Review thành phần

Retinoids – Thần dược cho sắc đẹp? – P4

Tác giả: Lê Phước Thành Đạt

  1. Giới thiệu Adapalene
  2. Adapalene trong điều trị mụn
  3. Khả năng chống lão hoá của Adapalene
  4. So sánh Adapalene và Retinoids
  5. Liều lượng và cách dùng Adapalene
  6. Sản phẩm chứa Adapalene
  7. Tài liệu tham khảo

 

h1|Giới thiệu Adapalene

Như đã giới thiệu ở phần 1, “Retinoid” được dùng để gọi tên một nhóm thành phần hóa chất có liên quan đến Vitamin A, bao gồm các phái sinh của Vitamin A quen thuộc như Retinol, Tretinoin, Adapalene và Tazarotene. Adapalene là một retinoid thế hệ thứ ba chủ yếu được chỉ định trong điều trị da bởi vì tính dung nạp tốt hơn và ít gây kích ứng hơn so với các thế hệ khác của retinoid (ví dụ như Tretinoin) [1]. Adapalene là một sản phẩm nghiên cứu của Phòng thí nghiệm Galderma, Pháp. Adapalene được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt năm 1996 để sử dụng trong điều trị mụn trứng cá. Kể từ ngày 8 tháng 7 năm 2016, Galderma đã nhận được sự chấp thuận của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) về Gel differin (adapalene gel 0,1%) dưới dạng điều trị không kê đơn (OTC) đối với mụn trứng cá [2].

h1|Adapalene trong điều trị mụn

 

Về mặt dược lý, Adapalene hoạt động tương tự như Tretinoin, nhưng ổn định hơn Tretinoin về mặt hóa học dưới ánh sáng bởi ái lực liên kết trong công thức phân tử. Không giống như Tretinoin, Adapalene cũng đã được chứng minh là vẫn giữ được hiệu quả khi sử dụng cùng lúc với Benzoyl Peroxide do cấu trúc hóa học ổn định hơn [3]. Hơn nữa, do cấu trúc hóa học này mà sự phân hủy bởi ánh sáng của phân tử Adapalene ít xảy ra hơn so với Tretinoin và Tazarotene [1].

 

 

Hình 1. Công thức cấu tạo Adapalene

 

Adapalene là một dẫn xuất ổn định về mặt hóa học của axit naphthoic, liên kết có chọn lọc với các phân nhóm thụ thể retinoic acid (RAR): RAR-γ (được tìm thấy chủ yếu ở biểu bì) và RAR-β (được tìm thấy trong nguyên bào sợi ở da), kích hoạt các gen chịu trách nhiệm về sự biệt hóa tế bào. Adapalene được cho là có tác dụng điều chỉnh quá trình sừng hóa, biệt hóa và viêm các tế bào biểu mô nang. Điều này dẫn đến giảm các microcomedones, nguyên nhân hình thành tổn thương do mụn trứng cá sau này [1]. Tuy nhiên việc sử dụng Adapalene cũng có những cái khuyết điểm chúng ta không nên duy trì trong quá trình skincare. Hầu như các nghiên cứu về Adapalene chỉ liên quan đến vấn đề trị mụn và rất hiếm có những nghiên cứu về việc chống lão hoá cho nên việc dùng Adapalene để duy trì một làn da đẹp thì dường như là không có nghiên cứu nào cụ thể.

 

Riêng về mụn trứng cá, các nhà nghiên cứu cho rằng sử dụng Adapalene tại chỗ có khả năng giảm bất thường trong quá trình sừng hóa, biệt hóa của các tế bào biểu mô nang và biểu bì dẫn đến giảm sự hình thành microcomedone, chính là những bít tắc hình thành nhân mụn, đồng thời giúp tiêu nhân mụn và thúc đẩy nhân mụn trồi lên bề mặt nhanh hơn, giảm tổn thương cho da [2].

 

Với tình trạng viêm, Adapalene kháng viêm bằng cơ chế ức chế đáp ứng hóa ứng động và hóa tăng động của bạch cầu đa nhân ở người và cả sự chuyển hóa bằng clipoxid hóa acid arachidonic thành các chất trung gian tiền viêm. Vì vậy Adapalene có thể giảm số lượng và mức độ nghiêm trọng của mụn trứng cá, bao gồm cả mụn viêm và mụn chưa viêm, bao gồm mụn đầu đen, mụn cám, mụn ẩn, sợi bã nhờn, đến mụn viêm đỏ, mụn mủ, mụn bọc, mụn dạng nang [1].

h1|Khả năng chống lão hoá của Adapalene

Adapalene 0,3% có tác dụng chống lão hoá tương đương Tretinoin 0,05% tuy nhiên ở nồng độ cao hơn thì Adapalene sẽ dễ gây kích ứng cho da nhạy cảm [4]. Adapalene 0.3% có thể gây kích ứng da nhưng kích ứng thấp hơn Tretinoin 0,05% nên có thể đây là sản phẩm thay thế cho Tretinoin 0,05% hiệu quả. Tuy nhiên đây cũng chính là điểm yếu của Adapalene: không phù hợp cho quá trình dưỡng da lâu dài. Adapalene chỉ thích hợp dùng để bôi lên các vùng mụn trong thời gian điều trị mụn viêm nhất định.

h1|So sánh Adapalene và Retinoids
  • So sánh với Tretinoin: Hiệu quả của gel Adapalene 0,1% tương tự như gel Tretinoin 0,025% trong điều trị mụn trứng cá ở mức độ nhẹ đến trung bình [5]. Ngoài ra, gel Adapalene 0,1% có hiệu quả tương tự với các công thức khác của Tretinoin (0,1% gel tretinoin microsphere [6, 7], kem tretinoin 0,05% [8] và gel isotretinoin 0,05% [9]) ở bệnh nhân mức độ nhẹ đến trung bình. Những người tiếp nhận tất cả các phương pháp điều trị bằng Adapalene và Tretinoin cho biết làn da có sự cải thiện lớn so với ban đầu [6-9].
  • So sánh với Tazarotene: Gel Adapalene 0,1% mỗi ngày một lần cho thấy hiệu quả tương tự như gel Tazarotene 0,1% [10]. Những người nhận gel Tazarotene 0,1% hàng ngày bị mụn trứng cá nhẹ đến trung bình đã giảm đáng kể các tổn thương viêm và không viêm hơn những người dùng gel adapalene 0,1%, với nhiều bệnh nhân hơn đáng kể đạt được sự cải thiện ≥50% về mụn trứng cá của họ. Tuy nhiên, một phân tích ở Hoa Kỳ trên 145 bệnh nhân được điều trị bằng gel Adapalene 0,1% và gel Tazarotene 0,1% với liều lượng 1 lần/ngày cho thấy chi phí cho mỗi lần điều trị thành công đối với Adapalene là 107,88 đô la Mỹ so với Tazarotene là 79,95 đô la Mỹ [10].

Một số nghiên cứu cho thấy gel Adapalene 0,1% là phương pháp điều trị mụn trứng cá ít gây kích ứng nhất khi so sánh với các nồng độ khác nhau của gel Tazarotene, gel Tretinoin, kem Tretinoin, hỗn hợp gel microsphere 0,1% và Tretinoin 0,04%. Gel Adapalene 0,1% có hiệu quả tương tự như gel Tretinoin 0,025%, kem Tretinoin 0,05% và kem Isotretinoin 0,05% trong điều trị mụn trứng cá nhẹ đến trung bình [1]. Nghiên cứu so sánh việc sử dụng Adapalene 0,1% và Tretinoin 0,025% trong vòng 12 tuần để trị mụn cho kết quả tương đương nhau. Trong một so sánh khác, khi thay đổi nồng độ Adapalene từ 0,1% lên 0,3% thì ở nồng độ cao làn da được hỗ trợ điều trị mụn nhanh hơn [2].

 

Việc sử dụng retinoids như Adapalene là liệu pháp đầu tiên trong điều trị mụn trứng cá, hoạt chất này được sử dụng độc lập hoặc kết hợp với Benzoyl Peroxide và chất kháng sinh nhằm mục đích ngăn chặn chủng khuẩn kháng kháng sinh phát triển [3]. Hơn nữa, Adapalene làm tăng hiệu quả và sự thâm nhập của các loại thuốc trị mụn tại chỗ khác, được sử dụng để đẩy nhanh sự cải thiện tình trạng tăng sắc tố sau viêm do mụn trứng cá. Đã có nghiên cứu so sánh việc kết hợp Adapalene 0,1% và Benzoyl Peroxide 2,5% cho kết quả điều trị mụn nhanh hơn việc chỉ thoa riêng lẻ từng thành phần này trong vòng 12 tuần [11].

h1|Liều lượng và cách dùng Adapalene

Gel Adapalene 0,1% ở dạng kem [12] và dạng dung dịch [13] được chấp thuận rộng rãi để điều trị mụn trứng cá theo tiêu chuẩn Mỹ. Thời gian thích hợp nhất để sử dụng Adapalene là một lần mỗi ngày vào buổi tối trước khi ngủ, sau khi rửa mặt và lau khô vùng da bị mụn. Tuy nhiên chúng ta vẫn có thể dùng vào buổi sáng do Adapalene không bị phân hủy dưới ánh sáng mạnh như Tretinoin. Liều lượng dùng tùy theo chỉ định của bác sĩ và thông thường chỉ nên thoa một lớp mỏng, nhẹ đủ che phủ vùng da mụn, tránh để Adapalene dính vào môi, mắt và niêm mạc [14].

 

Adapalene không được sử dụng cùng với các sản phẩm bôi ngoài da có khả năng gây kích ứng khác, bao gồm xà phòng có tính kiềm cao, mỹ phẩm có tác dụng làm khô mạnh và các sản phẩm có nồng độ cồn cao, có hương liệu [14]. Ngoài ra cần lưu ý phải giảm thiểu tiếp xúc với ánh sáng mặt trời hoặc các nguồn bức xạ tử ngoại nhân tạo khi điều trị bằng Adapalene. Bệnh nhân bị cháy nắng không nên sử dụng Adapalene cho đến khi hồi phục hoàn toàn, và không nên thoa Adapalene lên vùng da có vết cắt, trầy xước hoặc vết chàm.

 

Tính an toàn và hiệu quả của adapalene chưa được xác định ở trẻ em dưới 12 tuổi. Chỉ nên sử dụng Adapalene trong thời kỳ mang thai nếu lợi ích mang lại lớn hơn nguy cơ tiềm ẩn cho thai nhi. Cần tuyệt đối thận trọng khi sử dụng Adapalene ở các bà mẹ đang cho con bú. [14]. Đối với các mẹ bầu trước và sau khi sinh, thoa Adapalene có khả năng hấp thụ thấp và dẫn đến nồng độ trong máu thấp (dưới 0,025 mcg/L). Tuy nhiên nồng độ này có nguy cơ gây hại thấp cho trẻ đang bú sữa mẹ. Vì thế không nên sử dụng thuốc bôi ngoài da cho bất kỳ khu vực nào có thể tiếp xúc trực tiếp với da của trẻ sơ sinh [2].

 

h1|Sản phẩm chứa Adapalene

 

h1|Tài liệu tham khảo
[1] Irby, C. E., Yentzer, B. A., & Feldman, S. R. (2008). A review of adapalene in the treatment of acne vulgaris. Journal of adolescent health, 43 (5), 421-424.

[2] Czernielewski, J., Michel, S., Bouclier, M., Baker, M., & Hensby, C. (2001). Adapalene biochemistry and the evolution of a new topical retinoid for treatment of acne. Journal of the European Academy of Dermatology and Venereology, 15, 5-12.

[3] Thiboutot, D. M., Weiss, J., Bucko, A., Eichenfield, L., Jones, T., Clark, S., … & Adapalene-BPO Study Group. (2007). Adapalene-benzoyl peroxide, a fixed-dose combination for the treatment of acne vulgaris: results of a multicenter, randomized double-blind, controlled study. Journal of the American Academy of Dermatology, 57 (5), 791-799.

[4] Bagatin, E., de Sá Gonçalves, H., Sato, M., Almeida, L. M. C., & Miot, H. A. (2018). Comparable efficacy of adapalene 0.3% gel and tretinoin 0.05% cream as treatment for cutaneous photoaging. European Journal of Dermatology, 28 (3), 343-350.

[5] 16 Tu, P., Li, G. Q., Zhu, X. J., Zheng, J., & Wong, W. Z. (2001). A comparison of adapalene gel 0.1% vs. tretinoin gel 0.025% in the treatment of acne vulgaris in China. Journal of the European Academy of Dermatology and Venereology, 15, 31-36

[6] 25 Nyirady, RM Grossman, M Nighland, RS Berger, JL Jorizzo, YH Kim, AG Martin, AG Pandya, KK Schulz, JS Strauss, J. (2001). A comparative trial of two retinoids commonly used in the treatment of acne vulgaris. Journal of dermatological treatment, 12 (3), 149-157

[7] 26 Thiboutot, D., Gold, M. H., Jarratt, M. T., Kang, S., Kaplan, D. L., Millikan, L., … & Baker, M. (2001). Randomized controlled trial of the tolerability, safety, and efficacy of adapalene gel 0.1% and tretinoin microsphere gel 0.1% for the treatment of acne vulgaris. Cutis, 68 (4 Suppl), 10-19

[8] 23 CUNLIFFE, W. J., DANBY, F. W., DUNLAP, F., GRATTON, D., & GREENSPAN, A. (2002). Randomised, controlled trial of the efficacy and safety of adapalene gel 0.1% and tretinoin cream 0.05% in patients with acne vulgaris. European Journal of Dermatology, 12 (4), 350-4

[9] 24 Ioannides, D., Rigopoulos, D., & Katsambas, A. (2002). Topical adapalene gel 0,1% vs. isotretinoin gel 0,05% in the treatment of acne vulgaris: a randomized open‐label clinical trial. British journal of Dermatology, 147 (3), 523-527

[10] 28 Webster, G. F., Guenther, L., Poulin, Y. P., Solomon, B. A., Loven, K., & Lee, J. (2002). A multicenter, double-blind, randomized comparison study of the efficacy and tolerability of once-daily tazarotene 0.1% gel and adapalene 0.1% gel for the treatment of facial acne vulgaris. Cutis, 69 (2 Suppl), 4-11.

[11] Dréno, B., Bissonnette, R., Gagné-Henley, A., Barankin, B., Lynde, C., Kerrouche, N., & Tan, J. (2018). Prevention and reduction of atrophic acne scars with adapalene 0.3%/benzoyl peroxide 2.5% gel in subjects with moderate or severe facial acne: results of a 6-month randomized, vehicle-controlled trial using intra-individual comparison. American journal of clinical dermatology, 19 (2), 275-286.

[12] http://www.differin.com/about/insertadapalenecream.shtml

[13] http://www.differin.com/about/insertadapalenesolution.shtml

[14] http://www.differin.com/about/insertadapalenegel.shtml

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *