Review thành phần

Squalane oil – Dầu cho mọi loại da

Tác giả: Lê Phước Thành Đạt

I) Squalane

a) Squalane và Squalene?

b) Saturated và Unsaturated oil?

c) Squalane trong tự nhiên

d) Lợi ích của Squalane

II) Sản phẩm gợi ý

 

Đầu tiên, các bạn nên biết rằng có sự khác biệt giữa Squalene và Squalane. Squalane là sản phẩm được hình thành từ Squalene qua quá trình Hydro hóa (hydrogenation). Lý do vì Squalene là chất bẽo không bão hòa (unsaturated fat/oil), không bền vững (do có nhiều liên kết đôi [6]), nên trong các sản phẩm mỹ phẩm sẽ sử dụng Squalane (chất béo bão hòa – saturated oil).

 

 

Trong tự nhiên, Squalene là một trong thành phần cấu tạo nên bã nhờn của làn da con người (chiếm khoảng 13%) [3]. Do đó, squalene và phái sinh squalane của nó hầu như không gây kích ứng với làn da.

Hình 1. Cấu trúc của Squalane và Squalene [6]

 

 

Chất béo bão hòa (saturated fat/oil) và chất béo không bão hòa (unsaturated) trong mỹ phẩm?

 

Cho dù là chất béo bão hòa hay không bão hòa thì chúng cũng góp phần quan trọng đối với cơ thể con người, ví dụ chất béo bão hòa cần thiết trong việc hình thành ceramide [10] hay việc thiếu linoleic acid (một loại chất béo không bão hòa) sẽ gây ra tình trạng liên quan đến mụn trứng cá và da có vảy nến [11] và một số lợi ích khác [5,8,15].

 

Thông thường chất béo sẽ được chia ra làm: Chất béo bão hòa (không có liên kết đôi), monounsaturated – Chất béo không bão hòa đơn (1 liên kết đôi) và polyunsaturated – Chất béo không bão hòa đa (2 liên kết đôi trở lên). Một số ví dụ là:

 

+ Chất béo và dầu bão hòa như Dầu dừa, bơ, dầu cọ,…

+ Chất béo và dầu không bão hòa đơn ví dụ như Dầu bơ và dầu olive

+ Chất béo và dầu không bão hòa đa ví dụ như dầu cá và các loại dầu phổ biến trong skincare như: Rosehip (dầu nụ tầm xuân), Grapeseed (dầu hạt nho), Hemp (dầu từ cây gai dầu)… [15]

 

Một số đặc tính khác biệt giữa hai loại:

– Dầu không bão hòa: không dưỡng ẩm tốt bằng dầu bão hòa (gây ra tình trạng mất nước qua da nhiều hơn), và có khả năng kích ứng da nhiều hơn [5]. Từ đó, có thể suy ra dưỡng da bằng dầu bão hòa sẽ giúp dưỡng ẩm tốt, ít kích ứng, hỗ trợ hoạt động của màng bảo vệ da.

– Tuy vậy, dầu bão hòa lại không có đặc tính chống Oxy hóa như dầu không bão hòa [9][15].

 

– Dầu bão hòa sẽ bảo quản được lâu hơn, do dầu không bão hòa có nhiều liên kết đôi nên sẽ hoạt động hóa học nhiều hơn [15]

 

 

Nguồn gốc trong tự nhiên của Squalene và Squalane

 

Trong tự nhiên, Squalane thường được chiết xuất từ 3 nguồn là chủ yếuGan của cá mập, Olive và Mía (Sugarcane), ngoài ra còn được chiết xuất từ các nguồn khác như dầu cọ, dầu đậu nhành… Do được chiết xuất từ nhiều nguồn, nên squalane thường bị lẫn tạp chất và loại tạp chất bị lẫn là do nguồn gốc và chất lượng của nguồn nguyên liệu thô.

 

– Gan cá mập: đây là nguồn Squalane chủ yếu từ những năm thế kỷ 20 đến bây giờ, tuy nhiên với sự phát triển của các hoạt động xã hội, nhiều chiến dịch chống lại việc khai thác này đã diễn ra nên hiện tại nền công nghiệp đã dần chuyển sang khai thác Squalane từ thực vật. Nếu chất lượng nguồn nguyên liệu gan cá mập tốt thì thường sẽ không bị lẫn tạp chất. Một số tạp chất có thể bị lẫn vào là các chất ô nhiễm môi trường như polychlorinated biphenyls, dioxin và các kim loại nặng trong gan của cá mập [6]

 

– Olive: Squalane ban đầu được tìm thấy trong nguồn gốc thực vật là ở cây Olive. Tuy vậy, với những kỹ thuật thô sơ ban đầu thì chiết xuất của Squalane trong Olive thu được khá ít (khoảng 0,2 – 0,5%. Tuy vậy, đến đầu những năm 2000 – 2010, thì công nghệ chắt lọc đã tiến bộ hơn và người ta có thể chiết xuất được 30% squalane từ olive [6].

 

– Mía (Sugarcane): Trong sản xuất, farnesene được sản xuất từ quá trình lên men đường mía bằng cách sử dụng các chủng nấm men Saccharomyces cerevisiae biến đổi gen. Farnesene sau đó được thu nhỏ thành isosqualene và sau đó được hydro hóa thành squalan [5, 18]. Squalane được tạo ra từ cách này đạt chất lượng khá tốt, không lẫn nhiều tạp chất. Ngoài ra, việc phát minh ra cách chiết xuất squalane từ mía cũng giúp dồi dào nguồn nguyên liệu tạo ra Squalane, giúp giảm giá thành và duy trì nguồn cung squalane lâu dài hơn.

Trong các sản phẩm mỹ phẩm, Squalane được chiết xuất từ 2 nguồn chính là Olive và Sugarcane. Mặc dù không có khác biệt nhiều, nhưng Squalane từ Sugarcane được người tiêu dùng nhận xét là “”nhẹ” mặt hơn, thấm nhanh hơn trên da so với dầu Squalane từ Olive mà vẫn giữ được đặc tính vốn có của Squalane là dưỡng ẩm tốt.

 

 

– Lợi ích chủ yếu của Squalane là một chất emollient (chất làm mềm da) cực kỳ tốt, giúp làm mềm da và giữ ẩmgiảm dấu hiệu khô da, và sử dụng được cho hầu hết các loại da [17]

 

Squalene được xem như là một trong những chất emollient tự nhiên tốt nhất do khả năng làm mềm da và nhanh chóng thấm vào da, giúp làn ca căng mọng hơn mà không để lại vệt dầu trên da. Ngoài ra, nó còn có tính chất kháng khuẩn đi kèm. Do đó, squalene thường được sử dụng trong các sản phẩm bảo vệ da, hỗ trợ trị chữa bệnh chàm, tóc hư tổn, chống lão hóa và chống nhăn da [2]

 

Squalene tuyệt vời như thế thì Squalane lại tốt hơn trong mảng giữ ẩm. Khi so sánh giữa Squalene và Squalane, thì Squalane giúp làn da ít bị mất nước qua da hơn (Transepidermal water loss) và cũng ít gây kích ứng hơn so với Squalene [5][14].

Bên cạnh đó, một điều đặc biệt là Squalane là chất dưỡng ẩm rất phù hợp với các bạn bị mụn nấm do không kích thích mụn phát triển và hỗ trợ điều trị mụn nấm. Do mụn nấm thường phát triển khi gặp điều kiện thuận lợi là acid béo và dầu với độ dài chuỗi carbon là 11 – 24 [12, 13] và các acid béo này rất thường có mặt trong các sản phẩm dưỡng ẩm thông thường. Ngược lại Squalane có độ dài chuỗi carbon là 30 nên sẽ không kích thích và tạo môi trường thuận lợi cho mụn nấm phát triển [18].

 

Nhìn chung, Squalane là một chất dưỡng ẩm emollient cực tốt và an toàn. Đặc biệt phù hợp cho làn da bị mụn nấm và chưa tìm được cách chữa trị!

 

 

1) Squalane timeless

Đây là một sản phẩm Squalane khá tốt đến từ thương hiệu Timeless, có nguồn gốc từ Olive. Sản phẩm thấm nhanh, không để lại vệt dầu khó chịu trên da, hơn hết là giá thành phải chăng và phổ biến nên khá dễ tìm mua

 

2) Squalane T.O

Đây cũng là một sản phẩm Squalane phổ biến. Tuy vậy, T.O không cung cấp rõ thông tin là chiết xuất từ Olive hay loại thực vật nào mà chỉ để là plant-based (có nguồn gốc thực vật). Như mình trình bày ở trên, dầu Squalane có thể có tạp chất trong quá trình sản xuất, và nếu không rõ ràng nguồn gốc chiết xuất thì có thể là Squalane T.O có thể lẫn một số tạp chất từ Squalane chiết xuất từ nguồn nguyên liệu khác (suy đoán cá nhân). Nếu bạn nào có thêm thông tin thì hãy bình luận giúp mình ở dưới mục Comment nhé.

 

Ngoài vấn đề đó ra, Squalane The Ordinary nhận được nhiều bình luận tích cực từ cộng động người tiêu dùng. Do đó, nếu bạn yêu thích The Ordinary, hãy thử qua sản phẩm này nhé

3) Squalane Biossance

Đây là sản phẩm Squalane chiết xuất từ cây mía (Sugarcane), được cho là thấm nhanh hơn, nhẹ mặt hơn so với Squalane từ Olive. Sản phẩm hơi mắc hơn Squalane Timeless một xíu do dung tích cao hơn, tuy nhiên nếu tính theo 1ml thì giá tiền không chênh lệch quá lớn.

 

[1] Kim, S. K., and Karadeniz, F. (2012). Biological Importance and Applications of Squalene and Squalane. Advances in Food and Nutrition Research (65): 223 – 233

[2] Popa, I., Băbeanu, N. E., Niță, S., Popa, O. (2014). Squalene – Natural Resources And Applications. FARMACIA (62): 840 – 862

[3] Zih-Rou Huang 1, Yin-Ku Lin 2,3 and Jia-You Fang (2009). Biological and Pharmacological Activities of Squalene and Related Compounds: Potential Uses in Cosmetic Dermatology. Molecules

[4] McPhee, D., Pin, A., Kizer, L., Perelman, L. (2014). Deriving Renewable Squalane from Sugarcane. Cosmetics & Toiletries magazine (129)

[5] Tanojo, H., Boelsma, E., Junginger, H. E., Ponec, M., & Boddé, H. E. (1998). In vivo human skin barrier modulation by topical application of fatty acids. Skin pharmacology and applied skin physiology, 11(2), 87–97. https://doi.org/10.1159/000029813

[6] McPhee, Derek & Pin, A. & Kizer, L. & Perelman, L.. (2014). Deriving renewable squalane from sugarcane. Cosmetics & Toiletries magazine. (129) 20-26.

[8] Lin, T. K., Zhong, L., & Santiago, J. L. (2017). Anti-Inflammatory and Skin Barrier Repair Effects of Topical Application of Some Plant Oils. International journal of molecular sciences, 19(1), 70. https://doi.org/10.3390/ijms19010070

[9] Nimse, S. & Pal, D. (2015). Free Radicals, Natural Antioxidants, and their Reaction Mechanisms. RSC Adv.. 5. 10.1039/C4RA13315C.

[10] Ottaviani, M., Camera, E., Picardo, Mauro. (2010). Lipid Mediators in Acne. Mediators of Inflammation. doi:10.1155/2010/858176

[11] Breiden, B., & Sandhoff, K. (2014). The role of sphingolipid metabolism in cutaneous permeability barrier formation. Biochimica et biophysica acta, 1841(3), 441–452. https://doi.org/10.1016/j.bbalip.2013.08.010

[12] Wilde, P. F., & Stewart, P. S. (1968). A study of the fatty acid metabolism of the yeast Pityrosporum ovale. The Biochemical journal, 108(2), 225–231. https://doi.org/10.1042/bj1080225

[13] https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC118058/

[14] https://journals.sagepub.com/doi/abs/10.3109/10915818209013146

[15] https://labmuffin.com/unsaturated-oils-bad-skin/

[16] https://simpleskincarescience.com/pityrosporum-folliculitis-treatment-malassezia-cure/

[17] https://www.healthline.com/health/squalane

[18] https://en.wikipedia.org/wiki/Squalane

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *