Xây dựng Routine

Skincare Tip – Patch test 101

Tác giả: Lê Phước Thành Đạt

I) Contact dermatitis – Viêm da tiếp xúc
a) Định nghĩa và phân loại
b) Phân biệt purging và mụn breakout

II) Patch test
a. Định nghĩa patch test
b. Patch test tại nhà

III) Routine khi da bị kích ứng
a. Dấu hiệu cơ bản khi da bị kích ứng:
b. Routine

————————————————–

 

Là một con nghiện mỹ phẩm, chắc chắn chúng ta thường tự hỏi bản thân là: sản phẩm này có phù hợp hay không, khi sử dụng có khả gây kích ứng hay không? Để tránh tình trạng đau khổ vì kích ứng da, chúng ta hãy tìm hiểu về phương pháp test kích ứng/ dị ứng là Patch test nhé các bạn. Trước hết, chúng ta hãy tìm hiểu về bệnh viêm da tiếp xúc (Contact dermatitis) – tình trạng bệnh có thể xảy ra nếu chúng ta bị kích ứng mỹ phẩm

 

h1|Contact dermatitis - Viêm da tiếp xúc
h2|Định nghĩa và phân loại

 

Contact dermatitis – Viêm da tiếp xúc: Định nghĩa và phân loại

 

Viêm da tiếp xúc là một tình trạng viêm da phổ biến được đặc trưng bởi các tổn thương da ban đỏ và ngứa sau khi tiếp xúc với một chất lạ [1].

 

Có thể phân thành hai loại: Viêm da tiếp xúc dị ứng (Allergic contact dermatitis) hoặc viêm da tiếp xúc kích thích (Irritant contact dermatitis). Các chất gây viêm da tiếp xúc thường thay đổi theo đặc trưng địa lý nên sẽ khác nhau [2]

 

– Viêm da tiếp xúc kích thích: được gây ra bởi sự kích thích miễn dịch không điều hòa (non–immune-modulated irritation) bởi một chất gây kích ứng, dẫn đến các sự thay đổi trong khu vực bị kích thích đó. Các triệu chứng có thể xảy ra ngay lập tức và có thể tồn tại nếu chất kích thích không được nhận ra [1]. Một số chất gây viêm da kích ứng bạn có thể xem thêm ở đây.

 

Loại viêm da tiếp xúc này phổ biến hơn viêm da tiếp xúc dị ứng. Không giống như viêm da tiếp xúc dị ứng, viêm da tiếp xúc kích thích có thể diễn ra khi lần đầu bạn tiếp xúc với chất gây kích ứng, không yêu cầu tiếp xúc trước đó.

 

Và nó có thể trông giống như nhiều thứ, ví dụ như mụn, thâm quần mắt, da tay khô hoặc khô da quanh vùng miệng. Nếu kích ứng đủ mạnh, nó có thể phá vỡ hàng rào bảo vệ da [4] và gây ra phát ban khá nghiêm trọng. Một số chiết xuất thực phẩm có thể gây ra kích ứng khi đắp lên mặt, ví dụ như: chiết xuất đu đủ, vỏ chanh, bưởi, cam, quýt. Không may là các chất này hiện diện khá nhiều trong các sản phẩm chăm sóc da [8].

 

 

 

 

– Viêm da tiếp xúc dị ứng: là một phản ứng mẫn cảm chậm trễ (có nghĩa là không bộc phát ngay lúc tiếp xúc) trong đó một chất lạ tiếp xúc với da; làm cho da phát triển sự nhạy cảm đối với chất đó. Khi tái tiếp xúc với chất lạ đó sẽ gây ra bệnh [1]. Thông thường, sau khi tiếp xúc với dị nguyên khoảng 24 đến 48h thì xuất hiện phản ứng dị ứng. Một số dị nguyên hay gặp [7]: Nickel sulfate, Neomycin sulfat và Hương liệu.

 

Đối với Viêm da tiếp xúc dị ứng, thông thường, bạn sẽ không bị phát ban ngay lần đầu tiên khi da chạm vào thứ gì đó mà bạn bị dị ứng. Nhưng cái chạm đó làm mẫn cảm làn da của bạn và bạn có thể có phản ứng dị ứng vào lần tới khi bạn tiếp xúc chất đó. Nếu bạn bị phát ban dị ứng, rất có thể bạn đã chạm vào kích hoạt đó trước đó và chỉ không biết điều đó. [9]. Do đó, viêm da tiếp xúc dị ứng thậm chí có thể xảy ra với các sản phẩm mà bạn đã sử dụng trong nhiều năm (cũng có thể do sản phẩm thay đổi công thức). Điều này có thể xảy ra bởi vì sự nhạy cảm có thể phát triển dần khi bạn sử dụng sản phẩm đó liên tục và bamp! một ngày nào đó bạn bị viêm da tiếp xúc dị ứng :(( [8].

 

 

 

 

 

Phân biệt purging và mụn breakout (Viêm da tiếp xúc kích thích/ dị ứng)

Một trong những nguyên nhân mà chúng ta thường không đi khám và điều trị sớm Viêm da tiếp xúc kích thích là do chúng ta lầm tưởng là chúng ta đang trải qua giai đoạn purging! Tuy vậy, có một số cách sau đây để có thể nhận biết, dựa trên kinh nghiệm cá nhân và tham khảo từ bác sĩ da liễu Dr. Deanne Mraz Robinson [10]:

 

 

Hình 1. Phân biệt Purging và Breakout

 

(Lưu ý: Tuy nhiên thực tế bằng mắt thường cũng khó có thể xác định rõ ràng là purging hay breakout nếu bạn dùng các sản phẩm acids như BHA…, do đó bạn có thể giảm tần suất sản phẩm bạn nghi ngờ xuống và sau đó xem diễn tiến làn da như thế nào. Nếu làn da phục hồi lại tốt hơn và mụn nhanh hết, có thể là bạn đang purging, còn nếu làn da vẫn không tiến triển tốt, có khả năng cao đó là break out)

 

Theo bác sĩ da liễu Dr. Deanne Mraz Robinson, thuật ngữ purging dùng để chỉ phản ứng đối với một hoạt chất làm tăng tốc độ thay đổi tế bào da. Khi tốc độ thay đổi tế bào da tăng lên, da bắt đầu làm bong các tế bào da chết nhanh hơn bình thường [10].

 

Mục tiêu cuối cùng? Để lộ các tế bào da tươi trẻ bên dưới lên và từ đó giúp da bạn trẻ trung hơn. Tuy vậy, Trước khi các tế bào mới, khỏe mạnh này có thể chu kỳ lên bề mặt, một số “thứ khác” phải nổi lên trên cùng trước tiên, như bã nhờn dư thừa, da chết bong tróc và những thứ này tích tụ làm tắc nghẽn lỗ chân lông. Đây là những gì mà chúng ta gọi là purging [10].

 

Purging thường chỉ xuất hiện ở vị trí bạn hay nổi mụn và thường chỉ xuất hiện với các sản phẩm tăng tốc độ thay đổi tế bào da như Acids, Retinoids và các loại Peel. Cho nên, nếu các bạn sử dụng các sản phẩm không có các thành phần đó, khả năng cao là bạn đã bị kích ứng da và nên ngưng ngay lập tức sản phẩm bạn nghi ngờ gây ra kích ứng (ví dụ, sản phẩm mới đưa vào routine) hoặc nếu tốt nhất là nên ngưng tất cả sản phẩm skincare.

 

Vì sao? Bởi vì khi da bạn bị kích ứng, hàng rào bảo vệ da đã bị ảnh hưởng khá nặng [4]. Do đó, nếu bạn tiếp tục sử dụng routine cũ mà routine cũ có các chất như Acids hay Retinoids thì sẽ càng làm tình trạng kích ứng trầm trọng hơn, mặc dù trước đó bạn sử dụng các hoạt chất này không sao.

 

Ngược lại, nếu bạn đang ở trong giai đoạn purging, thì hãy tiếp tục sử dụng các hoạt chất đó nhé. Giai đoạn purging sẽ sớm trôi qua và da bạn “trộm vía” sẽ đẹp hơn rất nhiều.

 

Nếu lỡ bị kích ứng da, bạn hãy lướt xuống phía dưới xem cách chăm sóc da chi tiết hơn nhé!

 

 

 

 

Để ngăn ngừa tình trạng viêm da tiếp xúc xảy ra, một bài kiểm tra da gọi là patch test có thể được thực hiện để xác định các chất gây dị ứng. Tuy nhiên bài test này chủ yếu chỉ để xác định nguyên nhân của Viêm da tiếp xúc dị ứng.

 

Mô tả: các chất gây dị ứng phổ biến sẽ được thoa trên các miếng dán và dán vào lưng của bệnh nhân trong khoảng 48 giờ. Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành mở miếng dán và xem xét kết quả. Các bạn có thể được yêu cầu phải tiếp tục test sau đó nữa

Do có một số chất gây dị ứng chỉ biểu hiện rõ ràng sau 4 ngày, ví dụ như neomycin, tixocortol pivalate và nickel [2].

 

 

Hình 2. Mô tả Patch test [2]

 

Tuy vậy, các patch test với các chất gây dị ứng phổ biến cũng chưa hoàn toàn xác định đc nguyên nhân của Viêm da tiếp xúc dị ứng [3]. Một số nhà nghiên cứu cho rằng phải sử dụng bài test lên chính mỹ phẩm mà người tiêu dùng sử dụng, như bài nghiên cứu của Menné và cộng sự [5].

 

Nếu muốn, bạn có thể đến các cơ sở ý tế để thực hiện bài patch test này bởi vì khi xác định được bản thân của bạn dị ứng với chất nào hoặc mỹ phẩm nào bạn đang sử dụng, bạn sẽ điều chỉnh routine phù hợp và da sẽ nhanh hết mụn hơn rất nhiều, thay vì cứ tiếp tục đổi sản phẩm liên tục và bị kích ứng liên tục (như mình hồi xưa ==!). Thực tế, có một số nghiên cứu cho thấy rằng bài patch test này có lợi ích cho bệnh nhân và cải thiện chất lượng sống của họ [6]. Bài test giúp họ phát hiện các chất dị ứng, từ đó chủ động phòng tránh không tiếp xúc các chất đó và về lâu dài sẽ có lợi cho sức khỏe và cả các vấn đề về da của họ. Bạn có thể Google tim các cơ sở ý tế có cung cấp xét nghiệm này để thử nhé! Hãy nhớ đem theo sản phẩm skincare của bạn để test nếu có thể (và nếu ở đó có thực hiện qui trình test bằng sản phẩm của bạn).

 

Tuy vậy nếu không thuận tiện đi làm bài test này, bạn có thể test các sản phẩm mỹ phẩm mình đang sử dụng ở nhà. Vậy bạn nên làm thế nào? Hãy đọc tiếp ngay phía dưới nhé

 

 

 

Tốt nhất, bạn nên patch-test toàn bộ các sản phẩm skincare mới trước khi sử dụng nó trên toàn khuôn mặt của bạn. Nên nhớ rằng chậm mà chắc, skincare không phải trong một sớm một chiều, không phải là chặng chạy nước rút mà là một chặng chạy marathon. Bạn càng kiên nhẫn thì khả năng cao bạn sẽ hết mụn

 

Một số cách patch test sau đây mình có tham khảo từ website của anh simpleskincarescience [11] cộng với kinh nghiệm cá nhân của mình.

 

*Có 2 loại test mà bạn có thể thực hiện:

1. Các phản ứng dị ứng.

Thoa sản phẩm ở phía sau tai của bạn hoặc mặt trong của khủy tai [11,2].

 

2. Các phản ứng kích ứng:

Thoa sản phẩm lên các vùng da mà bạn nhạy cảm trên mặt, thường bị nổi mụn. Mỗi người có thể khác nhau, đối với mình là khu vực mũi và xung quanh mũi. Tuy vậy, để an toàn mình thường chọn vùng xương hàm và trước tai do vấn đề thẩm mỹ (bạn sẽ ít bị chú ý hơn, mặc dù có thể thời gian test cần kéo dài hơn)

 

*Thời gian patch test:

Thời gian này sẽ khác nhau giữa mỗi người. Thông thường, các phản ứng của Viêm da kích ứng sẽ diễn ra khá sớm, tuy nhiên các phản ứng của Viêm da dị ứng sẽ trễ hơn như mình có đề cặp ở trên. Trong trường hợp này, mình nghĩ nên test trong khoảng thời gian tối đa 7 ngày, mỗi ngày thoa sản phẩm 2 lần (theo như khung test Open test – test sản phẩm mà không cần dùng các miếng dán + các chất occlusive khóa ẩm để giữ sản phẩm [2]).

 

*Liều lượng:

Bạn nên thoa một lượng sản phẩm vừa đủ trong một khu vực mà bạn dễ quan sát thấy được phản ứng nếu có, nhưng không quá nhiều để hạn chế “thiệt hại sắc đẹp” khi kích ứng/ dị ứng bùng phát

 

 

 

Nếu da bạn đã lỡ bị kích ứng thì làm sao đây? Hãy tham khảo một số cách mà bạn có thể làm nhé:

 

a. Dấu hiệu cơ bản khi da bị kích ứng:

– Nổi mụn liti khiến da sần lên, kiểu như mỗi lỗ chân lông là một cục mụn @@

– Da bị khô và sạm đi

– Ngứa và đỏ da thường xuyên

 

b. Routine:

*Nên ngừng tất cả sản phẩm trong khoảng 1 – 2 tuần. Sau đó, hãy sử dụng lại tuần tự các sản phẩm mà bạn cảm thấy an tâm nhất (có thể là do sản phẩm đó trước giờ bạn ko bị kích ứng, hoặc thành phần lành tính). Chỉ nên sử dụng lại trước các sản phẩm quan trọng như Sữa rửa mặt, kem dưỡng và kem chống nắng.

 

Ngoài ra, một số sản phẩm gợi ý cho các bạn ở giai đoạn phục hồi như sau:

 

*Sửa rửa mặt

 

 

1) Sửa rửa mặt Cerave Foaming Cleanser

2) Sửa rửa mặt Vanicream Gentle Facial Cleanser

 

*Kem dưỡng

 

 

1) Neutrogena® Hydro Boost Gel-Cream with Hyaluronic Acid for Extra-Dry Skin

2) EltaMD AM Therapy Facial Moisturizer

3) Timeless Squalane Oil 100% Pure

 

*Kem chống nắng:

 

 

1) Vanicream Sunscreen Sport Broad Spectrum SPF 35

(Tuy vậy sản phẩm này hơi khó tìm, các bạn nên nhờ người thân xách tay hơn nhé, nếu mua qua các website xách tay sẽ hơi bị đắt)

2) EltaMD UV Clear Broad-Spectrum SPF 46

3) UV Sport Broad-Spectrum SPF 50

 

Lưu ý:

*Nhớ patch test cả các sản phẩm này luôn nhé các bạn

 

**Các bạn có thể bổ sung thêm thực phẩm chức năng hỗ trợ như L-cystine (giúp hỗ trợ điều trị sạm da, viêm da dị ứng. Là thực phẩm bổ sung nên bạn có thể tự mua sử dụng được, tuy nhiên nên tham khảo thêm ý kiến của người bán thuốc. Trong tương lai mình sẽ viết chi tiết hơn nhé)

 

**Nếu da kích ứng nặng như: mụn liti đầy mặt, da sạm đen và ngứa liên tục, bạn hãy chủ động đi khám tại bệnh viện da liễu nhé. Chỉ cần uống thuốc khoảng 2 – 4 tuần sẽ hết hẳn (đối với mình). Nếu bạn nào cần toa thuốc, có thể comment lại để mình gửi các bạn tham khảo và các bạn có thể gửi cho bác sĩ điều trị tham khảo luôn nhé.

 

***Do có nhiều bạn bình luận hỏi về toa thuốc nên mình post tại đây nhé, bao gồm 3 toa:

 

1) Toa thuốc 1

 

2) Toa thuốc 2

 

3) Toa thuốc 3

 

Lưu ý: Đây là toa thuốc dùng gửi cho bác sĩ tham khảo, các bạn không nên tự ý mua và uống. Vì có một số thuốc kháng sinh nên có thể bác sĩ phải xét nghiệm một vài test rồi mới kê cho các bạn uống được. Nên khám khi trường hợp viêm da quá nặng nhé các bạn!

—————————

 

[1] Usatine, R. P., Riojas, M. (2010). Diagnosis and Management of Contact Dermatitis. Am Fam Physician. 2010 Aug 1;82(3):249-255.

[2] Wahlberg, J. E., Lindberg, M. (2006). Patch testing in Peter J., F., Torkil, M., Jean-Pierre, L. (Eds). Contact Dermatitis (4th Edition, 365-390). Heidelberg, Berlin, Germany: Springer.

[3] Peter J. F., Johannes, G., Wolfgang, U., An, G. (2006). Patch Testing with the Patients’Own Products in Peter J., F., Torkil, M., Jean-Pierre, L. (Eds). Contact Dermatitis (4th Edition, 929-941). Heidelberg, Berlin, Germany: Springer.

[4] Eberting, C.L. (2014). Irritant Contact Dermatitis: Mechanisms to Repair. Journal of clinical & experimental dermatology research, 5, 1-8.

[5] Menné T, Dooms-Goossens A, Wahlberg JE, White IR, Shaw S (1992) How large a proportion of contact sensitivities are diagnosed with the European standard series? Contact Dermatitis 26 : 201–202.

[6] Rajagopolan R, Anderson R (1997) Impact of patch testing on Dermatology-specific quality of life in patients with allergic contact dermatitis. Am J Contact Dermat 8 :215–221

[7] https://moh.gov.vn/web/phong-chong-benh-nghe-nghiep/thong-tin-hoat-dong/-/asset_publisher/xjpQsFUZRw4q/content/cac-benh-da-nghe-nghiep-thuong-g-1

[8] https://www.youtube.com/watch?v=IrYj8aORB2s

[9] https://www.webmd.com/skin-problems-and-treatments/contact-dermatitis#1

[10] https://www.healthline.com/health/beauty-skin-care/skin-purging

[11] https://simpleskincarescience.com/patch-test/

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *