Tác giả: Lê Phước Thành Đạt

- Peptide là gì
- Khái niệm: Peptide, Oligopeptide
- Phân loại peptide
- Công dụng cụ thể
- Lợi ích chung
- Lợi ích đối với làn da
- Signal peptide
- Carrier Peptides
- Neurotransmitter Inhibitor Peptides (Peptide ức chế dẫn truyền thần kinh)
- Enzyme Inhibitor Peptides (Peptide ức chế Enzym)
- Structural peptide
- Cell-penetrating peptide
- Một số giới hạn của peptides
- Mức độ thâm nhập vào da
- Độ lớn dữ liệu và giá thành
- Tóm gọn và review một số sản phẩm peptide
- Tóm gọn
- Gợi ý sản phẩm
- Reference
Peptide là một trong những thành phần nghiên cứu tiềm năng hiện nay và được các hãng mỹ phẩm sử dụng khá nhiều trong các sản phẩm của họ. Tuy vậy nó có thực sự là một thành phần “thần thánh” trong mỹ phẩm hay không? Hãy tìm hiểu với mình trong bài viết này nhé!


Peptit là một nhóm các amino acid được liên kết với nhau bằng các liên kết peptit. Các peptit có nguồn gốc tự nhiên có các vai trò sinh học đa dạng, nổi bật nhất là vai trò như các phân tử tín hiệu và điều chỉnh trong nhiều quá trình sinh lý của cơ thể như phòng thủ, miễn dịch, stress, tăng trưởng, cân bằng nội môi và sinh sản [3].
Các chuỗi có ít hơn mười hoặc mười lăm amino acid được gọi là oligopeptides. Polypeptide là các chuỗi peptide dài hơn, liên tục, không phân nhánh và chứa tối đa khoảng 50 amino acid [O4].
Những peptide đầu tiên được ghi chú là vào những năm đầu của thế kỷ 19. Quá trình tổng hợp peptide đầu tiên được công bố vào năm 1901 [1].
Mối liên hệ giữa Protein, Peptide và Amino acid:
Các bạn có thể dùng ví dụ của Dr.Dray để dễ hiểu hơn. Ví dụ như Protein là một công ty thì peptide sẽ là một phòng ban trong công ty đó còn Amino acid sẽ là các nhân sự làm việc trong phòng ban đó [O3]

Có rất nhiều phân loại peptide có trong tự nhiên và cơ thể con người [O4], tuy nhiên số phân loại của peptide thoa ngoài da thì con số này là 4 vào những năm 2000 [2] và tăng lên 5 loại theo bài review 2017 [1], đó là: Signal peptides, Structural peptides, Carrier peptides, Neurotransmitter-inhibitor peptides and Enzyme inhibitory peptides. Có rất nhiều peptide con trong từng nhóm phân loại và đôi khi chúng sẽ có cơ chế hoạt động và hiệu quả trên da khác nhau
Hình 1: Một số loại peptide thường được dùng thoa ngoài ra [1] (Matricin peptides đôi khi gọi là Signal peptides)


Các peptide tự nhiên của con người được biết đến là có khả năng giao tiếp tế bào, ví dụ như khả năng điều hòa protein, tăng sinh tế bào, di cư, viêm, hình thành mạch và hắc tố, dẫn đến nhiều quá trình sinh lý có liên quan ví dụ như phòng thủ, miễn dịch cơ thể, stress, trăng trường, cần bằng nội môi và sinh sản như đã đề cập ở trên [2,3]

Còn trong mỹ phẩm, peptide sử dụng chủ yếu với mục tiêu cải thiện dấu hiệu lão hóa da; một số peptide cũng có khả năng cấp nước, dưỡng ẩm tốt [1,2,3,O1,O2,O3]
Tiếp theo, hãy cùng tìm hiểu từng nhóm peptide và các peptide nổi bật với nhiều số liệu nhất trong từng nhóm nhé, đặc biệt là hợp chất được nhiều hãng mỹ phẩm quảng bá như Copper Peptide, Matrixyl®, Matrixyl ™ 3000.

Một số peptide có thể kích hoạt đường truyền tín hiệu (signal). Nó được tiết ra từ chất nền ngoại bào và cũng thường được gọi là Matricins hoặc Chất kích thích collagen. Các peptide này sẽ kích thích sự tăng sinh của Collagen, elastin, proteoglycan, glycosaminoglycan (GAG) và fibronectin. Nhờ đó, các sắc tố của vùng da bị tổn thương bởi các tia UV và nếp nhăn sẽ giảm đi và các tế bào nền của da sẽ được tái tạo – độ đàn hồi của da tăng lên và da sẽ mịn màng và săn chắc hơn. Các peptide tổng hợp được dựa trên việc sửa chữa các tín hiệu sắp được nhắc đến đây được dùng trong mỹ phẩm với mục tiêu chủ yếu là trẻ hóa làn da, cải thiện các dấu hiệu lão hóa [1]
– Carnosine và N-Acetylcarnosine: Chống Oxya hóa, hỗ trợ làm mịn da và giảm độ sâu của một số nếp nhăn
Hai hợp chất có khả năng chống Oxy hóa và hỗ trợ làm mịn da và giảm độ sâu của một số nếp nhăn. N-Acetylcarnosine (NAC) là hợp chất tự nhiên có liên quan đến dipeptide carnosine. Cấu trúc phân tử NAC giống với carnosine ngoại trừ nó mang thêm một nhóm acetyl. Quá trình acetyl hóa làm cho NAC có khả năng chống lại sự phân hủy bởi carnosinase, một loại enzyme phân hủy carnosine thành các amino acid cấu thành của nó, beta-alanine và histidine [O5].
– Palmitoyl Tripeptide-1 và Matrixyl ™ 3000: Cải thiện dấu hiệu lão hóa, giảm thô ráp da
Palmitoyl Tripeptide-1 có khả năng kích thích tổng hợp collagen và do đó hỗ trợ cải thiện vẻ ngoài của nếp nhăn. Sự kết hợp của 2 loại peptide: pal-GHK tripeptide và pal-GQPR tetrapeptide thường được sử dụng trong các mỹ phẩm hỗ trợ chống lão hóa với tên thương mại là Matrixyl ™ 3000. Trong một nghiên cứu lâm sàng ngẫu nhiên với 28 tình nguyện viên sử dụng sản phẩm mỹ phẩm có chứa Matrixyl™3000 thoa vào phân nửa mặt của họ và một trong hai tay và giả dược vào nửa mặt và cánh tay con lại 2 lần mỗi ngày và nhận thấy hiệu quả cải thiện nếp nhăn, giảm độ sâu của nếp nhăn, thể tích, mật độ , độ thô ráp của da cũng như giảm diện tích của các nếp nhăn và cải thiện sắc tố da [1]
– Palmitoyl Tripeptide-3/5 (SYN®-COLL): Cải thiện dấu hiệu lão hóa, giảm thô ráp da
Palmitoyl tripeptide-3/5 (SYN®-COLL) có thể kích thích sản xuất collagen trong một vài nghiên cứu in vitro (trong ống nghiệm) và in vivo (ở tế bào sống) thông qua yếu tố tăng trưởng TGFβ.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng palmitoyl tripeptide-3/5 có thể ngăn chặn sự phân hủy collagen bằng cách can thiệp vào 2 enzyme phân hủy collagen là MMP1 và MMP3. Palmitoyl tripeptide-3/5 dường như có thể tăng cường tổng hợp collagen và làm giảm sự phân hủy collagen. Dữ liệu bổ sung cho thấy palmitoyl tripeptide-3/5 có hiệu quả hơn giả dược 3,5 lần trong việc cải thiện các dấu hiệu của nếp nhăn. Kết quả nghiên cứu in vivo của kem dưỡng chứa palmitoyl tripeptide-3/5 (0,001 – 0,0025%) cho thấy khả năng giảm nếp nhăn phụ thuộc vào nồng độ của peptide này [1] Trong một nghiên cứu kiểm chứng hiệu quả trên 60 tình nguyện viên người Trung quốc (84 ngày, thoa 2 lần mỗi ngày) palmitoyl tripeptide-3/5 đã được xác nhận là có hiệu quả cải thiện các dấu hiệu lão hóa và giảm sự thô ráp của da tốt hơn nhóm đối chứng, nhóm sử dụng giả dược và kem dưỡng có chứa peptide khác là pal-KTTKS [1]
– Palmitoyl Tripeptide-38: Tăng độ đàn hồi da và cải thiện dấu hiệu lão hóa
Một sản phẩm có chứa chiết xuất tế bào gốc của táo, urea, creatine và palmitoyl tripeptide-38 (Trình tự: Pal-Lys-Met (O2) -Lys-OH) được thoa lên mặt hai lần mỗi ngày trong 28 ngày, và được đánh giá lâm sàng và bằng dụng cụ ở 32 phụ nữ có làn da nhạy cảm có nếp nhăn chân chim. Kết quả điều trị cho thấy có sự gia tăng đáng kể về mật độ và độ đàn hồi của da, cũng như hiệu quả cải thiện nếp nhăn. Sản phẩm serum này cho thấy kết quả cải thiện rõ ràng sau một tuần điều trị [1]
Một nghiên cứu khác được thực hiện với 37 nữ tình nguyện viên ở độ tuổi 35 – 60. Họ được dùng sản phẩm kem dưỡng ẩm có chứa hỗn hợp peptide bao gồm palmitoyl tripeptide-38 và một số chiết xuất thực vật như Chiết xuất rễ cây hoàng kỳ, chiết xuất lá hương thảo (ursolic acid), tetrahexyldecyl ascorbate, and ubiquinone. Sản phẩm đạt được hiệu quả tốt và được đánh giá là dịu nhẹ và dung nạp tốt vào da [1]
– Palmitoyl Pentapeptide-4 (Matrixyl®): Hỗ trợ cải thiện nếp nhăn, kích thích sản xuất collagen và elastin
Palmitoyl pentapeptide-4, (Matrixyl®) (trình tự: Pal-Lys-Thr-Thr-Lys-Ser-OH or pal-KTTKS-OH) là một peptide nhỏ, có hoạt tính sinh học đặc hiệu cao và đã được báo cáo là có khả năng kích thích sản xuất elastin, fibronectin, glucosaminoglycan và collagens (cụ thể là collagen loại I, III và IV), hỗ trợ chất nền ngoại bào và chữa lành vết thương [1]
Trong một nghiên cứu mù đôi có đối chứng với giả dược, công thức có chứa pal-KTTKS (0,005%) được áp dụng cho vùng quanh mắt bên phải hai lần mỗi ngày trong 28 ngày. Kết quả cho thấy sản phẩm hỗ trợ giảm độ sâu của của nếp nhăn, độ dày nếp nhăn và độ cứng của da lần lượt là 18%, 37% và 21%. Những kết quả này cũng được xác nhận trong 2 nghiên cứu mù đôi có đối chứng giả dược khác (1 nghiên cứu với 42 đối tượng và 1 nghiên cứu với 35 đối tượng) có nếp nhắn quanh mắt từ trung bình đến rõ rệt [1]
Một nghiên cứu ngẫu nhiên, mù đôi có đối chứng với giả dược và split face (nửa mặt) với 93 đối tượng đã được tiến hành để đánh giá hiệu quả lâm sàng của thành phần này và kết quả là có sự cải thiện trong nếp nhăn. Trong một nghiên cứu mù đôi kéo dài 4 tháng khác, 49 phụ nữ được hướng dẫn bôi peptide này hoặc sản phẩm đối chứng lên mặt hai lần mỗi ngày. Kết quả cho thấy thành phần mang lại sự cải thiện đáng kể về độ nhám của da, số lượng nếp nhăn và độ sâu nếp nhăn so với sản phẩm đối chứng. Dữ liệu cho thấy Palmitoyl pentapeptide-4 gia tăng mật độ và độ dày của sợi elastin cũng như cải thiện collagen IV tại dermal-epidermal junction (lớp tiếp giáp giữa thượng bì và trung bì) [1]
– Palmitoyl Tetrapeptid-7: Hỗ trợ cải thiện nếp nhăn
Palmitoyl tetrapeptide-7 (tên thương mại là Rigin™) có khả năng chống viêm sau khi tiếp xúc với tia UVB. Trong các nghiên cứu in vivo và in vitro cho thấy sự pha trộn giữa palmitoyl oligopeptide và palmitoyl tetrapeptide-7 đã tăng cường cấu trúc nền ngoại bào khi so sánh với giả dược. 60 tình nguyện viên khỏe mạnh đã được thử nghiệm trong 12 tháng với một sản phẩm có chứa palmitoyl tetrapeptide-7 và một số hoạt tính khác. Kết quả cho thấy sản phẩm có làm giảm nếp nhăn trên khuôn mặt khi sử dụng lâu dài [1]
– Tetrapeptide-21: Tăng độ đàn hồi da, hỗ trợ cải thiện lão hóa
Tetrapeptit-21, còn được đặt tên là GEKG, có nguồn gốc từ các protein ECM. Peptide này đã được chứng minh trong các nghiên cứu in vitro là có khả năng gia tăng sản xuất collagen (Loại I), sản xuất các enzym tổng hợp hyaluronic acid (hyaluronic acid synthase 1) và cũng tăng sản xuất fibronectin. Sự gia tăng collagen (COL1A1), pro-collagen (tiền chất của collagen), hyaluronic acid và fibronectin, cũng như độ đàn hồi của da, đã được đo lường trong một nghiên cứu mù đôi, ngẫu nhiên, có đối chứng với giả dược (10 phụ nữ trong tám tuần). Một nghiên cứu đối chứng với giả dược với 30 đối tượng đã được thực hiện để phân tích tác động của GEKG đối với các nếp nhăn trên khuôn mặt thì kết quả cho thấy GEKG làm giảm đáng kể sự thô ráp của da [1]
Trong một nghiên cứu so sánh giữa GEKG so với pal-KTTKS (Palmitoyl Pentapeptide-4 (Matrixyl®) trên 60 đối tượng, độ đàn hồi tăng lên sau khi dùng 2 lần mỗi ngày trong 8 tuần là 41,3% đối với GEKG, trong khi pal-KTTKS cho thấy sự cải thiện 35,6% [1]
– Tetrapeptide PKEK: Làm trắng da
Tetrapeptide PKEK thì có khả năng làm trắng da. Một nghiên cứu được thực hiện trên phân nửa mặt của 39 phụ nữ da trắng để kiểm tra hiệu quả làm trắng da. Các đốm sắc tố trên mặt mờ đi đáng kể sau sáu tuần khi PKEK được kết hợp với thành phần có khả năng làm trắng da sodium ascorbyl phosphate (một phái sinh của vitamin C). Sự kết hợp của 2 thành phần này mang lại hiệu quả trắng da tốt hơn từng thành phần riêng lẻ. Một nghiên cứu khác đã xác nhận kết quả trên khi thử nghiệm bôi lên mu bàn tay của 19 người trong 8 tuần. Sau đó một nghiên cứu trên 27 người tình nguyện viên nữ Nhật bản cũng đã xác nhận khả năng làm sáng da của PKEK và sodium ascorbyl phosphate tốt hơn là chỉ dùng sodium ascorbyl phosphate. Từ đó, tác giả nhận định rằng PKEK có khả năng làm giảm sắc tốt da gây ra do tia UVB trong các mô hình đã nghiên cứu và có thể làm chất hiệu chỉnh sắc tố da trong mỹ phẩm [1]
Các peptide khác cũng có nghiên cứu trên người nhưng số lượng nghiên cứu cũng như số lượng quan sát trong nghiên cứu hạn chế nên mình không ghi cụ thể, ví dụ như:
– Trifluoroacetyl-Tripeptide-2
– Tripeptide-10 Citrulline
– Palmitoyl Hexapeptide-12
– Acetyl Tetrapeptide-9/11
– Hexapeptide-11
– Hexapeptide-14

Carrier peptide có khả năng phân phối và ổn định các nguyên tố vi lượng như Đồng và Mangan, cần thiết cho quá trình chữa lành vết thương. Các peptide này tham gia vào quá trình vận chuyển Đồng hoặc Mangan vào tế bào da [1]. Trong 2 loại peptide thì Copper peptide có nhiều thông tin nghiên cứu hơn nên mình chỉ đề cập Copper peptide [[1]
– Copper Tripeptide (Copper Peptide)
Phức hợp Copper tripeptide (copper peptide, hay còn gọi là Cu-GHK, lamin®) là một trong những peptide được nghiên cứu kỹ càng nhất. Nó đóng vai trò trong chất nền ngoại bào và thường được tiết ra ở vết thương hoặc viêm để hỗ trợ quá trình chữa lành. Nó hoạt động như một signal và carrier peptide, thúc đẩy tổng hợp collagen, elastin, proteoglycan và glycosaminoglycan và đồng thời còn đóng vai trò chống viêm và chống oxy hóa. Trong mỹ phẩm, Cu-GHK được dùng trong các sản phẩm chống lão hóa, hỗ trợ chống nhăn da, sản phẩm chăm sóc da sau khi tiếp xúc với ánh nắng, tái tạo da, dưỡng ẩm da và kích thích mọc tóc. Cu-GHK kích thích các phân tử điều hòa và tái tạo tế bào, và đồng thời giúp chữa lành da và các mô khác. GHK làm tăng đáng kể sự biểu hiện của các gene sửa chữa DNA, trong đó có 47 gene được kích thích và 5 gene bị ức chế [1]
Một số nghiên cứu đã xác nhận hiệu quả của Cu-GHK như: tăng sinh lớp tế bào sừng, độ săn chắc, độ đàn hồi, độ dày của da, nếp nhăn, sắc tố và các thương tổn nhẹ, tăng collagen, tăng cường protein của hàng rào bảo vệ da và cải thiện vẻ ngoài của da. Một số thí nghiệm in vitro (trong môi trường ống nghiệm) đã cho thấy Cu-GHK tăng và kích thích tổng hợp collagen, glycosaminoglycans và các phân tử chất nền ngoại bào khác và điều này đã được kiểm chứng bằng các thử nghiệm lâm sàng có đối chứng với giả dược. Đặc biệt, Cu-GHA dạng bôi đã được chứng minh là kích thích sự tổng hợp các chất pro-collagene (tiền collagene) và sự tổng hợp này vượt trội hơn đáng kể so với vitamin C, tretinoin hoặc melatonin [1]
Tương tự, một nghiên cứu trên 20 phụ nữ đã so sánh quá trình sản xuất collagen của da sau khi thoa các loại kem có chứa Cu-GHK, vitamin C hoặc retinoic acid lên đùi hàng ngày trong một tháng. Sản xuất collagen mới được xác định bằng các mẫu sinh thiết da sử dụng kỹ thuật mô miễn dịch. Sau một tháng, Cu-GHK làm tăng collagen ở 70% những người được điều trị, so với 50% được điều trị bằng vitamin C và 40% được điều trị bằng retinoic acid [1]
Leyden và cộng sự đã xác nhận trong hai nghiên cứu khác nhau (12 tuần áp dụng bởi 71 (nghiên cứu 1) hoặc 41 phụ nữ (nghiên cứu 2) các tác dụng có lợi về mặt lâm sàng của các sản phẩm có Cu-GHK trên cả làn da bị tổn thương do ánh nắng mặt trời và lão hóa. Kem dưỡng da cho mặt và kem dưỡng mắt có chứa Cu-GHK làm giảm các dấu hiệu lão hóa da và làm tăng mật độ và độ dày của da. Các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy sự cải thiện độ đàn hồi, độ ẩm của da và độ mịn của da đáng kể bằng cách kích thích tổng hợp collagen và giảm nếp nhăn [1]
Trong một nghiên cứu khác, kem dưỡng có chứa Cu-GHK được bôi hai lần một ngày trong 12 tuần trên 67 phụ nữ. Kem dưỡng này giúp cải thiện vẻ ngoài của làn da già nua, hư tổn do ánh nắng. Bằng các phân tích mô học của các mẫu sinh thiết da, người ta đã khẳng định lại rằng việc sử dụng các sản phẩm có chứa Cu-GHK bôi tại chỗ làm tăng độ dày của da trong phạm vi lớp biểu bì và hạ bì, đồng thời kích thích sự tăng sinh tế bào sừng của da [1]

Tác động đến vấn đề co cơ (muscle contraction) là một “chiến lược” khác để giúp giảm thiểu các dấu hiệu lão hóa như nếp nhăn. Mình sẽ không nhắc đến cơ chế cụ thể do sẽ hơi phức tạp và các bạn có thể đọc tại [1]. Nhìn chung, những peptide ức chế dẫn truyền thần kinh có khả năng thâm nhập vào da và làm thư giãn các cơ, từ đó làm giảm và làm mềm các nếp nhăn trên da. Một số Peptide ức chế dẫn truyền thần kinh phổ biến và có nhiều nghiên cứu sẽ được đề cập bên dưới:
– Acetylhexapeptide-3: Hỗ trợ cải thiện nếp nhăn
Acetylhexapeptide-3 (Argireline®) có khả năng ức chế sự giải phóng chất dẫn truyền thần kinh và do đó có tác dụng cải thiện nếp nhăn và ngoài ra nó còn tác dụng giữ ẩm. Bên cạnh đó, nó cũng có cải thiện độ săn chắc và sắc tố da [1]
Một nghiên cứu đối chứng với giả dược đã được ghi nhận lại. Nghiên cứu này so sánh sản phẩm chứa 10% của Acetylhexapeptide-3 và giả dược và được 10 quan sát là nữ sử dụng trong 30 ngày, 2 lần mỗi ngày. Các vùng da được điều trị với Acetylhexapeptide-3 cho thấy 30% cải thiện nếp nhắn ở vùng mắt. Trong một nghiên cứu khác [5] khi so sánh hiệu quả chống nếp nhăn ở nhóm sử dụng Acetylhexapeptide-3 đo được là 48,9% so với 0% ở nhóm giả dược (60 đối tượng, trong đó 45 người sử dụng Argireline và 15 người sử dụng giả dược 2 lần/ ngày trong 4 tuần) [1]
– Pentapeptide-18: Hỗ trợ cải thiện nếp nhăn
Pentapeptide-18 (tên thương mại: Leuphasyl®) có tác dụng được mô tả là giống-với-botox; và nó đã thể hiện hiệu quả giảm nếp nhăn, giữ ẩm da, cải thiện độ săn chắc và màu da.
Một loại kem có chứa Leuphasyl (0,05%) đã được so sánh với acetylhexapeptide-3 (0,05%) và hỗn hợp của cả 2 chất. Mức độ giảm nếp nhăn dodoosi với pentapeptide-18, acetylhexapeptide-3 và hỗn hợp lần lượt là 11.64%, 16.26%, và 24.62%. Pentapeptide-18 cũng được quan sát thấy là có tác dụng hiệp đồng, tăng hiệu quả khi sử udnjg chung với acetylhexapeptide-3 ở một số nghiên cứu. [1]
Ba sản phẩm chứa 3 nồng độ khác nhau của Leuphasyl (0,5%, 1% và 2%) được sử dụng trên da của 20 tình nguyện viên trong 2 tháng để xem nồng độ nào là tối ưu để Leuphasyl thể hiện các hoạt động bắc chước cơ cũng như hiệu quả và độ an toàn của peptide này [6]. Kết quả cho thấy, hiệu quả của peptide này là kém xa so với Botox nhưng nó hoàn toàn không có tác dụng phụ và giúp giảm thiểu một khía cạnh của nếp nhăn và đồng thời duy trì sự biểu cảm trên khuôn mặt. Để peptide này hoạt động tốt, có 2 điều kiện phải thỏa mãn:
(1) nồng độ tối thiêu là 2%
(2) thoa sản phẩm trên vùng da cơ bị ảnh hưởng bởi nếp nhăn và không nằm trên quỹ đạo của các nếp nhăn động
Để đánh giá thêm tác dụng chống nhăn da, một nghiên cứu với 22 phụ nữ có độ tuổi trung bình là 51 đã được thực hiện. Những người tình nguyện được tiêm botox ở vùng quanh mắt và kết hợp với liệu pháp thoa hai lần mỗi ngày trong 6 tháng. Khi so sánh với nhóm chứng, acetyl hexapeptide-8 và pentapeptide-18 ức chế sự giải phóng glutamate lần lượt là 20% và 11%, trong khi sự kết hợp của chúng làm giảm 40% glutamate (chất dẫn truyền thần kinh). Ngoài hiệu ứng riêng lẻ thì như đã đề cập, 2 thành phần này sử dụng chung với nhau sẽ có tác động hiệp đồng. Phương pháp thoa tại chỗ 2 peptide này từ đó chứng minh tác dụng mạnh mẽ trong khả năng cải thiện nếp nhăn da [1]
– Tripeptide-3: Hỗ trợ cải thiện nếp nhăn
Tripeptide-3 (còn có tên dipeptide diaminobutyroyl benzylamide diacetate hoặc SYN®-AKE) đã được thử nghiệm trong các công thức khác nhau để kiểm nghiệm trên các mô hình nghiên cứu trên động vật với nồng độ từ 1 – 4%. Các kết quả đã được báo cáo là làm mịn các vùng da có nếp nhăn một lát sau khi thoa sản phẩm lên. Kết quả nghiên cứu cho thấy Tripeptide-3 có thể làm giảm sự xuất hiện của các nếp nhăn sau 28 ngày lên đến 52% khi sử dụng sản phẩm dạng bôi với nồng độ là 4%. Kết quả từ một nghiên cứu kéo dài 3 tháng (37 quan sát) đã chứng minh rằng điều trị bằng Tripeptide-3 cung cấp những cải thiện trong ngắn hạn và dài hạn đối với biểu hiện của nếp nhăn [1]

Các peptide thuộc nhóm này ức chế enzym trực tiếp hoặc gián tiếp. Các oligopeptides từ đậu nành, hoặc silk fibroin peptide hoặc peptide gạo hoạt động trên các tế bào da. Các peptide nói trên ức chế các enzym như tTAT-superoxide dismutase, từ đó kích thích tăng sinh enzyme tổng hợp Hyaluronan hoặc trong trường hợp oligopeptides từ đậu nành là ức chế các enzyme phá hủy protein. Nhóm peptide này cho kết quả khá hứa hẹn, nhưng chỉ có rất ít hoặc hầu như không có nghiên cứu thực hiện trên da người được thực hiện. Do đó, mức độ hiệu quả vẫn chưa rõ ràng [1]. Peptide có tiềm năng nhất là Soybean peptides.
– Soybean Peptides
Oligopeptide đậu nành thu được từ protein của đậu nành, bao gồm 3-6 amino acid và chủ yếu kích thước là 300 – 700 kDa. Các hoạt tính sinh học khác nhau của oligopeptide trong đậu nành đã được xác định, chẳng hạn như tác dụng chống oxy hóa, hạ huyết áp và hạ lipid máu. Dữ liệu về oligopeptides đậu nành dạng bôi tại chỗ cho thấy dường như nó có khả năng bảo vệ làn da của con người chống lại tác hại của tia UVB.
Một nghiên cứu với 10 quan sát là nữ với peptide đậu nành cho thấy sự gia tăng đáng kể tổng hợp collagen và glycosaminoglycan và do đó cho thấy tiềm năng chống lão hóa của peptide này [1]

Các sản phẩm dạng bôi chứa keratin-based peptides được mô tả là có các đặc tính cầm máu, dưỡng ẩm, thúc đẩy việc sửa chữa tổn thương và có khả năng bảo vệ phóng xạ. Một nghiên cứu trên tế bào thật (in vivo) có đối chứng với giả dược đã được thực hiện. 9 phụ nữ khỏe mạnh có da đã được thử nghiệm keratin-based peptides (trọng lượng phân tử <1000 Da) (3%) so sánh với nước khử ion (3%) trong một loại kem bôi tay và được so sánh với các vùng da không được xử lý. Kết quả cho thấy vùng da được điều trị với peptide gốc keratin cải thiện khả năng giữ nước, hydrat hóa và độ đàn hồi. Kết quả cũng chỉ ra rằng điều trị bằng kem peptide gốc keratin có thể ngăn ngừa một số tác hại liên quan đến việc tiếp xúc với chất hoạt động bề mặt [1]
Kết quả nghiên cứu bổ sung (6 và 16 phụ nữ khỏe mạnh) với peptide gốc keratin (3%) đã thử nghiệm hai công thức khác nhau (dung dịch nước / huyền phù liposome hóa chất béo len bên trong (internal wool lipid liposome suspension). Kết quả chứng minh rằng các công thức có peptide gốc keratin bôi tại chỗ cải thiện tính toàn vẹn và khả năng giữ nước của hàng rào bảo vệ da. Do số lượng người tham gia rất thấp nên các nghiên cứu trong tương lai nên được thực hiện với nhiều tình nguyện viên hơn. Không có thông tin chi tiết về phương thức hoạt động của các peptit này [1]

Một phân loại peptide mới vào những năm gần đây đó là Cell-penetrating peptide – những peptide có khả năng thâm nhập tốt vào da và được sử dụng với mục đích dẫn truyền thuốc hoặc các active ingredient vào cơ thể thông qua đường bôi [7,8,9]. Mặc dù có tiềm năng nhưng vẫn còn một số vấn đề chưa được khám phá như cơ chế hoạt động của các peptides này cũng như các thử nghiệm lâm sàng. Trong tương lai, loại peptide này có thể hỗ trợ các peptide khác để thâm nhập vào da tốt hơn và khắc phục nhược điểm khó thấm qua da của đa số peptide.

Mặc dù lĩnh vực nghiên cứu của peptides ngày càng phát triển và được đánh giá là có tiềm năng, vấn đề về mức độ thâm nhập của Peptides vào da cũng như sự khan hiếm các nghiên cứu lâm sàng quy mô lớn và được kiểm soát tốt cũng như giá thành cao là những cản trở khiến peptides chưa phổ biến hơn trong thị trường mỹ phẩm.

Một trở ngại lớn khi sử dụng Peptides đường bôi là khả năng thẩm thấu của chúng vào da, và điều này được quan tâm rất nhiều trong các tài liệu mình đã tham khảo [1,2,3,O1].
Nhìn chung, khả năng thẩm thấu phụ thuộc vào một số yếu tố khác nhau: tính chất hóa lý của thành phần đó (Hằng số phân li của acid, kích thước phân tử, độ ổn định, ái lực liên kết, độ hòa tan và hệ số phân vùng (partition coefficient); thời gian thẩm thấu; tính toàn vẹn, độ dày và các thành phần của da, sự trao đổi chất ở da; vùng, khu vực và thời gian thoa… Tóm lại, lý tưởng nhất là có thành phần đó đáp ứng các thông số trong phạm vi được liệt kê dưới đây [2]:
1) Trọng lượng phân tử nhỏ hơn 500 Da; 2) hệ số phân tán octanol/nước trong khoảng 1 – 3; 3) Điểm nóng chảy nhỏ hơn 200 C; 4) Độ hòa tan trong nước hợp lý (>1 mg mL-1) ; 5) Không có hoặc ít phân cực. Sự khuếch tán của các phân tử trong lớp sừng liên quan đến kích thước và số lượng nhóm liên kết hydro trong phân tử, là cực đại đối với cá phân tử nhỏ không liên kết hydro và đạt mức tối thiểu với khoảng 4 nhóm liên kết hydro [2]
Vì peptides và protein có chứa nhiều liên kết amide (như là nhóm liên kết cho và nhận hydro) và ngoài ra bởi vì kích thước phân tử lớn nên chúng thường có khả năng khuếch tán thấp trong da. Ngoài ra, đặc tính ưa nước của chúng cũng là một yếu tố cản trở do lớp sừng ưa mỡ hơn [2]. Bên cạnh đó, có nhiều enzyme phân giải protein khác nhau có khả năng phân hủy nhanh chóng oligopeptide [3], Tuy vậy, một số công nghệ hiện đại đã giúp khắc phục một số nhược điểm này của peptides.
– Một số biện pháp cải thiện tính thấm của Peptide qua da hiện nay:
Ngày nay, peptide có thể được phát triển hoặc sửa đổi theo nhiều cách để hòa tan và thâm nhập vào da tốt hơn [1]. Để vượt qua rào cản của lớp sừng, một số kỹ thuật đã được sử dụng, ví dụ như là sử dụng sử dụng các chất tăng cường khả năng xâm nhập da, thay đổi trình tự peptide hoặc biến đổi tính chất hóa học của peptide, bọc peptide hoặc một số kỹ thuật khác như kết hợp với lăn kim, phi kim, …. [3]
Các chất tăng cường thẩm thấu làm thay đổi cấu trúc lipid của lớp sừng, do đó làm giảm các đặc tính của hàng rào bảo vệ da và tăng khả năng thẩm thấu. Các chất tăng cường thẩm thấu ví dụ như: cồn alcohols, azones, hexanoate, acid béo không bão hòa như oleic acid, pyrrolidones, urea, ester đường và một số chất hoạt động bề mặt. Các chất tăng cường thẩm thấu này đã được chứng minh là tăng tính thấm qua da bằng cách làm rối loạn hoặc biến cấu trúc lipid của lớp sừng thành dạng lỏng và hình thành các lỗ nhỏ trong các lớp lipid kép và do đó, tăng hệ số khuếch tán của một số thành phần. Tuy vậy, nên chọn hệ dẫn truyền sản phẩm mà không ảnh hưởng đến đặc tính tự nhiên của peptide [3].
Việc sử dụng đồng thời và kết hợp một vài peptides nhất định có thể hỗ trợ sự thẩm thấu của peptide qua da, vì một số peptide có khả năng xâm nhập qua tế bào khá tốt [7]. Ngoài ra, sự biến đổi tính chất hóa học của peptide cũng được thử nghiệm để tăng khả năng phân phối của peptide qua da. Các dẫn xuất tan trong dầu của peptide (thường bằng cách kết hợp peptide với một acid béo tự do) đã được thử nghiệm và cho thấy có khả năng thẩm thấu vào da tốt hơn [3].
Bên cạnh đó, việc “đóng gói” peptide hay bọc peptide cũng được báo cáo là có khả năng tăng cường sự thẩm thấu của peptide qua da. Các loại hạt khác nhau như liposome, transferomes, niosomes và ethosome đã được phát triển và nghiên cứu [3] Liposome bao gồm các lipid biểu bì tự nhiên, do đó, các tác dụng phụ dường như không có khả năng xảy ra bởi vì chúng có thể học hủy sinh học, không có đặc tính ảnh hưởng đến hệ miễn dịch mạnh và không độc hại. Transfersomes có tính đàn hồi cao hơn, điều này đã được khẳng định là cho phép chúng chui qua các lỗ chân lông trên bề mặt da vào các lớp sâu hơn. Niosomes chứa một lớp kép của chất hoạt động bề mặt không ion và ethosome là những sợi nano đàn hồi dựa trên phospholipid với hàm lượng ethanol cao. [3]
Bên cạnh đó, biện pháp sử dụng lăn kim kết hợp với peptide cũng được sử dụng. Tuy vậy, hậu quả bất lợi của lăn kim và sự phát triển của cá phản ứng của cơ thể đổi với các vật chất lạ được bôi tại chỗ sau khi lăn kim vi điểm (micro needing) (Do da được phát triển để ngăn chặn vi khuẩn, các vật chất lạ thâm nhập). Các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy cơ thể có thể phát triển phản ứng đối với Vitamin C dạng thoa sau khi lăn kim vi điểm. Và lăn kim vi điểm do khá mới mẻ nên cũng cần có nhiều thời gian hơn để nghiên cứu và phát triển kỹ thuật này

Có rất nhiều peptide hiện tại được sử dụng trong mỹ phẩm. Các nghiên cứu lâm sàng chứng minh hiệu quả của chúng không được đăng trên các tạp chí khoa học thường xuyên. Một số nghiên cứu lâm sàng đã được thực hiện nhưng số lượng người tham gia thấp hoặc số lượng nghiên cứu ít. Những kết quả nghiên cứu ban đầu trông có vẻ tiềm năng nhưng để kiểm nghiệm hiệu quả của chúng tốt hơn, các loại peptide này nên được thử nghiệm với số lượng những người tham gia lớn hơn [1, O1]. Thậm chí một số peptide được nghiên cứu nhiều như Copper peptide cũng vẫn thiếu các nghiên cứu lâm sàng được kiểm soát tốt [1]. Một số bác sĩ da liễu như Dr.Dray có nói rằng đôi khi bạn sử dụng và thấy peptide có hiệu quả là do peptide là một chất giữ ẩm tốt, nó có thể liên kết với nước và giữ nó không bay hơi khỏi da của bạn và do đó có thể làm cho da bạn trông trẻ hơn bằng cách làm cho nó căng mọng hơn và cải thiện vẻ ngoài của lỗ chân lông và nếp nhăn phần nào. Tuy vậy, bạn cũng có thể đạt được những hiệu quả như vậy với một kem dưỡng ẩm thông thường với các chất giữ ẩm khác thay vì đổ tiền vào peptide bởi vì các sản phẩm peptide có giá thành không rẻ.
Ngoài ra, cũng còn giới hạn về số nghiên cứu trả lời các câu hỏi như:
– Nồng độ tối ưu của từng loại peptide trong các sản phẩm mỹ phẩm
– Hiệu quả lâu dài của peptide như thế nào
– Các phương pháp biến đổi tính chất của peptide và bọc peptide lại có làm thay đổi đặc tính của peptide hay không? Và nếu có thì ảnh hưởng trong ngắn hạn và dài hạn như thế nào? (Ví dụ trong trường hợp Hyaluronic acid chúng ta đã tìm hiểu là các công nghệ chia nhỏ HA lại khiến HA mang đặc tính có thể gây viêm)
– Phương pháp lăn kim giúp tăng khả năng thẩm thấu qua da, tuy vậy vẫn có các nhược điểm như có thể gây ra các phản ứng của cơ thể đối với các chất thoa ngoài da sau đó. Vậy việc thoa peptide sau khi lăn kim có gây ra phản ứng tiêu cực nào cho cơ thể hay không?
Ngoài ra, giá thành cao cũng là một hạn chế của Peptide [3,O1,O3]. Điều này cũng dễ hiểu do peptide phải tổng hợp nhân tạo và kết hợp với các công nghệ mới giúp khắc phục các hạn chế về khả năng thẩm thấu của nó.


Tóm lại, từ những thông tin mình lược khảo thì: Peptide là một mảng nghiên cứu khá triển vọng trong da liễu hiện nay [1] do những cải tiến về khoa học kỹ thuật có thể khắc phục được một số nhược điểm của peptide [1,3]. Tuy vậy, một số câu hỏi vẫn chưa được giải đáp khi ứng dụng các công nghệ mới để tăng cường sự thâm nhập của peptide là: tính chất của peptide có bị ảnh hưởng gì không? Hiệu quả như thế nào và có xứng đáng để đầu tư hay không?
Nhìn chung, dữ liệu nghiên cứu về lợi ích của peptide còn khan hiếm và chưa đầy đủ, đặc biệt là khi so sánh với các thành phần có cùng công dụng chính là cải thiện dấu hiệu lão hóa da như Retinoids. Mặc dù peptide cũng có khả năng dưỡng ẩm tốt nhưng có những thành phần và sản phẩm dưỡng ẩm khác có thể hoạt động tốt tương tự [O1-O3].
Do đó, theo ý kiến cá nhân, bạn chưa nên đầu tư nhiều vào các sản phẩm chứa peptide. Nếu sản phẩm bạn đang sử dụng có peptide thì tốt, còn nếu không thì không cần phải vung ví ra mua thêm các sản phẩm chứa peptide khác, thay vào đó đầu tư vào các sản phẩm chứa Retinoids, sản phẩm dưỡng ẩm tốt hoặc đầu tư vào thực phẩm chất lượng tốt hoặc đầu tư vào tập luyện thể dục thể thao sẽ tốt hơn.

Đối với các bạn có tài chính dư dả hoặc có máu “phiêu lưu” :)) thì mình xin giới thiệu một số sản phẩm Peptide khá ổn áp nhé:
a) Cerave skin renewing night cream
Kem dưỡng ẩm của Cerave dành cho làn da muốn phục hồi, ngừa lão hóa. Sản phẩm là dạng kem đặc với khả năng dưỡng ẩm cao, thích hợp cho lan da thường – khô và làn da lão hóa (các bạn da dầu có thể thấy nặng mặt).
Đặc điểm sản phẩm:
– Shea butter giúp dưỡng ẩm tốt cho làn da khô
– Có chứa Niacinamide giúp cải thiện khả năng hoạt động của màng bảo vệ da, hỗ trợ mụn và vấn đề sắc tố
– Ceramide giúp hỗ trợ hoạt động của màng bảo vệ da
– Hyaluronic acid giúp hỗ trợ quá trình hydrat hóa của da
– Tripeptide-1: một trong những peptide có số liệu hỗ trợ trong số các peptide (mặc dù nhìn chung so với các thành phần khác vẫn còn ít), có tiềm năng hỗ trợ cải thiện nếp nhăn da. Tuy vậy Tripeptide-1 nếu không có công nghệ phù hợp sẽ khó có thể thấm vào da để hoạt động tốt (thông thường Tripeptide-1 sẽ được thay đổi để tạo thành Palmitoyl Tripeptide-1 – 1 phần của phức hợp Matrixyl ™ 3000 có khả năng hỗ trợ lão hóa da)
Tuy vậy, đa phần các thành phần như Ceramide, niacinamide, HA và Peptide trong sản phẩm nồng độ khá thấp nên hiệu quả có thể giảm phần nào.
Nhìn chung, đây là kem dưỡng tốt cho da thường – da khô, phù hợp với các làn da lão hóa, có khả năng phục hồi da cũng như hỗ trợ cải thiện phần nào nếp nhăn da.
b) The Inkey List Peptide Moisturizer
Sản phẩm kem dưỡng chứa peptide giúp dưỡng ẩm và nuôi dưỡng da, hỗ trợ điều trị các dấu hiệu lão hóa. Ngoài peptide, sản phẩm cũng chứa hyaluronic acid giúp dưỡng ẩm.
The Inkey list quảng cáo sản phẩm chứa 2% Royal Epigen P5 ™ (chủ yếu là Pentapeptide-48, Lecithin, Shea butter) giúp làm đều màu da và trì hoãn sự lão hóa của tế bào da + 1% Hydrating Peptide Solution: Hỗ trợ hàng rào độ ẩm cho da của bạn để có làn da rạng rỡ rõ rệt.
Tuy vậy, loại Pentapeptide-48 hầu như không có số liệu nghiên cứu rõ ràng để chứng minh là có hiệu quả tốt. Do đó, nhìn chung sản phẩm có khả năng dưỡng ẩm ổn nhưng sẽ không thể nào “trì hoãn sự lão hóa của tế bào da” như đã quảng cáo
Ngoài ra, sản phẩm có chứa Phenethyl Alcohol có khả năng gây kích ứng nhẹ (mặc dù được xem là an toàn trong mỹ phẩm).
Sản phẩm phù hợp hầu hết mọi loại da.
c) Paula’s Choice Peptide Booster
Một serum chứa khá nhiều hỗn hợp các peptide của thương hiệu Paula’s choice, bao gồm các peptide: Tripeptide-1, Palmitoyl Tripeptide-1, Palmitoyl Tetrapeptide-7, Palmitoyl Hexapeptide-12, Myristoyl Hexapeptide-16, Myristoyl Pentapeptide-17, Hexanoyl Dipeptide-3, Azelaoyl Bis-Dipeptide-10
Tuy vậy trong số này chỉ có các peptide là Tripeptide-1, Palmitoyl Tripeptide-1, Palmitoyl Tetrapeptide-7, Palmitoyl Hexapeptide-12 là phổ biến và có các nghiên cứu trên da người được diễn ra; các peptide còn lại hầu như đều thiếu đủ các số liệu nghiên cứu chứng minh hiệu quả. Các peptide này đều có khả năng hỗ trợ cải thiện các dấu hiệu lão hóa như nếp nhăn và giúp da săn chắc hơn thông qua kích thích sản sinh collagen và elastin (nếu có hệ dẫn truyền sản phẩm vào da tốt).
Ngoài ra, sản phẩm cũng có bổ sung một số amino acid giúp cấp ẩm. Tuy nhiên, sản phẩm cũng có một số chiết xuất trái cây nên các bạn da nhạy cảm cũng nên cẩn thận nhé.
Sản phẩm thấm khá nhanh nên phù hợp hầu như mọi loại da, da khô nên bổ sung thêm sản phẩm cấp ẩm tốt hơn sau đó mới đủ ẩm.
d) The Ordinary Buffet và The Ordinary Buffet + Copper peptide 1%
The Ordinary Buffet
Sản phẩm này chứa khá nhiều các peptide và với nồng độ cũng khá cao. Sản phẩm chứa các phức hợp ví dụ như peptite Matrixyl ™ 3000 (với palmitoyl tetrapeptit-7 0 một phần của Matrixyl), phức hợp peptit Matrixyl ™ synthe’6 ™ (với palmitoyl tripeptit-38), phức hợp peptit SYN™-AKE (với dipeptide diaminobutyroyl benzylamide diacetate), phức hợp peptit Relistase ( với acetylarginy Birdptophyl diphenylglycine), phức hợp peptide ARGIRELOX ™ (với acetyl hexapeptide-8, pentapeptide-18), phức hợp Probiotic (với lactococcus lactis lysate), với 11 amino acids thân thiện với da và nhiều phức hợp hyaluronic acid. Tổng nồng độ của các công nghệ này trong công thức tính theo trọng lượng là 25,1%. Tuy chứa nhiều phức hợp công nghệ peptide nhưng chỉ có peptide Matrixyl ™ 3000 và phức hợp peptit SYN™-AKE là có nhiều số liệu nghiên cứu hơn cả, và tổng trọng lượng là 25,1% ngoài peptide thì còn có các thành phần khác như Probiotic và Hyaluronic acid, do đó nồng độ các peptide có thể không lớn như kỳ vọng.
Tuy vậy, với giá thành phù hợp và thành phần khá ổn, đây xứng đáng là một sản phẩm bạn nên thử nếu muốn thử nghiệm khả năng của peptide trên da.
The Ordinary Buffet + Copper peptide 1%
Tương tự như Buffet nhưng sản phẩm này có thêm 1% Copper peptide – một trong những peptide được nghiên cứu rộng rãi nhất và được xem là có khả năng cải thiện tăng sinh collagen, elastin và hỗ trợ cải thiện các dấu hiệu lão hóa tốt hơn. Đây cũng là một sản phẩm tốt từ The Ordinary và nếu bạn thắc mắc về công dụng của Copper peptide thì nên sử dụng thử sản phẩm này nhé
e) Drunk Elephant Protini Polypeptide cream
Sản phẩm chứa nhiều peptide, trong đó nổi bật là sh-Oligopeptide-1, sh-Oligopeptide-2 và những peptide quen thuộc đã trình bày ở trên như Palmitoyl Tetrapeptide-7, Palmitoyl Tripeptide-1. sh-Oligopeptide-1, sh-Oligopeptide-2 – hay còn được biết đến là Epidermal Growth Factor và Insulin-like growth factor 1, là một vấn đề còn cần nghiên cứu thêm trong mỹ phẩm. Một số câu hỏi đặt ra là khả năng thâm nhập vào da của 2 loại peptide này do phân tử khá lớn (các lý do cũng khá tương tự các peptide khác) và cũng như do khả năng tăng sinh tế bào mạnh mẽ nên cũng đặt ra nghi vấn liệu nó có liên quan đến Ung thư hay không, vì một trong những nguyên do dẫn đến ung thư là tế bào phát triển quá mức [O6]. 2 thành phần này cũng chưa có nghiên cứu trên da người nhiều, do đó chưa có số liệu cụ thể đủ nhiều để xem xét thêm.
Nhìn chung đây là sản phẩm có tiềm năng có thể hỗ trợ cải thiện nếp nhăn do chứa Palmitoyl Tetrapeptide-7, Palmitoyl Tripeptide-1, hyaluronic acid và một số loại dầu dưỡng ; các peptide khác như, ví dụ như sh-Oligopeptide-1, sh-Oligopeptide-2 thì không có quá nhiều thông tin để đánh giá được hiệu quả.
f) DRMTLGY Peptide night cream
Sản phẩm là một kem dưỡng ẩm với khả năng dưỡng ẩm tốt từ Shea Butter. Ngoài ra nó còn được bổ sung Peptide (Palmitoyl Tripeptide-1, Palmitoyl Tripeptide-5, Palmitoyl Tetrapeptide-7, Trifluoroacetyl Tripeptide-2, Palmitoyl Dipeptide-5 Diaminobutyroyl Hydroxythreonine) và Ceramide. Tuy nhiên như đã đề cập ơ trên thì chỉ có Palmitoyl Tripeptide-1, Palmitoyl Tetrapeptide-7 có số liệu nghiên cứu trên da người, còn các peptide còn lại thì khá ít. Ceramide cũng là một thành phần tốt nhưng sản phẩm không tiết lộ nồng độ Ceramide cũng như tỷ lệ giữa các Ceramide.
Nhìn chung có thể là sản phẩm dưỡng ẩm tốt nhưng giá tiền hơi cao mà không có nhiều thông tin về nồng độ cũng như công nghệ liên quan đến peptide và ceramide trong sản phẩm. Do có Shea butter mang lại khả năng dưỡng ẩm tốt nên sẽ phù hợp với các bạn da thường – khô, các bạn da dầu sẽ có thể thấy hơi quá ẩm.
g) Niod Copper Amino Isolate Serum 2:1
CAIS2 là thế hệ thứ hai của Copper Amino Isolate Serum của NIOD. Copper Amino Isolate Serum 2: 1 thay thế Copper Amino Isolate Serum 1%.
Sản phẩm chứa 1% Copper peptide và 1% GHK peptide ở dạng tự do, không kết hợp với Copper. Cả copper peptide và GHK peptide đều được xem là có khả năng cải thiện dấu hiệu lão hóa tốt trong các nghiên cứu trên ông nghiệm nhưng thiếu nghiên cứu trên da người. Ngoài ra sản phẩm còn chứa 1 số peptide khác (không có nghiên cứu nhiều) và hệ dẫn truyền vào da sử dụng Myristoyl Nonapeptide-3 và Hyaluronic Acid Crosspolymer.
Myristoyl Nonapeptide-3: quá trình Myristoyl hóa được xem là có khả năng đưa peptide vào tế bào sống [10] tuy nhiên số liệu nghiên cứu chỉ là số liệu bước đầu. Myristoyl Nonapeptide-3 cũng không nằm trong danh sách các peptide thâm nhập tốt vào da phổ biến và không có nghiên cứu nhiều về nó.
Giá tiền hơi cao cũng là một nhược điểm của sản phẩm này. Mình nghĩ bạn có thể thử nghiệm trước với Peptide + 1% Copper peptide của The Ordinary – 1 thương hiệu cùng công ty với Niod để xem có yêu thích hay không sau đó hãy thử Niod nhé
—————————

A. Research study
[1] Schagen, S. K. (2017). Topical peptide treatments with effective anti-aging results. Cosmetics, 4(2), 16.
[2] Gorouhi, F., & Maibach, H. I. (2009). Role of topical peptides in preventing or treating aged skin. International journal of cosmetic science, 31(5), 327-345.
[3] Pai, V. V., Bhandari, P., & Shukla, P. (2017). Topical peptides as cosmeceuticals. Indian Journal of Dermatology, Venereology, and Leprology, 83(1), 9.
[4] Nino, M., Iovine, B., & Santoianni, P. (2011). Carnosine and N-acetylcarnosine induce inhibition of UVB erythema in human skin. Journal of cosmetics, dermatological sciences and applications, 1(4), 177.
[5] Wang, Y., Wang, M., Xiao, S., Pan, P., Li, P., & Huo, J. (2013). The Anti-Wrinkle Efficacy of Argireline, a Synthetic Hexapeptide, in Chinese Subjects. American journal of clinical dermatology, 14(2), 147-153.
[6] Dragomirescu, A. O., Andoni, M., Ionescu, D., & Andrei, F. (2014). The efficiency and safety of Leuphasyl—a botox-like peptide. Cosmetics, 1(2), 75-81.
[7] Nasrollahi, S. A., Taghibiglou, C., Azizi, E., & Farboud, E. S. (2012). Cell‐penetrating peptides as a novel transdermal drug delivery system. Chemical biology & drug design, 80(5), 639-646.
[8] Gautam, A., Nanda, J. S., Samuel, J. S., Kumari, M., Priyanka, P., Bedi, G., … & Raghava, G. P. S. (2016). Topical delivery of protein and peptide using novel cell penetrating peptide IMT-P8. Scientific reports, 6, 26278.
[9] Desai, P., Patlolla, R. R., & Singh, M. (2010). Interaction of nanoparticles and cell-penetrating peptides with skin for transdermal drug delivery. Molecular membrane biology, 27(7), 247-259.
[10] Nelson, A. R., Borland, L., Allbritton, N. L., & Sims, C. E. (2007). Myristoyl-based transport of peptides into living cells. Biochemistry, 46(51), 14771-14781.
B. Website/ others:
[O1] Dr dray video: https://www.youtube.com/watch?v=0mwMEnc3Gag
[O2] https://www.youtube.com/watch?v=r5jX88HaGhU&t=43s
[O3] https://www.youtube.com/watch?v=G7s4sD8FK0Y&t=7s
[O4] https://en.wikipedia.org/wiki/Peptide
[O5] https://en.wikipedia.org/wiki/Acetylcarnosine
[O6] https://incidecoder.com/ingredients/sh-oligopeptide-1