn đề này mình sẽ bàn tiếp ở mục II.1 nhé.

Tính chống oxy hóa của LAA được thể hiện thông qua nhóm OH của C2. Nhóm OH của C2 này đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt tính dược lý của nó (3). Khi LAA ở trong nền nước và phân ly ra thành ion ascorbate, thì ion ascorbate này như mình đã biểu diễn ở dưới, nó sẽ phát huy được khả năng chống oxy hóa, chống lại các gốc tự do như HO∙,…
Hình 3: Tính chống oxy hóa khi LAA gặp phải gốc tự do (5)
Như vậy, 1 phân tử LAA sẽ chống lại được 2 gốc tự do (5), chính vì vậy chúng sẽ thể hiện tính chống oxy hóa mạnh mẽ trong cơ thể của chúng ta.
Tuy nhiên, do nó có tính chống oxy hóa quá tốt như vậy, thì LAA sẽ không bền (trừ khi ở dạng bột), chúng sẽ dễ bị oxy hóa khi có các tác nhân khác như: ánh sáng, nhiệt độ cao, các ion kim loại, tiếp xúc với oxy, độ pH cao. Vì vậy trong ngành mỹ phẩm, để bảo quản LAA một cách tốt nhất, họ phải phát triển các chiến lược để ngăn chặn lại các quá trình oxy hóa này, ví dụ: kiểm soát sự hiện diện của oxy trong quá trình sản xuất và bảo quản; pH thấp; điều chế ra LAA dạng khan (như sản phẩm 100% LAA của The Odinary); điều chế các dẫn xuất của LAA để bảo quản tốt hơn; kẹp thêm vào các chất chống oxy hóa (AOXs) khác như: Vit E, Ferulic acid, Coenzyme Q10, Glutathione, EGCG (chiết xuất trà xanh), Resveratrol, các chiết xuất thực vật có chứa AOXs,…


Trong lớp biểu bì, vitamin C thúc đẩy sự phân hóa tế bào sừng và hình thành hàng rào biểu bì, kích thích sự tổng hợp ceramide. Trong lớp hạ bì, vitamin C thúc đẩy sự tổng hợp các sợi đàn hồi và collagen ở người và động vật gặm nhấm. Kết quả phân tích của 1 cuộc nghiên cứu cho thấy rằng khi lớp lipid biểu bì được nuôi cấy trong môi trường chứa vit C, hàm lượng glucosylceramide và ceramide đã tăng lên rõ rệt (5). Điều này không chỉ có nghĩa là vitamin C giúp dưỡng ẩm tự nhiên của da mà còn tăng cường chức năng hàng rào bảo vệ của da (9). Bên cạnh đó, vit C hoạt động tăng sinh collagen bằng cách hydroxyl hóa các amino acid như: proline và lysine, điều này sẽ làm ổn định cấu trúc bậc 3 của chuỗi protein collagen và đồng thời vit C còn kích thích sản xuất mRNA collagen nguyên bào sợi (6).
Các thí nghiệm thú vị khác về vitamin C đã chứng minh rằng nó cũng có tác dụng chống lão hóa (12): các nghiên cứu trong ống nghiệm so sánh nguyên bào sợi của trẻ sơ sinh với người già (80 – 90 tuổi). Nguyên bào sợi của người già trong ống nghiệm tăng sinh chỉ bằng 1/5 tỷ lệ tế bào của trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, khi bổ sung vitamin C thì các tế bào của người già thực sự tăng sinh tốt hơn các nguyên bào sợi của trẻ sơ sinh bình thường. Ngay cả các nguyên bào sợi ở trẻ sơ sinh cũng tăng cường sự tăng sinh gấp 4 lần khi tiếp xúc với vitamin C.
Nguyên bào sợi không chỉ tăng sinh mà còn tổng hợp nhiều collagen hơn khi có vitamin C. Nguyên bào sợi ở trẻ sơ sinh tổng hợp một tỷ lệ collagen lớn hơn tế bào của người già, nhưng khi tế bào của người già tiếp xúc với vit C nuôi cấy mô trong ống nghiệm, chúng sẽ sản sinh ra nhiều collagen hơn các nguyên bào sợi sơ sinh bình thường. Các tế bào mới sinh khi tiếp xúc vitamin C sẽ nhân đôi tổng hợp collagen (12).

Hình 4: Sự cải thiện của da về lão hóa do ánh sáng sau 1 năm điều trị bằng vit C, mỗi ngày 1 lần với serum 15% vit C. Chúng ta hãy để ý tới sự cải thiện xung quanh hốc mắt và khả năng làm sáng các hạt sắc tố do ánh nắng gây ra (Ảnh do SkinCeuticals, Dallas, Texas, USA cung cấp.) (13)

Vit C là một chất chống oxy hóa mạnh có thể trung hòa và loại bỏ các chất oxy hóa, chẳng hạn như những chất có trong chất ô nhiễm môi trường (NOx, CO,…) và sau khi tiếp xúc với bức xạ tia cực tím. Hoạt động này dường như có tầm quan trọng đặc biệt ở lớp biểu bì, nơi tập trung vitamin C trong da. Tuy nhiên, vit C chỉ là một nhân tố đóng vai trò quan trọng trong kho vũ khí chống oxy hóa bao gồm các chất bảo vệ bằng enzyme (catalase, glutathione peroxidase và superoxide dismutase) cũng như các biện pháp phòng thủ không phải enzym khác (vit E, glutathione, uric acid và các chất chống oxy hóa khác như carotenoid (tiền vit A)) (6). Hầu hết các nghiên cứu can thiệp được thực hiện để xác định khả năng của chất chống oxy hóa trong việc ngăn ngừa tổn thương oxy hóa cho da đã sử dụng một hỗn hợp các hợp chất này. Trong đó, Vit C đặc biệt hiệu quả trong việc giảm tổn thương oxy hóa cho da khi nó được sử dụng cùng với vit E.

Hình 5: Sự phụ thuộc lẫn nhau của Glutathione, Vit C, Vit E, trong đó Vit C đứng ở vị trí trung tâm trong việc loại bỏ các gốc tự do và tái tạo lại AOXs khác khi chúng bị giảm đi. Khi đó, Vit E sẽ đảm nhận nhiệm vụ chống oxy hóa ở phần lipid (vì phân tử có tính ưa dầu), còn Vit C và Glutathione sẽ đảm nhận việc chống oxy hóa ở trong nước và dịch bào (6).
Nghiên cứu số (7) được thử nghiệm trên da người, đã có 2 công thức được đem ra so sánh:
_Công thức 1: 15% vit C + 1% Vit E + 0,5% Ferulic acid tại pH=2.5
_Công thức 2: 20% vit C + 1% vit E + 1% Ferulic acid tại pH=2.4
Cả 2 công thức này đều mang lại những hiệu quả chống lại sự tấn công của tia UV, tăng sinh collagen,… Chính vì vậy, hiện tại và sắp tới các nhà điều chế sẽ phát triển các công thức vit C với nồng độ từ 15-20% LAA, 1% Vit E và 0.5% Ferulic acid tại pH<3.5. Mình sẽ đề cập kỹ hơn vấn đề này ở mục II.2.b nha, nhớ đọc hết á, chất xám trong đây không á!

Vit C dùng tại chỗ bảo vệ chống lại tác hại của ánh nắng mặt trời chủ yếu như một chất chống oxy hóa nội bào làm vô hiệu hóa các gốc tự do từ tia UV gây ra. Mình nhấn mạnh rằng: bản thân vit C không phải là một chất chống nắng, mặc dù việc thoa vitamin C chắc chắn làm giảm ban đỏ và cháy nắng ngay cả khi thoa sau khi ra nắng. Kiểm tra mô học xác nhận sự bảo vệ này: điều trị với 10% vit C tại chỗ làm giảm số lượng “tế bào bị cháy nắng” bất thường từ 40–60% và giảm tác hại của tia UV lên DNA tới 62% (8).

Vit C dùng tại chỗ cũng trực tiếp chống viêm. Khi thoa vit C lên da trước và sau khi phẫu thuật bằng laser CO2, chỉ sau 2 tháng sẽ giảm mẩn đỏ (trái ngược với việc chữa lành vết thương thông thường 3 – 4 tháng mà không cần điều trị) (10). Vit C tại chỗ cũng điều trị hiệu quả chứng viêm da do rosacea (11).


Hiện nay, các nhà sản xuất đã giải quyết được vấn đề không ổn định của LAA bằng cách điều chế ra các loại dẫn xuất để khóa lại các nhóm OH của C2 hoặc C3, vì những nhóm OH đó sẽ dễ bị oxy hóa khi bị tác nhân ngoài tác động.
Hình 6: Bằng cách khóa lại 2 nhóm OH của C2 và C3 thì sẽ khiến cho phân tử vit C được bền hơn (ổn định)
Mình sẽ chia dẫn xuất của vit C thành 2 loại: 1 bên ưa dầu, 1 bên ưa nước nhe:
Hình 7: Các dẫn xuất của vit C ưa nước và ưa dầu (Tổng hợp và vẽ lại từ (1), (3)
Sở dĩ mình chia ra 2 bên nước và dầu như vậy với mục đích là:
- So sánh sự ổn định (Stability)
- Chuyển hóa thành LAA (Conversion to LAA)
- Sự thâm nhập qua da (Percutaneous absorption)
- Bảo vệ khỏi ánh nắng (Photoprotection)
- Khả năng tăng sinh collagen (Cutaneous neocollagenesis)
- Ức chế hình thành hắc tố (Inhibition of melanogenesis)
Lý do lớn nhất khi các nhà điều chế sản xuất ra những dẫn xuất này là vì tính không ổn định của vitamin C, và vitamin C thẩm thấu qua da không tốt do phân tử của vitamin C tích điện (khó mà chui qua da được). Nhưng khi điều chế ra những dẫn xuất như vậy, thì chúng cũng sẽ có mặt lợi và bất lợi. Mặt lợi là các dẫn xuất vit C thì sẽ có đa số là ổn định, nhưng mặt bất lợi đó là chi phí điều chế cao hơn nên khiến cho ngành mỹ phẩm phải giảm lượng dẫn xuất vit C trong sản phẩm của họ.
Bảng 1: Sự so sánh giữa các tính chất của vit C (Tổng hợp và dịch từ (1))

2 dẫn xuất này là muối của của ion Mg2+/Na+, cho nên chúng sẽ bền ở mức pH=7 (trung hòa). Nhóm Phosphate trong đây có vai trò bảo vệ phân tử vit C không bị thoái biến vì liên kết với OH của C2 trong phân tử (như mình đã đề cập ở trên), nhưng mặt trái ở đây đó chính là bản thân của MAP và SAP sẽ không có tính chống oxy hóa như LAA (vì nhóm OH C2 có tác dụng chống oxy hóa, bị khóa rồi thì làm sao mà hoạt động được nữa chứ). Nên vì vậy, hiệu quả chống oxy hóa của chúng sẽ phụ thuộc vào quá trình chuyển đổi thành LAA in vivo, nhờ vào 1 loại enzyme cắt đứt nhóm phosphate đó ra (14).
Mặc dù khi được gắn nhóm phosphate vào LAA sẽ giúp cho vit C tăng tính ổn định hơn, nhưng do phân tử này tích điện mạnh hơn cả LAA, nên việc thâm nhập qua da thì sẽ khó khăn hơn nhiều, và nên nhớ rằng để vit C phát huy được hiệu quả thì chúng cần phải đi xa nhất trên da. Trong nghiên cứu số (15), họ đã chứng mình được 1 điều rằng muối ascorbyl phosphate hấp thu kém hơn so với LAA.
Vậy theo mình thấy thì phương pháp tốt nhất để cải thiện sự thâm nhập của LAA và các dẫn xuất của chúng thì chỉ có thể giải quyết bằng phương pháp laser, mài da vi điểm, hoặc sử dụng sóng siêu âm (sonophoresis) để đưa dẫn tốt hơn (16), (17), (18).

3 dạng dẫn xuất này được sử dụng 1 cách rộng rãi trong thương mại, vì chúng thể hiện được tính ổn định của mình > so với LAA. Cùng nhìn lại vào phân tử của chúng, thì AA-2G và VC-IP đều bị khóa đi ở OH C2, khiến cho vit C đc ổn định hơn và không bị “chết yểu” trước khi thâm nhập vào da. Còn AA-Pal thì bị este hóa bởi Palmitic acid ngay OH của C6, thì không có nghĩa lý gì để bảo vệ phân tử vit C cả, nên phân tử AA-Pal cũng dễ bị thoái biến như LAA, nhưng bù lại AA-Pal sẽ thâm nhập được vào da tốt nhờ gốc Palmitate (không phân cực). Theo mình nghĩ thì để AA-Pal ổn định trước khi bị thoái biến, thì có thể trông chờ vào hệ nền của sản phẩm thui. Về hệ nền mình sẽ đề cập ở phần II.2 nhe.
Về phần AA-2G, dẫn xuất này ổn định hơn, khi đi qua da, chúng sẽ được enzyme α-glucosidase cắt đứt liên kết giữa LAA và nhóm glucose đi (19), khiến dễ chuyển hóa thành dạng LAA và phát huy hiệu quả trên da hơn. Giống như là lợi dụng gốc glucose để đưa vit C vào da và sau đó loại bỏ glucose đi, còn lại cứ để LAA lo. Tuy nhiên, về tốc độ xâm nhập của AA-2G thì vẫn chưa được xác định trên con người, chỉ là thí nghiệm in vitro (1).
Kế tiếp là VC-IP, dẫn xuất này ổn định hơn nhờ vào 4 gốc iso-palmitate được gắn ở nhóm OH thứ 2, 3, 5, 6. Khi bôi tại chỗ, VC-IP vẫn thể hiện được tác dụng sinh lý của LAA, tức là nó sẽ thâm nhập qua lớp biểu bì và chuyển đổi in vivo thành LAA (20). Có 1 công bố thương mại cho thấy sự hấp thụ qua da người khi bị cắt (được so sánh trên đơn vị mol) thì VC-IP hấp thụ > 4 lần so với MAP (MAP hấp thụ kém). Hơn nữa, nhà sản xuất (Nikko Chemicals Co Lts, Tokyo, Nhật Bản) cũng đã chỉ ra rằng trong các công thức có pH>5, VC-IP sẽ không ổn định (20).

Như mình đã bàn ở trên, thì LAA rất khó ổn định trong nước, LAA sẽ dễ bị thoái biến khi có: ánh sáng, pH cao, nhiệt độ cao, ion kim loại, tiếp xúc với O2. Giải quyết được vấn đề đó, thì các nhà sản xuất họ đã điều chế ra dẫn xuất của vit C như ở trên mình đã bàn luận. Phần này mình sẽ đề cập về vấn đề hệ nền của vit C rõ ràng hơn: kết cấu, công nghệ micro, nano-encapsulated (bọc nano), đặc tính lý hóa để bảo quản cho vit C tốt hơn nhe! Chờ xíu để uống miếng nước rồi viết tiếp :))).

Các nhà sản xuất đã sử dụng các dạng dung môi thích hợp như glycol để tạo thành 1 pha, pha dầu này sẽ chứa các chất như: dầu silicone, hoặc 1 loại dầu khác miễn là chúng để lại 1 lớp mỏng trên da. Ngoài ra Vit C có thể hòa tan nước, và chúng ta có thể dùng những dung môi polyol như: propylene glycol, glycerin, polyethylene glycol, hexylene glycol, glycereth-7, glycereth-26, ethoxydiglycol, ethanol (3).
Tác dụng của những polyol này là sẽ tạo 1 lớp để ngăn chặn sự bay hơi của chất tan trong sản phẩm và cũng chống oxy đi vào nước hơn là ngăn sự oxy hóa. Tuy nhiên, dung môi polyol này sẽ không bền khi có chất tích điện đi vào hệ (vit C là điển hình), chúng sẽ phá đi hệ polyol, nên buộc phải bỏ thêm vào các chất hoạt động bề mặt (surfactants) vì bản thân surfactants vừa có đầu ưa nước và ưa dầu, khiến hỗn hợp polyol và vit C + nước có thể kêt hợp với nhau lại thành 1 hệ hoàn chỉnh, bảo quản tốt hơn.
Mình có 2 nghiên cứu ở đây so sánh về độ ổn định của công thức chuẩn gốc nước và nhũ tương ở dạng khan (không chứa nước) chứa vit C (21) (22). Độ ổn định của vit C được đánh giá trực quan và qua hệ thống sắc ký lỏng. Các công thức mỹ phẩm ở ngoài thị trường là bằng chứng cho việc sự oxy hóa của vit C, chúng đều bị ngả sang vàng khi công thức chứa glycerin trong silicone và được đưa lên nhiệt độ 50oC. Ngoài ra 2 nghiên cứu còn cho thấy rằng: Nền sản phẩm ở dạng khan có thể giúp vit C ổn định cao hơn 10% trong 1 thời gian dài, nhiều hơn hẳn so với tiêu chuẩn của các sản phẩm thương mại trên thị trường.

Việc sử dụng liên hợp các AOX là 1 điều tất yếu cho cơ thể. Như Hình 5 ở trên mình cũng đã biểu diễn chu trình của các AOX hỗ trợ cho nhau. Vit C bảo quản các ngăn chứa nước của tế bào, còn nhiệm vụ của vit E sẽ bảo vệ cấu trúc lipid. Sau quá trình oxy hóa, vit E có thể được tái sinh trong màng tế bào nhờ vit C. Từ khi phát hiện được điều này, họ đã tạo ra sự kết hợp 15% Vit C + 1% Vit E để thúc đẩy khả năng bảo vệ tốt hơn, chống lại ban đỏ và ngăn chặn lại sự hình thành liên kết ngang giữa 2 Thymine trong 1 mạch đơn DNA (21) (đột biến này xuất hiện là do tia UV gây ra, trong Sinh 12 có đề cập đến về vấn đề này đó nhe!).
Ngoài ra, mình thấy trong các nghiên cứu số (22) (23), Ferulic acid (1 AOX đến từ thực vật khá là mạnh) được đưa vào phức hợp 15% vit C + 1% vit E. Việc bổ sung 0.5% Ferulic acid làm tăng độ ổn định của vit C lên tới 90% và tăng gấp đôi khả năng bảo vệ vit C khỏi ánh sáng. Bởi vậy mới có huyền thoại phức hợp 15% LAA + 1% vit E + 0.5% Ferulic acid của nhà SkinCeuticals đó mọi người, phức hợp đó là bản quyền của SkinCeuticals nên giá khá là chát. Các tác giả cũng báo cáo rằng Ferulic acid có thể tương tác tốt với các chất tiền oxy hóa, và nó còn hoạt động như 1 chất nền chính. Sự gia tăng bảo vệ quang học có thể được giải thích là do hoạt động chống oxy hóa cao hơn của phức hợp đó.

Đã có 1 số hệ thống vận chuyển tiên tiến hơn, chủ yếu là dùng các dạng bọc như: liposome, polyme dạng nano (Polymeric Nanoparticle), bọc silica ở dạng nano (Silica Mesoporous nanoparticle), Micelles and Micrroemulsions.

Hình 8: Một số hệ vận chuyển cho vit C được dung nạp vào cơ thể tốt hơn và cơ chế để cải thiện đích đến của thuốc (3)
Về phần này có thể sắp tới mình sẽ làm riêng hẳn cho các bạn đọc luôn nha! Vì nó khá là dài và hay ho, nên mình chỉ tạm đề cập sơ trong bài vit C này thôi, lướt xuống để đọc tiếp với mình nào.

Phần này mình sẽ tóm lại các ý chính khi sử dụng vit C cho các bạn dễ chọn nhé (O2)
- PHẢI CHỐNG NẮNG THẬT KỸ!!! Điều quan trọng phải nhắc nhiều lần!
- Phải ở nền nước khi dùng dạng LAA
- Chọn các sản phẩm có công bố độ pH rõ ràng, khoảng từ 2,5 – 3,5.
- Ngoài ra khi sử dụng các sản phẩm LAA có độ pH thấp, thì mọi người nên xem nó như là AHA/BHA và sử dụng có tần suất, vì LAA bản thân là acid nên cũng có thể gây kích ứng khi sử dụng quá liều đó nhen! Nhớ đó!!! Còn đối với các dẫn xuất khác thì không cần phải lo lắng về điều này nhiều.
- Nồng độ ở khoảng 10-20% LAA thì mới có công dụng, nhưng phải tùy thuộc vào hệ nền nữa. Nhớ là khi chọn LAA thì phải chọn chung các AOX đi kèm: Vit E, Ferulic acid, Coenzyme Q10, EGCG (chiết xuất trà xanh), Glutathione, Resveratrol, các chiết xuất thực vật có chứa AOXs,…
- Một lưu ý đặc biệt là: LAA chỉ nên dùng cho các loại da thường —> dầu, vì độ pH của sản phẩm thấp nên da khô và nhạy cảm xài sẽ dễ bị kích ứng. Còn các dẫn xuất MAP, SAP thì da nào cũng xài thoải mái nhe!
- Nếu xài vit C vào ban ngày thì sử dụng trước kem chống nắng để tăng hiệu quả chống oxy hóa lên cao nhất cho da nha, tuy nhiên có thể gây xuống tone da vào cuối ngày vì vit C bị oxy hóa, nên hãy nhớ reapply kem chống nắng vào giữa ngày để đạt hiệu quả bảo vệ tốt nhất đó.
- Khi chọn LAA thì không nên chọn những sản phẩm có chứa phẩm màu vàng và cam và nâu, vì hãng bỏ vào là để khiến mình không nhận biết được sự oxy hóa của Vit C có diễn ra hay không (vit C thường bị oxy hóa có màu vàng và nâu).
- À, packaging cũng khá quan trọng, nếu vỏ chai là thủy tinh thì phải tối màu (cách ly ánh sáng càng tốt), khi sử dụng phải bọc giấy bạc và để tủ lạnh cho riêng LAA, buộc phải kín ánh sáng.

Đối với mình thì khi mua các sản phẩm vit C thì chúng ta cần phải có sự đầu tư nhiều hơn (giống Retinol vậy), nhất là dạng LAA, vì chúng giúp ích nhiều cho cơ thể, cùng mình ngắm nghía qua những sản phẩm chứa Vit C này nhé mọi người :))) Xem review chi tiết bên dưới nheeee!
15% LAA + 1% vit E + 0,5% Ferulic acid (SkinCeuticals)
_Sản phẩm này mình cũng khá tâm đắc vì SkinCeuticals có bản quyền công thức 15% LAA + 1% vit E + 0.5% Ferulic acid
_LAA ở nền nước cũng với hệ nền bảo quản, đưa dẫn giúp cho vit C được đi xa hơn trên da, vùng pH = 2.5 nên khá là mạnh, nhưng hiệu quả mang lại cũng cao.
_Sự ổn định của LAA được bảo vệ tốt hơn nhờ hệ thống Vit E + Ferulic acid giúp LAA không bị thoái biến ở ngoài môi trường
_Bao bì thiết kế đẹp, vỏ chai màu tối tránh ánh sáng tác động
_Sản phẩm này thường sẽ phù hợp từ da thường tới da dầu, vì có tính acid cao nên nếu da khô xài sẽ rất khó chịu đấy
10 – 15 – 20% LAA Professional C®-Serum (Obagi)
_Thương hiệu thứ 2 cũng khá ấn tượng với mình, kỳ phùng địch thủ với nhà SkinCeuticals, vì họ có phân chia % LAA để có thể dễ xài hơn và có cho mình những research về hiệu quả sản phẩm của mình với nhà SkinCeuticals.
_Về hệ nền thì mình không thấy, nhưng họ có dẫn ra các chứng mình rằng: Sản phẩm 20% LAA của họ hấp thụ tốt hơn 20% LAA so với nhà SkinCeuticals sau 24h apply serum (cụ thể là 333µg > 239µg); còn sau 19h apply 2 serum này thì Obagi hấp thụ khoảng 66µg > SkinCeuticals 12µg (O3), nghiên cứu ở đây cụ thể là in vitro (trong ống nghiệm), không có nghiên cứu lâm sàng.
_Những con số trên cũng có thể gián tiếp biết được hệ nền vit C của họ khá là tốt, đáng đồng tiền bát gạo để mà mua trải nghiệm! À sản phẩm này mình lưu ý rằng có 1 chút hương liệu nên test với vùng da nhỏ trước nha
Vita-C Glycolic Brightening Serum (Murad)
_Chứa active chính là LAA và Glycolic acid, 2 thành phần chính này đóng vai trò trong việc tẩy tbc và hỗ trợ làm bật tone da hơn, có thể trị thâm nám. Vì Glycolic thanh tẩy tbc trên da nên LAA có thể được dắt vào sâu trong da hơn.
_Công thức chứa khá nhiều chất chống oxy hóa khác, giúp hỗ trợ cho LAA được ổn định hơn: Glutathione, Tetrahexyldecyl Ascorbate (dẫn xuất vit C), vit E… à ngoài ra hãng còn claim rằng LAA của họ được kẹp chung với vàng thật, giúp cho vit C của họ được dẫn dắt sâu hơn vào da và ổn định công thức của LAA, đúng là tiền nào của đó :)))
_Một loạt các chiết xuất thực vật và các chất làm dịu da như: Urea, dầu dừa, tiêu tứ xuyên, thủy phân chiết xuất thực vật Verbascum,… giúp cho tránh bị kích ứng khi dùng LAA và Glycolic acid ở nồng độ cao
_Kết cấu của sản phẩm dạng cream, để lại trên da 1 lớp mỏng khiến da không bị bít tắc.
_Hãng có claim rằng sau 4 tuần sử dụng sẽ cải thiện 83% độ sáng, cải thiện 86% sức sống của da
C15 Super Booster (Paula’s Choice)
_15% LAA + vit E + Ferulic acid, vẫn là bộ 3 chống oxy hóa này, mức pH=3.0 giúp tăng hiệu quả trong việc làm sáng da, mờ thâm.
_Đi kèm với các peptide như: Hexanoyl Dipeptide-3, Norleucine Acetate giúp cải thiện quá trình tự bong tế bào chết, khiến da smooth hơn, cũng như là tăng đàn hồi.
_Các chất làm dịu da như muối HA, Bisabolol (chiết xuất hoa cúc), Lecithin khiến cho da không bị kích ứng khi xài LAA có độ pH thấp
_Đây cũng là sản phẩm phù hợp với những ai muốn bắt đầu sử dụng vit C LAA, nền sản phẩm này giúp da thích nghi trước với LAA, sau đó tiến dần tới những sản phẩm có độ pH thấp hơn hoặc % LAA cao hơn. Highly recommend loại này cho các bạn mới tập tành dùng LAA.
20% LAA + vit E + Ferulic acid (Timeless)
_Công thức huyền thoại LAA + vit E + Ferulic acid, với độ pH=2.4 khiến cho LAA được hoạt động tốt hơn, đi kèm với các AOX để LAA tránh bị thoái hóa sớm.
_Hệ nền của sản phẩm khá đơn giản gồm các polyol và chất hoạt động bề mặt giúp giữ cho kết cấu LAA dạng nước được ổn định hơn
_Không cồn lẫn hương liệu, an toàn cho mọi người sử dụng
_Tip dành cho da khỏe: Trước đó sử dụng 1 lớp AHA, sau đó dùng vit C nếu da đủ khỏe và làm quen lâu với acid, điều này sẽ cải thiện độ đàn hồi, bề mặt da smooth và glowly hơn, giúp LAA thấm sâu hơn vào trong da.

A) Research
1) Stamford, N. P. (2012). Stability, transdermal penetration, and cutaneous effects of ascorbic acid and its derivatives. Journal of cosmetic dermatology, 11(4), 310-317.
2) Davey, M. W., Montagu, M. V., Inze, D., Sanmartin, M., Kanellis, A., Smirnoff, N., … & Fletcher, J. (2000). Plant L‐ascorbic acid: chemistry, function, metabolism, bioavailability and effects of processing. Journal of the Science of Food and Agriculture, 80(7), 825-860.
3) Caritá, A. C., Fonseca-Santos, B., Shultz, J. D., Michniak-Kohn, B., Chorilli, M., & Leonardi, G. R. (2020). Vitamin C: One compound, several uses. Advances for delivery, efficiency and stability. Nanomedicine: Nanotechnology, Biology and Medicine, 24, 102117.
4) Meščić Macan, A., Gazivoda Kraljević, T., & Raić-Malić, S. (2019). Therapeutic perspective of vitamin C and its derivatives. Antioxidants, 8(8), 247.
5) Ponec, M., Weerheim, A., Kempenaar, J., Mulder, A., Gooris, G. S., Bouwstra, J., & Mommaas, A. M. (1997). The formation of competent barrier lipids in reconstructed human epidermis requires the presence of vitamin C. Journal of investigative dermatology, 109(3), 348-355.
6) Pullar, J. M., Carr, A. C., & Vissers, M. (2017). The roles of vitamin C in skin health. Nutrients, 9(8), 866.
7) Romana‐Souza, B., Silva‐Xavier, W., & Monte‐Alto‐Costa, A. (2020). Topical application of a commercially available formulation of vitamin C stabilized by vitamin E and ferulic acid reduces tissue viability and protein synthesis in ex vivo human normal skin. Journal of Cosmetic Dermatology.
8) Darr, D., Combs, S., Dunston, S., Manning, T., & Pinnell, S. (1992). Topical vitamin C protects porcine skin from ultraviolet radiation‐induced damage. British Journal of Dermatology, 127(3), 247-253.
9) Uchida, Y., Behne, M., Quiec, D., Elias, P. M., & Holleran, W. M. (2001). Vitamin C stimulates sphingolipid production and markers of barrier formation in submerged human keratinocyte cultures. Journal of investigative dermatology, 117(5), 1307-1313.
10) Alster, T. S., & West, T. B. (1998). Effect of topical vitamin C on postoperative carbon dioxide laser resurfacing erythema. Dermatologic surgery, 24(3), 331-334.
11) Bergfeld, W., & Pinnell, S. (1996). Topical vitamin C. Dialogues in dermatology. Am Acad Dermatol, 38, 1.
12) Phillips, C. L., Combs, S. B., & Pinnell, S. R. (1994). Effects of ascorbic acid on proliferation and collagen synthesis in relation to the donor age of human dermal fibroblasts. Journal of investigative dermatology, 103(2), 228-232.
13) Burke, K. E. (2004). Photodamage of the skin: protection and reversal with topical antioxidants. Journal of cosmetic dermatology, 3(3), 149-155.
14) Austria, R., Semenzato, A., & Bettero, A. (1997). Stability of vitamin C derivatives in solution and topical formulations. Journal of pharmaceutical and biomedical analysis, 15(6), 795-801.
15) Lee, A. R. C., & Tojo, K. (1998). Characterization of skin permeation of vitamin C: Theoretical analysis of penetration profiles and differential scanning calorimetry study. Chemical and pharmaceutical bulletin, 46(1), 174-177.
16) Lee, W. R., Shen, S. C., Wang, K. H., Hu, C. H., & Fang, J. Y. (2003). Lasers and microdermabrasion enhance and control topical delivery of vitamin C. Journal of investigative dermatology, 121(5), 1118-1125.
17) Hakozaki, T., Takiwaki, H., Miyamoto, K., Sato, Y., & Arase, S. (2006). Ultrasound enhanced skin‐lightening effect of vitamin C and niacinamide. Skin Research and Technology, 12(2), 105-113.
18) Hsiao, C. Y., Huang, C. H., Hu, S., Ko, Y. S., Sung, H. C., & Huang, S. Y. (2011). Skin pretreatment with lasers promotes the transdermal delivery of vitamin C derivatives. Lasers in medical science, 26(3), 369-376.
19) Ichiyama, K., Mitsuzumi, H., Zhong, M., Tai, A., Tsuchioka, A., Kawai, S., … & Gohda, E. (2009). Promotion of IL-4-and IL-5-dependent differentiation of anti-μ-primed B cells by ascorbic acid 2-glucoside. Immunology letters, 122(2), 219-226.
20) Barnet Products Corp. BV-OSC (tetrahexyldecyl ascorbate); a stable, oil-soluble form of vitamin C. Technical Bulletin. Englewood Cliffs NJ: Barnet Products Corp.
21) Segall, A. I., & Moyano, M. A. (2008). Stability of vitamin C derivatives in topical formulations containing lipoic acid, vitamins A and E. International journal of cosmetic science, 30(6), 453-458.
22) Lee, C. M. (2016). Fifty years of research and development of cosmeceuticals: a contemporary review. Journal of cosmetic dermatology, 15(4), 527-539.
23) Lin, F. H., Lin, J. Y., Gupta, R. D., Tournas, J. A., Burch, J. A., Selim, M. A., … & Pinnell, S. R. (2005). Ferulic acid stabilizes a solution of vitamins C and E and doubles its photoprotection of skin. Journal of Investigative Dermatology, 125(4), 826-832.
B) Others
O1) https://chemistry.stackexchange.com/questions/89928/which-is-the-most-acidic-hydrogen-in-vitamin-c
O2) https://myawesomebeauty.com/best-vitamin-c-serum/
O3) https://www.obagi.com/patients/product-line/professional-c-products/?tab=real-results